31. Luật Thủy Sản quy định về việc bảo vệ thủy, hải sản như thế nào?

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Điều 7, điều 8 và điều 9 thuộc Chương 2 của Luật Thủy sản (2003) đã quy định:

1.Về công tác bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản:

Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản.

Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thủy sản hoặc có các hoạt động khác ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống, di cư, sinh sản của các loài thủy sản phải tuân theo quy định của Luật này, pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về tài nguyên nước và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Tổ chức, cá nhân khi xây dựng mới, thay đổi hoặc phá bỏ các công trình có liên quan đến môi trường sống, di cư, sinh sản của các loài thủy sản phải thực hiện việc đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản bằng đặt đăng, đáy hoặc bằng phương pháp ngăn, chắn khác ở các sông, hồ, đầm, phá phải dành hành lang cho các loài thủy sản di chuyển theo quy định của Ủy ban nhân dân địa phương.

2. Về bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản

Nhà nước có chính sách bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các loài thuỷ sản đang có nguy cơ tuyệt chủng, các loài quý hiếm, các loài có giá trị kinh tế cao và các loài có ý nghĩa khoa học; khuyến khích nghiên cứu khoa học để có các biện pháp phù hợp nhằm phát triển nguồn lợi thủy sản; đầu tư sản xuất giống thủy sản để thả vào môi trường sống tự nhiên và tạo ra các vùng cư trú nhân tạo nhằm tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ thực hiện việc bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định kỳ công bố:

Danh mục các loài thủy sản đã được ghi trong sách đỏ Việt Nam và các loài thủy sản khác bị cấm khai thác; danh mục các loài thủy sản bị cấm khai thác có thời hạn và thời gian cấm khai thác;

Các phương pháp khai thác, loại nghề khai thác, ngư cụ bị cấm sử dụng hoặc bị hạn chế sử dụng;

Chủng loại, kích cỡ tối thiểu của các loài thủy sản được phép khai thác và mùa vụ khai thác;

Khu vực cấm khai thác và khu vực cấm khai thác có thời hạn. Trong trường hợp cần thiết và được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố bổ sung những nội dung cho phù hợp với thực tế hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản tại địa phương.

Theo "100 câu hỏi - đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam" (Nxb Thông tin và Truyền thông - 2013)

Trung bình (0 Bình chọn)