Bắc Giang: Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng; tăng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích; tăng thu nhập và nâng cao đời sống của hội viên, nông dân… đó là những hiệu quả rõ nét ở Bắc Giang nhờ tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp nông thôn.
Một góc trang trại nuôi lợn khép kín của anh Nguyễn Văn Tứ. Ảnh: QM

Thành tỷ phú nhờ “dám” ứng dụng kỹ thuật

Mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, những năm qua, trên các miền quê của tỉnh Bắc Giang đã xuất hiện ngày càng nhiều “tỷ phú nông dân”. Họ thực sự là những tấm gương điển hình về tinh thần dám nghĩ, dám làm.

Thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ chính những mảnh đất “bỏ đi” của địa phương, đó là cách mà người nông dân Nguyễn Văn Báo đã làm cho mọi người dân ở xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) ngạc nhiên, khâm phục. 

Sau thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, trở về quê hương, anh Báo sớm nung nấu quyết tâm làm giàu bằng việc tận dụng lợi thế diện tích đất vườn đồi và ao hồ sẵn có của gia đình. Bắt đầu bằng việc xây dựng mô hình trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Nút thắt đầu tiên là cây giống và phương pháp chăm sóc. Hơn 100 gốc vải thiều đầu tiên anh Báo sử dụng nguồn giống của các hộ trên địa bàn xã. Sau 4 năm, tốc độ sinh trưởng của cây chậm, quả cho thu hoạch không ổn định, chất lượng quả không cao. Rút kinh nghiệm từ thất bại đó, anh quyết tâm khăn gói về tận Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) để tìm mua cây giống vải và tìm hiểu cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây. Cây không phụ công người, lần này gần 300 gốc vải thiều đã cho thu hoạch với chất lượng cao, quả to tròn, vị ngọt đậm.

Từ kết quả bước đầu đó, anh Báo đã mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng và tham gia đấu thầu gần 10 ha diện tích trũng của xã để xây dựng mô hình trang trại tổng hợp. Theo đó, anh thuê máy múc về đào đắp đất và quy hoạch riêng khu vườn vải rộng hơn 3 ha, khu chăn nuôi lợn rộng gần 1 ha và xây dựng hệ thống ao hồ để nuôi thả cá. Với cây vải, anh Báo luôn trăn trở làm sao phải có được đầu ra ổn định? Tiếp tục tìm hiểu kỹ thuật, gia đình anh Nguyễn Văn Báo là gia đình đầu tiên ở xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn thực hiện trồng vải theo quy trình VieGAP. 

Đón đầu nhu cầu của thị trường, anh Báo còn mạnh dạn đầu tư xây dựng xưởng sơ chế, đóng gói vải, có hệ thống bảo quản hiện đại… Hệ thống chuồng nuôi lợn cũng được anh Báo thiết kế đúng theo yêu cầu do cán bộ kỹ thuật của Học viện Nông nghiệp Việt Nam hướng dẫn. Nhờ cập nhật, áp dụng kịp thời tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nên từ năm 2011 đến nay, mỗi năm gia đình anh Nguyễn Văn Báo thu hoạch từ 40 - 45 tấn vải thiều, 100 - 120 tấn lợn thịt… mang lại thu nhập trên dưới 1,4 tỷ đồng. Từ năm 2015 đến nay, anh Báo tiếp tục đầu tư phát triển mô hình “Ba cây” (vải, gấc, táo lai) đang hứa hẹn hiệu quả kinh tế lớn.

Cũng là một trong những ông chủ trang trại được hưởng lợi từ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, anh Nguyễn Văn Tứ ở xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) lại đi lên từ việc xây dựng mô hình trang trại khép kín nuôi lợn siêu nạc. Với tư duy dám nghĩ dám làm, năm 2010, anh Tứ mạnh dạn thế chấp vay ngân hàng để thành lập trang trại cách xa khu dân cư, tránh ô nhiễm môi trường. 

Với mục đích xây dựng mô hình chăn nuôi khép kín, có thể chủ động được từ con giống, tiêm phòng dịch bệnh, nguồn thức ăn và đầu ra của sản phẩm, bước đầu anh Tứ nuôi 100 con lợn thịt, 10 lợn nái. Không chỉ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do Trạm Khuyến nông huyện Hiệp Hòa tổ chức, anh Tứ còn luôn tuân thủ nghiêm ngặt công tác tiêm phòng dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi… Khâu lựa chọn con giống được anh chú trọng hơn cả. 100% lợn giống nái siêu nạc trong trang trại đều do anh Tứ đến tận trại giống CIPI để chọn mua. Do đó, liên tục trong nhiều năm, đàn lợn của gia đình anh Nguyễn Văn Tứ gần như miễn nhiễm hoàn toàn với các loại dịch bệnh. 

