Bắc Giang: Nâng cao hiệu quả các mô hình kinh tế thanh niên

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Với hơn 23 nghìn đoàn viên thanh niên nông thôn, những năm gần đây, trên cơ sở sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, tỉnh Bắc Giang đã xuất hiện hàng trăm mô hình kinh tế thanh niên hoạt động có hiệu quả.

Vừa tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn, những mô hình kinh tế thanh niên ở Bắc Giang còn góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững; thúc đẩy sự phát triển của kinh tế địa phương.

Hiệu quả từ cách làm phù hợp

Những năm trước đây, vì nhiều nguyên nhân nên đa số nông thôn tại các địa bàn thuộc tỉnh Bắc Giang thường có xu hướng đi làm ăn xa, ngại tham gia các hoạt động đoàn thể. Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền các cấp trực tiếp là tổ chức Đoàn các cấp đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên. Trọng tâm là nắm bắt nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của thanh niên nông thôn để có phương hướng tổ chức những hoạt động xã hội và xây dựng các mô hình phù hợp, cuốn hút các bạn trẻ.

Đặc biệt, xác định rõ tầm quan trọng của việc hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, các cấp bộ Đoàn ở Bắc Giang đã luôn quan tâm hướng dẫn đoàn viên thanh niên xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tại các địa phương. Từ năm 2012 đến nay, tổ chức Đoàn trong toàn tỉnh tổ chức 262 lượt tham quan các mô hình kinh tế, 648 hội thảo đầu bờ, hướng dẫn quy trình, tập huấn, chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; phối hợp mở 88 lớp khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp cho thanh niên. Từ đó, đã có nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả đã xuất hiện trong thực tiễn. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Bắc Giang còn chỉ đạo củng cố và xây dựng mới hàng trăm mô hình câu lạc bộ, tổ hợp tác thanh niên phát triển kinh tế trên địa bàn nông thôn với nhiều nghìn lượt đoàn viên thanh niên tham gia, trong đó đặc biệt chú trọng đến các xã điểm xây dựng nông thôn mới. Công tác biểu dương, tuyên truyền và nhân rộng gương thanh niên tiêu biểu trong việc phát triển kinh tế tại địa phương cũng được chú trọng.

Một mô hình chế biến gỗ rừng trồng của đoàn viên, thanh niên huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).

Mạnh dạn đầu tư, mô hình chuyên canh cây ăn quả có múi của đoàn viên Tô Văn Mạnh ở xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã trở thành “điểm sáng” trong phong trào “Thanh niên lập nghiệp” ở địa phương. Với tinh thần dám nghĩ dám làm, anh Mạnh đã đến nhiều trang trại trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế. Từ quá trình nghiên cứu, anh quyết định đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình với mô hình cây ăn quả đem lại giá trị kinh tế cao như cam Đường Canh, cam Vinh, bưởi Diễn. Đến nay, mô hình của anh ngày càng phát triển và mở rộng mang lại hiệu quả kinh tế cao với số lượng cây cam Đường Canh lên tới trên 1.000 cây, trong đó có khoảng 500 đã cây cho thu hoạch đem lại doanh thu 300 triệu đồng/năm; 400 gốc cam Vinh, trong đó có 250 cây đã cho thu hoạch với năng suất hàng năm khoảng hơn 3 tấn, đem lại thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm; 200 cây bưởi Diễn đang trong thời kỳ phát triển mạnh. Tổng thu nhập từ cây ăn quả hàng năm trung bình 300 - 350 triệu đồng. Được biết, anh Tô Văn Mạnh chỉ là một trong số hàng nghìn đoàn viên thanh niên tiêu biểu trong phong trào “Thanh niên lập nghiệp” ở tỉnh Bắc Giang.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay toàn tỉnh Bắc Giang đang có hơn 600 mô hình câu lạc bộ, tổ hợp tác thanh niên phát triển kinh tế; 155 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi với thu nhập bình quân hàng năm từ 200 triệu đồng/mô hình trở lên. Các đơn vị trong toàn tỉnh cũng duy trì hoạt động hiệu quả của Hội Doanh nhân trẻ cấp tỉnh và 04 Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ tại các huyện và thành phố; hỗ trợ 27 dự án thanh niên phát triển kinh tế với 2.435 triệu đồng từ Quỹ Quốc gia về việc làm thông qua kênh Trung ương Đoàn và nhận ủy thác trên 200 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều gương thanh niên là chủ các doanh nghiệp và thanh niên làm kinh tế giỏi khởi nghiệp thành công.

Cần có sự hỗ trợ nhiều hơn từ cơ quan chức năng

Với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là tổ chức Đoàn các cấp, việc phát triển những mô hình kinh tế thanh niên ở Bắc Giang đã có ý nghĩa lớn trong tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho đoàn viên, thanh niên. Đồng thời, góp phần quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và thực hiện việc xây dựng mô hình kinh tế của thanh niên tại các xã nông thôn mới.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, vốn đầu tư ban đầu luôn là vấn đề khó khăn lớn nhất trong sự phát triển của các mô hình kinh tế thanh niên. Tỉnh đoàn Bắc Giang đã chủ động phối hợp với các cơ quan để có cơ chế bảo lãnh, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên vay vốn. Song, đến thời điểm hiện nay, việc thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm thông qua kênh Trung ương Đoàn vẫn còn có những vướng mắc nhất định. Theo đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh do đoàn viên, hội viên thanh niên, hộ gia đình trẻ kinh doanh cá thể làm chủ có thể được vay tối đa không quá 500 triệu đồng/dự án và không quá 20 triệu đồng/1 lao động được tạo việc làm mới; nhưng điều kiện vay vốn là phải có tài sản thế chấp cao hơn giá trị vốn vay. Điều này đã gây khó khăn cho nhiều đoàn viên, thanh niên có nhu cầu vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất.

Theo chia sẻ của đồng chí Ngụy Văn Tuyên, Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Giang, hiện nay toàn tỉnh có trên 23 nghìn đoàn viên thanh niên nông thôn; nếu tính số lao động trong độ tuổi thanh niên trên địa bàn thì con số này còn lớn hơn rất nhiều. Đây chính là lực lượng xã hội quan trọng trong xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế mới, hiệu quả.

Được biết, để phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên, thời gian tới, các tổ chức, các cấp, các ngành ở Bắc Giang sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác hỗ trợ, giúp đỡ đoàn viên, thanh niên. Trọng tâm là tập trung hỗ trợ những nội dung cụ thể như tăng nguồn vốn vay, kéo dài thời hạn vay vốn; tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ sản xuất; tuyên truyền, nhân rộng các điển hình sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay; gắn việc hỗ trợ đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới… Qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhất để đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tích cực mở rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh; góp phần có hiệu quả vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương./.

Trung bình (0 Bình chọn)