15. Tiềm năng băng cháy của vùng biển Việt Nam?

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Băng cháy là một loại khí hydrate (gas hydrate, methane hydrate) tồn tại dưới dạng hỗn hợp rắn, trông bề ngoài giống băng hoặc cồn khô, có thể trong suốt hay mờ đục, dạng tinh thể màu trắng, xám hoặc vàng. Băng cháy bao gồm khí hydrocarbon (chủ yếu là methan) và nước, được hình thành trong điều kiện áp suất cao và nhiệt độ thấp nên có khả năng bay hơi trong điều kiện bình thường như băng phiến.

Khi nguồn năng lượng truyền thống như than đá, than bùn, dầu khí,... ngày càng cạn kiệt thì băng cháy với trữ lượng lớn gấp hơn hai lần trữ lượng năng lượng hóa thạch đã biết được xem là nguồn năng lượng có hiệu suất cao, sạch và là năng lượng thay thế tiềm tàng trong tương lai. Chính vì thế, băng cháy đã thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia biển, quốc đảo trên thế giới. Tuy nhiên, băng cháy có thể là một yếu tố góp phần gây biến đổi khí hậu toàn cầu do khả năng "tự bốc hơi" trong điều kiện nhiệt độ và áp suất bình thường và có thể là một dạng tai biến địa chất (geohazard). Các tổ chức quốc tế đã cảnh báo điều nói trên sẽ xảy ra trong tương lai nếu các quốc gia hành động thiếu trách nhiệm khi sử dụng công nghệ lạc hậu trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác, bảo quản và sử dụng băng cháy.

Biển Đông là một trong 4 khu vực ở Đông Á có tiềm năng về băng cháy, nhưng cũng chỉ đạt cỡ trung bình của thế giới sau các vịnh Mexico và Nankai.

Ở Việt Nam, gần đây mới có một số công trình nghiên cứu tổng quan về băng cháy trên cơ sở hồi cố các tài liệu đã có. Thông qua các tài liệu địa chất địa vật lý, địa hóa khí các trầm tích và các tiền đề khác ở thềm lục địa và vùng biển sâu của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác nhiều năm với nước ngoài (chủ yếu với Nga, Mỹ), các nhà địa chất đã nhận định biển nước ta cũng có triển vọng lớn về băng cháy. Vì thế, Chính phủ rất quan tâm và năm 2010 Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 796/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản về tiềm năng khí hydrate ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam". Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thực hiện chương trình này thông qua hợp tác với các nước có kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến.

Theo "100 câu hỏi - đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam" (Nxb Thông tin và Truyền thông - 2013)

Trung bình (0 Bình chọn)