Hiện nay, trang trại nuôi lợn khép kín của anh Tứ đã được mở rộng với diện tích trên 3.000 m2, gồm 6 khu chuồng khép kín có hệ thống điều hòa nhiệt độ; thường xuyên duy trì khoảng 250 lợn nái và trên 1.300 lợn thương phẩm. Bình quân hàng tháng, anh Tứ cung cấp ra thị trường từ 30 – 35 tấn lợn thịt và khoảng gần 300 lợn giống các loại. Sau khi chi phí, gia đình anh vẫn thu về số lãi khoảng trên 1 tỷ đồng/năm.

Theo chia sẻ của anh Tứ, việc theo dõi thường xuyên từng con lợn nái, ghi chép đầy đủ về độ tuổi, ngày tiêm phòng vacxin cho từng bệnh, ngày cho thụ tinh, ngày đẻ… sẽ giúp người nuôi chủ động chăm sóc cả lợn mẹ và lợn thứ cấp. Việc đầu tư hệ thống chuồng nuôi khép kín tuy đòi hỏi vốn lớn song lại bảo đảm sức khỏe của đàn lợn cũng như là cơ sở để liên kết, phát triển lâu dài.

Cần nhân rộng những mô hình hiệu quả

Anh Báo, anh Tứ chỉ là hai trong số hàng trăm nông dân ở Bắc Giang có được thành công nhờ tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Việc mạnh dạn tìm tòi, áp dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi với quy mô lớn đã mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao cho người nông dân. Thực tế phát triển kinh tế nông nghiệp ở Bắc Giang thời gian qua cho thấy, nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học, nhiều nông dân dám nghĩ dám làm, có ý chí quyết tâm đã trở thành những tỷ phú, triệu phú trên chính đồng đất quê hương. Họ thực sự là những tấm gương tiêu biểu cho tinh thần hăng say lao động, thông minh, sáng tạo. Đặc biệt, nhiều hộ đã thành công trong những việc vốn được coi là “khó” với nông dân như: ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô, chiết ghép cây trồng; áp dụng quy trình sản xuất hiện đại trong trồng trọt, chăn nuôi bảo đảm tốt về năng suất, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó là hàng loạt những mô hình trồng vải, cam, bưởi, nhãn chín muộn; trồng hoa, cây cảnh; chăn nuôi lợn, nuôi gà, nuôi bò… với quy mô lớn, thu nhập mỗi năm từ vài trăm triệu cho đến nhiều tỷ đồng.

Đồng chí Leo Thị Lịch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang chia sẻ, xác định khoa học công nghệ là “chìa khóa” giúp nâng cao năng suất, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp nên thời gian qua, các cấp Hội Nông dân đã luôn chú trọng thúc đẩy việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh của hội viên nông dân. Thông qua việc tăng cường các hoạt động phối hợp, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật từ các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành, cán bộ kỹ thuật đến từ Viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Chăn nuôi, Viện Cây ăn quả… các cấp Hội đã giúp hàng vạn hội viên nông dân được tiếp cận với những kiến thức mới. Từ đó, người nông dân có điều kiện ứng dụng vào sản xuất, làm thay đổi thói quen canh tác, cách làm truyền thống để nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

Được biết, thời gian tới, Bắc Giang sẽ tiếp tục phát huy vai trò của các cơ quan chuyên môn, tổ chức đoàn thể, trọng tâm là ngành nông nghiệp và Hội nông dân để đẩy mạnh hơn nữa việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người sản xuất. Theo đó, cùng với việc tăng cường các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; nhân rộng các điển hình, mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ có hiệu quả; các cơ quan sẽ quan tâm hơn nữa đến việc hỗ trợ nguồn vốn sản xuất cho người nông dân. Đồng thời, từng bước liên hệ tìm kiếm đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản trọng điểm.

Trong bối cảnh người sản xuất đang thường xuyên phải đối mặt với sự bấp bênh của thị trường nông sản, thiết nghĩ cách làm trên của Bắc Giang là một hướng đi hiệu quả cần nhân rộng để người nông dân thực sự yên tâm gắn bó và vươn lên làm giàu cùng với các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao./.

Trung bình (0 Bình chọn)