Tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Chương trình tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2020 - 2025.
Hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh. Ảnh: BGP/An Nhiên

Chương trình nhằm tăng cường hợp tác, vận động, khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn viện trợ của các tổ chức PCPNN, góp phần phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững của tỉnh và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác phát triển giữa Bắc Giang với các tổ chức PCPNN và các nước trên thế giới.

Mục tiêu của Chương trình là củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác giữa tỉnh với các tổ chức PCPNN đã và đang hoạt động tại tỉnh, mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức PCPNN mới.

Duy trì giá trị, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế và các nguồn viện trợ nhân đạo từ các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, nâng cao hiệu quả của viện trợ thông qua việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá các hoạt động của các chương trình dự án diễn ra trong toàn tỉnh.

Đảm bảo môi trường pháp lý phù hợp, thuận lợi cho hoạt động viện trợ không hoàn lại của các cá nhân, tổ chức quốc tế; nâng cao tính chủ động, năng lực hợp tác của các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong xây dựng nhu cầu và công tác vận động, quản lý, sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại phù hợp với địa phương.

Chương trình đưa ra định hướng đối với từng ngành, lĩnh vực. Theo đó, đối với giáo dục và đào tạo định hướng hỗ trợ đào tạo giáo viên các cấp, ưu tiên đối với giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; xây dựng hạ tầng cơ sở giáo dục; trao đổi, liên kết, hợp tác trong giáo dục, hỗ trợ dạy và học ngoại ngữ; cung cấp học bổng đào tạo trong và ngoài nước cho giáo viên và học sinh các cấp học; hỗ trợ đào tạo công nghệ thông tin, đào tạo ngoại ngữ cho các trường phổ thông, nhất là ở vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu.

Về Y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, định hướng đào tạo cán bộ y tế; phát triển hạ tầng cơ sở y tế; hỗ trợ thực hiện các chương trình Quốc gia về phòng chống sốt rét, lao phổi, nước sạch và vệ sinh môi trường; phòng chống HIV/AIDS; phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm nguy cấp; hỗ trợ và điều trị cho người có HIV/AIDS; hỗ trợ việc thực hiện các chương trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, các bệnh truyền nhiễm, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ trong ứng phó và ngăn chặn các bệnh dịch trên diện rộng; hỗ trợ xây dựng và nâng cao năng lực cho các trung tâm kiểm soát dịch bệnh; hỗ trợ và triển khai các hoạt động giáo dục, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe học đường; chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật;…

Về nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn, Chương trình định hướng hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Nâng cao hiệu quả trồng các loại cây bản địa, cây có giá trị kinh tế cao. Hỗ trợ các mô hình chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt, lâm nghiệp; quản lý môi trường và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, thủy sản; phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ phát triển mạng lưới khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; phát triển hợp tác xã, tạo điều kiện cho các hợp tác xã có cơ hội tiếp cận và học hỏi các mô hình hợp tác xã tiêu biểu trên thế giới. Hỗ trợ liên kết với các hợp tác xã tiêu biểu để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Chương trình cũng định hướng việc hỗ trợ đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; giải quyết các vấn đề xã hội; môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ khẩn cấp; khắc phục hậu quả chiến tranh; văn hóa, thể thao, du lịch./.

An Nhiên

Trung bình (0 Bình chọn)