17. Khái niệm đảo và các bãi cạn nửa nổi nửa chìm được hiểu như thế nào? Chế độ pháp lý của chúng?

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Điều 121 của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 định nghĩa "một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước". Điều 13 của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 định nghĩa "các bãi cạn nửa nổi nửa chìm là các vùng đất nhô cao tự nhiên có biển bao quanh, khi thủy triều xuống thấp thì lộ ra, khi thủy triều lên cao thì bị ngập nước".

Chế độ pháp lý của đảo: Các đảo có lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo đúng các quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác. Các đảo đá "không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa".

Chế độ pháp lý của các bãi cạn nửa nổi nửa chìm: Các bãi này đóng vai trò nhất định trong việc vạch đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Khi toàn bộ hoặc một phần bãi cạn nửa nổi nửa chìm ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng lãnh hải thì ngấn nước triều thấp nhất ở trên các bãi cạn này có thể được dùng làm đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải; khi nó hoàn toàn ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách vượt quá chiều rộng của lãnh hải thì chúng không có lãnh hải riêng và các đường cơ sở thẳng chỉ được kéo đến hay xuất phát từ các bãi này khi trên đó có những đèn biển hoặc các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước và việc vạch các đường cơ sở đó được sự thừa nhận chung của quốc tế.

Theo "100 câu hỏi - đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam" (Nxb Thông tin và Truyền thông - 2013)

Trung bình (0 Bình chọn)