Dựng nghiệp trên quê mới

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Là cựu chiến binh có 26 năm đóng quân trên mảnh đất vải thiều Lục Ngạn, nghỉ hưu, ông Lê Thái Vĩnh về quê Ân Thi (Hưng Yên) đưa vợ con lên Bắc Giang sinh sống. Đất lành chim đậu, sau hơn chục năm, ông đã gây dựng được cơ nghiệp lớn trên quê mới thứ hai của mình- thôn Đồng Mai, xã An Dương, huyện Tân Yên (Bắc Giang).
Ngoài trồng trọt, ông Lê Thái Vĩnh còn đẩy mạnh chăn nuôi gia súc.

Hoài bão làm giàu

Chiều tháng chín, ánh nắng thu vàng khiến những vạt đồi nhãn muộn đang kỳ thu hoạch của gia đình ông Lê Thái Vĩnh trở nên óng ả, bắt mắt. Khách hàng đến tận vườn đặt mua từ trước nhanh tay thu hoạch, cân hàng để kịp theo xe mang đi tỉnh ngoài tiêu thụ. Quét ống nhòm một lượt quanh trang trại vườn- ao- chuồng rộng hơn 2ha của gia đình, tôi thấy mô hình được bố trí rất khoa học, tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch. Hệ thống đường ống dẫn nước tưới cho cây đặt ngầm dưới lòng đất. Quanh vườn thiết kế những lối nhỏ bê tông. Ao cá rộng hơn 3.000 m2 bảo đảm nước tưới cho cả khu đồi và nuôi cá thương phẩm. Khu chuồng trại chăn nuôi lợn, gà cũng được xây dựng công phu, khoa học. 

“Thời kỳ đóng quân ở Lục Ngạn, tôi đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm của người làm vườn trên đó và nung nấu ý định sau khi nghỉ hưu sẽ bắt tay làm giàu. Trang trại rộng nên tôi phải sắm ống nhòm để tiện cho việc theo dõi, bảo vệ”- ông Vĩnh cho biết. Hiện tại gia đình có 600 gốc nhãn muộn và 1.400 gốc cam đường Canh, 80 cây bưởi Diễn đều đã cho thu hoạch. Là thành viên Hội lợn sạch Tân Yên, trang trại lợn của gia đình luôn duy trì 20 lợn nái, 100 lợn thịt/lứa. Mỗi năm gia đình thu lãi khoảng 500 triệu đồng từ nhãn, cam, gà, lợn, cá, ong…

"Ông Lê Thái Vĩnh là tấm gương đảng viên, trưởng thôn mẫu mực, dám nghĩ, dám làm. Ông đã mạnh dạn đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng của cấp ủy, chính quyền. Đặc biệt, bằng những việc làm của mình, ông đã góp phần tạo sức lan tỏa trong thực hiện nghị quyết về phát triển cây ăn quả và nâng cao hiệu quả kinh tế vườn đồi của Huyện ủy nhiệm kỳ này". 


Đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Tân Yên

Khi được hỏi trong ba sản phẩm từ vườn - ao - chuồng thì đâu là chủ lực, ông cho rằng sản phẩm nào cũng cho thu nhập tương đối, nhưng tương lai gần sẽ là cây ăn quả. Tuy nhiên cây ăn quả muốn trụ vững phải tạo được vùng tập trung thì mới có sản phẩm hàng hóa. Trước kia, gia đình ông chỉ chăn nuôi gà đồi. Nhìn xa trông rộng thấy đất đai ở đây phù hợp với cây nhãn, ông âm thầm mang ba giống nhãn từ quê gốc Hưng Yên đưa vào trồng đối chứng. Sau hai năm cây cho quả, thấy giống nhãn Miền Thiết là phù hợp hơn cả, nên ông chặt bỏ vải thiều trồng nhãn muộn và cam Đường Canh. Cứ một hàng nhãn xen với một hàng cam xanh ngút ngàn. Đi giữa bạt ngàn đồi nhãn, cây chỉ cao trên đầu người mà lúc lỉu chùm quả, mỗi cây trung bình thu khoảng 30kg, đa số mỗi chùm nặng khoảng 1kg mới thấy giá trị như thế nào. Xen giữa hàng nhãn là cam Đường Canh xanh mướt, cây cao chưa đến đầu người nhưng đã sai trĩu quả. Ông Vĩnh còn định hướng cho con trai Lê Danh tốt nghiệp Đại học Bách khoa đang làm quản lý một phân xưởng ở Công ty nhựa Song Long về quê hương làm trang trại cùng bố. 

