Đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở Bắc Giang ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ và rộng khắp, góp phần tích cực vào phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Nông dân thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu. Ảnh: BGP/Trâm Anh.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là một trong ba phong trào thi đua lớn, trọng tâm do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động. Triển khai phong trào, các cấp Hội Nông dân đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân thực hiện các chủ trương lớn trong nông nghiệp như “dồn điền, đổi thửa”, xây dựng “cánh đồng lớn”, đẩy mạnh các hoạt động liên kết “4 nhà” trong sản xuất, tiêu thụ. Tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, dạy nghề, cho nông dân vay vốn, từ đó thu hút đông đảo nông dân tham gia.

Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn thử nghiệm các giống cây, con mới, góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh về lao động, đất đai, xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Hàng năm, tỉnh Bắc Giang có trên 100 nghìn lượt hộ nông dân đăng ký nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Nhận thấy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Lục Ngạn, gia đình chị Nguyễn Thị Chiếm, xã Tân Mộc đã lựa chọn cây cam đường Canh và cam Vinh để làm kinh tế. Năm 2009, được sự giúp đỡ của Hội Nông dân, chị mạnh dạn chuyển đổi 2 mẫu đất đang trồng vải thiều của gia đình sang trồng hai giống cây này. Chị Chiêm cho biết: “Lúc đầu do kinh nghiệm chưa có nên gặp không ít khó khăn, cây cam hay bị bệnh, tỷ lệ ra hoa đậu quả kém. Nhưng nghĩ thất bại mới có thành công, gia đình tôi tích cực đi học hỏi kinh nghiệm thực tế, tìm hiểu qua sách báo. Đến năm 2011, vườn cam nhà tôi được mùa được giá, cho tổng thu nhập khoảng 1,1 tỷ đồng. Từ đó đến nay cho đều đặn mỗi năm vườn cam cho thu nhập từ 1-2 tỷ đồng”.

Còn anh Giáp Văn Nam, xã Cao Xá, huyện Tân Yên cho rằng, muốn làm giàu ngay tại quê hương mình thì phải mở rộng sản xuất, sản xuất nông nghiệp phải gắn với dịch vụ. Do đó năm 2007, anh đăng ký kinh doanh dịch vụ tổng hợp, bao tiêu sản phẩm. Sau khi phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền vận động bà con trồng dưa bao tử, cà chua bi, ớt, thành lập các điểm thu gom hàng, anh đứng ra ký hợp đồng với các công ty chế biến rau, củ quả trong và ngoài tỉnh, giúp bà con tiêu thụ sản phẩm dễ dàng và ổn định.

Tuy nhiên, để hạn chế bị tư thương ép giá, đồng thời hướng thị trường các sản phẩm sạch, năm 2015, anh mạnh dạn xây dựng nhà xưởng sơ chế rau củ quả ngay tại gia đình với tổng diện tích 600 m2. Hiện nay, mỗi vụ gia đình anh trồng từ 8 sào đến 1 mẫu các loại rau quả chế biến, sau khi trừ chi phí cho thu nhập trên 720 triệu đồng/năm.

Những nông dân tiêu biểu được tôn vinh cho những cống hiến lao động không mệt mỏi của mình.
Ảnh: BGP/Trâm Anh.

Nhờ những cống hiến lao động không mệt mỏi ấy, năm 2016, tỉnh Bắc Giang có trên 114 nghìn hộ nông dân được tôn vinh sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, cấp Trung ương gần 800 hộ, cấp tỉnh gần 5 nghìn hộ. Nhiều hộ nông dân không chỉ có kinh tế ổn định mà còn vươn lên làm giàu, trở thành những triệu phú, tỷ phú. Năm 2016, toàn tỉnh có 131 hộ nông dân có thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên, hơn 700 hộ thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Điển hình như hộ gia đình ông Tô Hiến Thành, xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa chăn nuôi lợn siêu nạc với thu nhập 3 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Nam sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ, huyện Lục Ngạn cho thu nhập khoảng 3 tỷ đồng, ông Nguyễn Ngọc Dung, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế trồng cam Vinh cho thu nhập 1,7 tỷ đồng mỗi năm…

Những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu đã xuất hiện đều khắp các nơi trong tỉnh, qua đó đã tạo ra giá trị sản phẩm nông nghiệp to lớn. Nhiều hộ nông dân đã đứng ra thành lập các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ hợp tác… nhằm liên kết, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, từ đó đã có những tác động mạnh mẽ đến quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất, góp phần tăng thêm giá trị sản phẩm hàng hóa nông nghiệp.

Phong trào sản xuất kinh doanh giỏi cũng khuyến khích, động viên nông dân đoàn kết, phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn, từ đó góp phần vào quá trình xây dựng nông thôn mới./.

Trung bình (0 Bình chọn)