Đòn bẩy thoát nghèo

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ trong huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã ổn định cuộc sống, có thu nhập khá.
Nhiều hộ dân xã Chiên Sơn vươn lên làm giàu nhờ nuôi dê.

Vụ xuân năm nay, UBND huyện Sơn Động phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Chi nhánh Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp huyện triển khai trồng thí điểm giống ngô biến đổi gen NK4300Bt/GT tại thôn Cẩm Đàn, xã Cẩm Đàn với quy mô hơn 5 ha. Đây là giống mới, đủ điều kiện làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Sau hơn ba tháng trồng thử nghiệm, mô hình cho hiệu quả rõ nét với năng suất hơn 3 tạ/sào (tăng hơn 27% so với giống đối chứng). 

Ông Đoàn Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp huyện chia sẻ, kết quả thử nghiệm ban đầu cho thấy ngô biến đổi gen phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác của bà con trên địa bàn. Dự kiến vụ hè thu và đông xuân năm nay, đơn vị sẽ phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, UBND xã Hữu Sản, Long Sơn, Chiên Sơn triển khai nhân rộng với quy mô hơn 125 ha. Ngoài ngô NK4300Bt/GT, các cây trồng mới như bưởi Diễn, chanh đào, táo lai lê, củ cải Nhật, dưa, ngô bao tử, khoai tây... cũng phát triển tốt góp phần tăng thu nhập bình quân trên địa bàn lên 18 triệu đồng/người/năm, gấp gần hai lần so với năm 2011.

Sơn Động có nhiều đồi, núi, diện tích rừng trồng lớn tạo điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi dê. Năm 2012, gia đình ông Đinh Văn Thọ, thôn Thước 1, xã Phúc Thắng được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay 30 triệu đồng. Chỉ với 5 con dê giống, ông chịu khó học hỏi kỹ thuật chăn nuôi nên đến giờ đàn dê đã phát triển lên hơn 50 con. Không chỉ thoát nghèo, gia đình ông trở thành hộ có kinh tế khá. Hiện xã Phúc Thắng có 31 hộ nuôi dê với tổng đàn hơn 1 nghìn con. Mỗi hộ thu nhập từ 30-40 triệu đồng/năm. Đàn dê đang được nhân rộng ra các xã Hữu Sản, Thạch Sơn, An Bá, Vân Sơn, Chiên Sơn, Giáo Liêm. 

Xác định nông nghiệp là hướng đi mũi nhọn, thời gian qua, các cấp, ngành trong huyện quan tâm hỗ trợ nông dân, đặc biệt là hộ nghèo phát triển kinh tế. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện triển khai các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, xóa đói giảm nghèo như Chương trình 135, 30a; tổ chức cho bà con tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất. UBND các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất. Đội ngũ cán bộ thú y, khuyến nông xã luôn xung kích, giúp các hộ thực hiện đúng quy trình chăm sóc cây trồng, vật nuôi mới. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình nỗ lực vươn lên, tích cực tìm tòi, học hỏi, áp dụng cách làm mới để phát triển kinh tế. 

Đi đôi với ứng dụng tiến bộ KHKT, ngành chức năng huyện thành lập các hợp tác xã sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu nông sản giúp người dân nâng cao giá trị sản phẩm. Với số lượng gần 14 nghìn đàn ong, sản lượng mật đạt hơn 300 tấn/năm, UBND huyện đã xây dựng thành công thương hiệu “mật ong rừng Sơn Động”. Hiện nay, với 42 hội viên, HTX ong mật hữu cơ Sơn Động đang cung cấp cho thị trường hơn 100 tấn mật/năm, sản phẩm làm ra đến đâu có thương lái về tận nơi thu mua hết đến đó. Con ong trở thành một trong những vật nuôi chủ lực giúp hàng trăm hộ dân các xã Tuấn Đạo, Yên Định, Vân Sơn, An Lạc, Quế Sơn… thoát nghèo. 

Bà Hoàng Thị Ninh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đánh giá, hiện nay bộ giống cây, con trên địa bàn được cải tạo đáng kể, tạo tiền đề nâng cao năng suất, chất lượng. Nhằm hỗ trợ đầu ra ổn định cho các hộ, Phòng tiếp tục tham mưu với UBND huyện mời gọi các doanh nghiệp về đầu tư, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Trung bình (0 Bình chọn)