"Nhãn An Dương thi đua với vải  Phúc Hòa”

Suy nghĩ xây dựng An Dương trở thành vùng nhãn muộn hàng hóa để thi đua với Phúc Hòa - một xã nổi tiếng của huyện  về vải thiều sớm luôn nung nấu trong đầu Trưởng thôn, nguyên Bí thư Chi bộ Lê Thái Vĩnh. “Phúc Hòa có vải thiều sớm thì An Dương sẽ có nhãn muộn”. Ý tưởng này của ông không phải không có cơ sở. Nhìn thấy rõ tiềm năng đất đồi của xã An Dương rất phù hợp cho phát triển cây ăn quả, năm 2013 khi đang là Bí thư Chi bộ thôn Đồng Mai, ông Lê Thái Vĩnh đã đề xuất với Đảng ủy- UBND xã đưa cây ăn quả vào nghị quyết chuyên đề của xã, lấy cây nhãn muộn làm chủ công. Để nghị quyết đi vào thực tiễn, ông là một trong những người gương mẫu, tiên phong thực hiện. Trang trại cây ăn quả của gia đình được chọn làm mẫu để bà con đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. 

Ông Lê Thái Vĩnh giới thiệu sản phẩm nhãn muộn An Dương.

Đích thân ông là người chuyển giao khoa học kỹ thuật, tích cực hướng dẫn việc lựa chọn cây giống, cách làm đất, kỹ thuật trồng, phương pháp chăm sóc cho cây ở từng giai đoạn để làm sao đến khi thu hoạch, chất lượng quả bảo đảm mẫu mã đẹp, quả to, ngọt, trọng lượng đồng đều từ 45 -50 quả/kg. “Đầu xuôi đuôi lọt”, sau 3 năm, xã An Dương đã tạo thành vùng trồng nhãn muộn tập trung với diện tích hơn 20ha, bước đầu chuyển đổi đã cho hiệu quả kinh tế rõ rệt, hơn hẳn một số cây trồng khác như vải thiều, ổi, hồng… trước đó.

Khi tôi hỏi ông có tin An Dương sẽ xây dựng thành công vùng nhãn muộn hay không, ông nói rất tin. Bởi giờ đây cây nhãn đã cho trái ngọt trên vùng đồi này rồi. Tuy nhiên nếu không có kỹ sư hướng dẫn bà con một cách bài bản sẽ rất khó thành công, bởi nông dân chưa quen với cung cách làm hàng hóa. Chẳng hạn cứ thấy cây sai quả lại cho là tốt, không dám tỉa bỏ. Nhưng như vậy lại là bất lợi bởi chất lượng quả sẽ kém, quả bé, không bảo đảm sản phẩm hàng hóa. 

Chia sẻ với chúng tôi, cựu chiến binh, Trưởng thôn Lê Thái Vĩnh tâm sự: “Xuất thân là người con của Hưng Yên nổi tiếng với cây nhãn lồng, tôi rất muốn đặc sản quê hương mình đơm hoa, kết trái trên nhiều vùng đất. Và tôi đã chọn An Dương để dừng chân thực hiện ý tưởng của mình. Bằng tấm chân tình, công sức, trên hết là tinh thần trách nhiệm, nêu gương của người đảng viên… tôi tin sản phẩm nhãn Miền Thiết quê nhà Hưng Yên sẽ luôn bền vững và ngọt mãi trên quê mới An Dương…”.

Theo Phong Trường/BGĐT

Trung bình (0 Bình chọn)