Hỗ trợ sinh kế để giảm nghèo bền vững

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Công tác giảm nghèo luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Có sự cố gắng từ nhiều phía, lại được thụ hưởng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, bộ mặt nông thôn vùng cao có sự đổi thay đáng kể, nhiều hộ nghèo có điều kiện vươn lên, từng bước cải thiện đời sống.

Đường giao thông thôn Chao, xã An Lập (Sơn Động) được cứng hóa giúp bà con đi lại,
vận chuyển hàng hóa thuận lợi.

Giúp nông dân trồng trọt, chăn nuôi

Sơn Động là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh với khoảng 7,3 vạn người, gồm 14 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có 47,2% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số như: Dao, Tày, Nùng, Sán Chí, Cao Lan... 19/23 xã, thị trấn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Trao đổi với bà Vi Thị Tú, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện được biết, do địa hình nhiều đồi núi, giao thông cách trở nên dù có tiềm năng để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp nhưng trong quá trình triển khai công tác giảm nghèo, địa phương gặp không ít thách thức. Năm 2015, sau tổng điều tra hộ nghèo với phương thức tiếp cận đa chiều, toàn huyện có hơn 9,6 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 50,8%. “Trước thực tế này, chúng tôi luôn xác định, muốn giảm nghèo thì trước hết phải thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí vươn lên của bà con. Vì vậy, ngoài đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đơn vị thường xuyên tham mưu với lãnh đạo huyện quan tâm bố trí kinh phí để hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo”, bà Tú nói.

Với phương châm “cho cần câu hơn xâu cá”, cách làm thiết thực này được bà con ủng hộ. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi được hỗ trợ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như: Chè Bát Tiên ở thị trấn Thanh Sơn; ba kích ở xã Bồng Am; măng Bát Độ tại xã An Lập; nuôi lợn rừng ở xã Tuấn Đạo; nuôi ong ở Yên Định. Là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế, gia đình anh Pháo Văn Chít, chị Đỗ Thị Thà, thôn Trại Chùa, xã Yên Định đã thoát nghèo năm 2017. Chị Thà chia sẻ: “Năm 2010, vợ chồng tôi ra ở riêng với vốn liếng là gần 100 gốc vải thiều đã già cỗi mà không có vốn cải tạo. Năm 2016, vợ chồng tôi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo để đầu tư làm vườn, nuôi ong. Hằng tuần, hằng tháng, lãnh đạo xã quan tâm cử cán bộ khuyến nông đến hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi nên tôi yên tâm sản xuất. Giờ đây, mỗi năm gia đình thu lãi gần 100 triệu đồng từ bán vải thiều và khai thác mật 40 đàn ong. Có tích lũy, tôi đã dựng được căn nhà, mua sắm vật dụng sinh hoạt và lo cho các con”.

Theo đánh giá của ông Trương Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Yên Định, hầu hết các hộ thoát nghèo những năm gần đây đều mạnh dạn trồng cây ăn quả như cam, táo và nuôi ong. Xác định đây là hướng đi chủ lực, xã tiếp tục dành kinh phí hỗ trợ vốn, cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật để hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số có những điều kiện ban đầu để phát triển kinh tế. Đồng thời, tập trung kinh phí của Chương trình 30a cho việc cải tạo đường giao thông liên thôn, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản.

Lồng ghép các nguồn vốn

Năm 2017, huyện Sơn Động còn hơn 8,1 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 41,2%, giảm 5% so với năm trước, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Tuy vậy, để duy trì kết quả giảm nghèo bền vững không phải việc dễ dàng. Ngoài nhận thức của một bộ phận người nghèo chưa thực sự chuyển biến, còn tồn tại tư tưởng trông chờ, ỷ lại thì vấn đề thiếu vốn đầu tư cũng đang là lực cản. Để khắc phục, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong huyện đã tập trung nghiên cứu, lồng ghép các nguồn lực để phát huy tối đa hiệu quả.

Cụ thể như trước đây, người dân thôn Chao, xã An Lập đi lại rất khó khăn do con đường đất trời nắng thì bụi, còn mưa lại lầy lội. Năm 2017, với quyết tâm cao, huy động tổng hợp mọi nguồn lực (từ Nghị quyết 07 quy định chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2021, nguồn Chương trình 30a), xã đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng 4 km đường tại thôn Chao. Khi công trình được đưa vào sử dụng, bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa nhanh gọn, góp phần tạo đà cho phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, hoạt động tích cực của các tổ chức hội, đoàn thể cũng góp phần vận động, hỗ trợ nhiều hộ tìm hướng thoát nghèo. Điển hình như Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện xây dựng các mô hình tiết kiệm như: Hũ gạo, nuôi lợn đất, tiết kiệm điện... ở 100% cơ sở hội. Nguồn quỹ này không chỉ dành tặng quà động viên, chia sẻ khó khăn mà phần lớn được chi cho hội viên nghèo vay để gắn trách nhiệm, mở mang sản xuất, kinh doanh.

Ông Giáp Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động cho biết, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức để người nghèo tự lực vươn lên; phân bổ hợp lý các nguồn lực trên cơ sở ưu tiên thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với phát triển kinh tế rừng, tập trung sản xuất cây lâm nghiệp, dược liệu với ba sản phẩm mũi nhọn gồm: Ba kích, nấm lim và mật ong rừng.

Theo baobacgiang.com.vn

Trung bình (0 Bình chọn)