Hội nghị trực tuyến thúc đẩy số hóa ngành Nông nghiệp

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 14/5, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến về chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành Nông nghiệp”. Tại điểm cầu Trung ương các đồng chí: Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị.

Tại điểm cầu Bắc Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Thi chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, những năm qua, nông nghiệp Việt Nam được ghi nhận có sự tiến bộ vượt bậc. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu các mặt hàng nông sản, lương thực và nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu lớn của thế giới; có 10 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD bao gồm: Gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả, tôm, cá tra, lâm sản.

Tuy nhiên, Việt Nam mới bắt đầu những bước đi đầu tiên trên con đường chuyển đổi số để đưa nền kinh tế bước vào kỷ nguyên số. Việc thực hiện số hóa, chuyển đổi số thông qua các công nghệ số vào các khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh nông sản đã được doanh nghiệp, người dân quan tâm thực hiện. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân sản xuất đã áp dụng hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt, tự động điều chỉnh nhiệt độ trong nhà kính, nhà màng; ứng dụng phần mềm quản lý sản xuất, truy suất nguồn gốc; ứng dụng công nghệ IoT, tự động hóa vào quá trình sản xuất nông nghiệp từ khâu canh tác cho tới khâu phân phối sản phẩm ra thị trường, giúp tăng năng suất và chất lượng nông sản…

Tại Bắc Giang, năm 2024, tỉnh thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu về các sản phẩm, khu vực trồng trọt nông nghiệp trọng điểm, cập nhật cơ sở dữ liệu vào hệ thống GIS dùng chung của tỉnh. Chỉnh lý, xây dựng cơ sở dữ liệu các công trình đê điều, thủy lợi năm 2024; hoàn thành viêc xây dựng trung tâm giám sát điều hành quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đặc biệt, trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính việc áp dụng chuyển đổi số cho hiệu quả rất tích cực, 100% hồ sơ nộp trực tuyến; được giải quyết đúng và trước hạn, nhiều thủ tục hành chính thời gian giải quyết giảm từ 14 - 15 ngày xuống còn 01 ngày, qua đó đáp ứng kịp thời tính mùa vụ cho người dân, doanh nghiệp.

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, phân tích những khó khăn, thách thức trong quá trình “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp”. Theo các đại biểu, hiện nay, nguồn nhân lực làm công tác chuyển đổi số còn hạn chế, thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm về chuyển đổi số. Mức độ áp dụng khoa học công nghệ nhất là công nghệ cao, công nghệ mới trong nông nghiệp còn thấp và thiếu đồng bộ. Kinh tế số nông nghiệp chưa phát triển đúng tiềm năng. Việc ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến dựa trên số hóa và kết nối tạo ra các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh còn rất hạn chế. Mô hình tăng trưởng nông nghiệp như hiện nay mới chỉ tạo ra được khối lượng nhiều nhưng giá trị thấp, hiệu quả sử dụng đất đai, tài nguyên chưa cao.

Để tổ chức triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian tới đạt hiệu quả, đại diện lãnh đạo một số địa phương đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án tổng thể chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp để các địa phương có căn cứ bố trí nguồn lực, ban hành cơ chế, chính sách triển khai thực hiện. Đồng thời phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu xây dựng bộ tài liệu về tuyên truyền, đào tạo tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ, người dân về thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp…

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận kết quả bước đầu trong công tác chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, sản xuất nông nghiệp sáng tạo dựa trên thành tựu của Cách mạng công nghệ 4.0 sẽ góp phần định hình chuỗi giá trị và sản xuất cung ứng các sản phẩm nông nghiệp với hàng loạt các ưu thế về tối ưu tài nguyên, tối ưu chi phí và mở rộng sản xuất.

Để thay đổi tư duy, nhận thức về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, thời gian tới các bộ, ngành liên quan và các địa phương cần tiếp tục cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành Nông nghiệp cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ số hóa tại các vùng nông thôn dễ hiểu, dễ áp dụng cho người dân và doanh nghiệp. Cần có thứ tự ưu tiên phát triển hạ tầng cho các vùng trồng, chăn nuôi tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nâng cao nhận thức, hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp tiếp cận và thích ứng với các công nghệ số. Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu phục vụ chuyển đổi số nông nghiệp tại địa phương. Khuyến khích, thu hút nhân lực chất lượng cao về làm việc trên địa bàn.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, hoàn thiện, ban hành sớm các văn bản quy định, hướng dẫn quản lý đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số cụ thể để tạo hành lang pháp lý thông thoáng thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số.../.

Nguyễn Miền

Trung bình (0 Bình chọn)