Bắc Giang: Đa dạng hình thức giúp phụ nữ thoát nghèo

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Bắc Giang quan tâm chỉ đạo tổ chức hội cơ sở đa dạng hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế. Qua đó giúp hàng nghìn gia đình phụ nữ khó khăn thoát nghèo, nâng chất lượng sống.
Từ một hộ nghèo, gia đình chị Bùi Thị Hiếu, thôn Hiệp Đồng, xã Thường Thắng (Hiệp Hòa)
 đã được  vay vốn mở xưởng may, tạo việc làm cho khoảng 50 lao động.

Niềm vui từ cơ sở

Trở lại xã Thường Thắng (Hiệp Hòa) mới đây, tôi thực sự ngỡ ngàng trước đổi thay nhanh chóng của miền quê thuần nông. Dạo qua các thôn Đồng Tâm, Tân Hiệp, Dinh Đồng thấy hàng chục ngôi nhà khang trang, bề thế cùng nhiều cửa hàng tạp hóa, đồ điện gia dụng… Chị Nguyễn Thị Oanh, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Thường Thắng có hơn 8.500 hộ, những năm trước, ruộng đất ít, năng suất, chất lượng nông sản thấp nên đời sống nhân dân nói chung, hội viên phụ nữ nói riêng rất khó khăn. Tính riêng phụ nữ làm chủ hộ, cuối năm 2010, Thường Thắng còn gần 200 gia đình nghèo. 

Thực hiện chỉ đạo của Hội cấp trên, Hội LHPN xã có kế hoạch hỗ trợ hội viên xóa nghèo như phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn tạo việc làm; vận động chị em phát triển nghề phụ tăng thu nhập. Thấy đa số chị em thiếu vốn sản xuất, Hội tiếp nhận nguồn vốn ủy thác giải ngân 5 tỷ đồng cho gần 200 lượt chị vay. Hàng trăm chị em kinh tế khá tham gia tổ tiết kiệm, giúp 373 lượt chị vay hơn 1 tỷ đồng không lấy lãi đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi.

Thống kê từ Hội LHPN tỉnh, hằng năm, hơn 95% hộ phụ nữ nghèo, 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được hội giúp đỡ nhiều mặt, trong đó 23,6% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo, 11,2% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo bền vững, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn hơn 7% năm 2015.

Nhờ được giúp đỡ, nhiều mô hình mới hình thành, mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu như trang trại chăn nuôi tổng hợp của chị Nguyễn Thị Kim, thôn Tân Hiệp. Chồng qua đời, các con nhỏ, chị làm thuê, làm mướn vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Được bày cách làm, cho vay 50 triệu đồng lãi suất ưu đãi, chị mở rộng chuồng trại, nuôi 20 lợn nái, duy trì đàn gà đẻ, gà thịt, bò sinh sản và canh tác lúa, rau sạch. Giờ đây, chị có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Chị Kim bày tỏ: “Tổ chức hội thực sự là “bà đỡ”, hỗ trợ đắc lực giúp chúng tôi vươn lên thoát khỏi cuộc sống đói nghèo”. Chị Kim là một trong gần 150 hội viên làm chủ hộ ở Thường Thắng thoát nghèo nhờ trợ giúp của hội 5 năm qua.

Câu chuyện giúp phụ nữ thoát nghèo tại mỗi địa phương có cách làm riêng phù hợp và sáng tạo. Ở xã Tăng Tiến (Việt Yên), ngoài hỗ trợ phụ nữ khó khăn triển khai thành công những mô hình kinh tế tổng hợp, phát triển nghề truyền thống mây- tre đan xuất khẩu, Hội LHPN xã vận động chị em tiết kiệm mua lợn giống tặng hội viên. Còn tại thôn Trám, xã Phúc Hòa (Tân Yên), Hội LHPN xã thành lập mô hình liên kết sản xuất lúa hàng hóa, cung cấp giống chất lượng cao, nhận bao tiêu nông sản. Hiện mô hình tạo việc làm cho 55 lao động, thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Mô hình tổ phụ nữ liên kết nuôi thỏ ở thôn An Thượng I, xã An Châu (Sơn Động) giúp 47 chị em có thu nhập…

Nỗ lực vì phụ nữ nghèo

Thực hiện chủ trương, mục tiêu giảm nghèo, T.Ư Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo cơ sở tập trung cao hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thực hành tiết kiệm. Trong đó chú trọng vận động phụ nữ  tự lực vươn lên. Cùng đó, kêu gọi hội viên nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, giúp vốn, kiến thức, kinh nghiệm làm ăn. 

Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Lạng Giang trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình tại hội thảo đánh giá hoạt động hỗ trợ phụ nữ nghèo do Hội LHPN tỉnh tổ chức.

Trên cơ sở khảo sát đời sống, việc làm và nhu cầu của chị em khó khăn, các cấp hội phân loại, tìm nguyên nhân nghèo để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Khắc phục tình trạng thiếu kiến thức và vốn sản xuất, hội chỉ đạo khai thác mọi nguồn lực, tổ chức tập huấn quản lý kinh tế, khoa học kỹ thuật. Đối với nơi đất sản xuất dồi dào khuyến khích chị em đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cây, con giống mới, năng suất, chất lượng cao vào đồng ruộng, phát triển mô hình kinh tế tổng hợp. 

Tại địa bàn không lợi thế về nông nghiệp, hội tăng cường phối hợp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm trong khu công nghiệp, doanh nghiệp địa phương, đẩy mạnh phát triển nghề truyền thống như làm mỳ, bánh đa, hoa khô, mây - tre - đan xuất khẩu…; vận động hội xây dựng, phát triển các mô hình liên kết sản xuất, tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo. 

Trao đổi với bà Đỗ Thị Lệ, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, được biết, 5 năm qua, các cấp hội trong tỉnh đã tín chấp với ngân hàng vay hơn 2.000 tỷ đồng, giải ngân cho gần 70 nghìn lượt chị em khó khăn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; vận động 341 nghìn lượt chị kinh tế khá hỗ trợ hơn 100 nghìn lượt phụ nữ nghèo vay 360 tỷ đồng phát triển sản xuất, đồng thời mở 872 lớp dạy nghề may, điện tử… cho hơn 30 nghìn chị; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 177 nghìn lượt hội viên. 

Nhờ triển khai đa dạng, sáng tạo các hình thức vận động, hỗ trợ hội viên đã tạo khí thế thi đua lao động sản xuất. Từ đây xuất hiện nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, nhiều tấm gương tiêu biểu nghèo khó vươn lên, có thu nhập mỗi năm 100- 200 triệu đồng như gia đình chị Đỗ Thị Lan, thôn Sen Hồ, thị trấn Nếnh (Việt Yên); chị Lê Thị Việt, thôn An Nguyễn, xã Cương Sơn (Lục Nam); chị Ngô Thị Vui, thôn Biếc, xã Đại Lâm (Lạng Giang)...

Trung bình (0 Bình chọn)