Năng động làm giàu

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp, những năm gần đây, cuộc sống của gia đình chị Lào Thị Dung, khu 5, thị trấn An Châu, huyện Sơn Động (Bắc Giang) từng bước nâng lên.
Chị Lào Thị Dung chăm sóc vườn cam Đường Canh.

Trước năm 2012, nguồn thu của gia đình chị Dung chủ yếu trông vào 4 sào lúa, đất cằn nên cuộc sống rất khó khăn. Một lần xem ti vi, chị Dung biết  mô hình trồng cây có múi ở huyện Lục Ngạn cho thu nhập cao. Từ đó, ý tưởng xây dựng mô hình trang trại tổng hợp nhen lên. Chị tìm hiểu qua sách báo, ti vi cách trồng, chăm sóc cam Đường Canh, đồng thời tham quan một số mô hình tại huyện Lục Ngạn. Năm 2012, chị mạnh dạn vay vốn, cải tạo đất trồng thử nghiệm 300 cây cam Đường Canh trên 4 sào ruộng. 

Chị Dung cho biết: “Cam Đường Canh là giống cây khá khó tính, phải có kỹ thuật mới trồng được. Chăm sóc đã khó, đến khi sắp cho thu hoạch phải biết cách bảo vệ tránh chim, sâu gây hại”. Nhờ áp dụng kỹ thuật nên cam phát triển tốt, năm 2015 bắt đầu cho thu hoạch. 

Bên cạnh trồng cam, gia đình còn chăn nuôi lợn để tăng thu nhập, mỗi lứa từ 12-30 con. Ngoài ra, chị còn mở cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm gia đình chị Dung thu lãi hơn 200 triệu đồng, từng bước thoát nghèo, vươn lên có của ăn của để.

Không chỉ chú trọng sản xuất kinh doanh, vợ chồng chị Dung còn nuôi dạy hai con chăm ngoan, học giỏi. Con lớn đang học năm thứ hai Học viện Kỹ thuật quân sự, con thứ hai đang học THPT, luôn đạt học sinh giỏi. Năm 2015, chị Lào Thị Dung được Hội Nông dân tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015. Gia đình chị được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam công nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi. 

Theo Trần Khuya/BGĐT

Trung bình (0 Bình chọn)