Phụ nữ Phượng Sơn giàu nhờ làm vườn

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Được tiếp cận hình thức hỗ trợ phù hợp, nhiều hội viên phụ nữ ở xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Vườn cây ăn quả của gia đình chị Nguyễn Thị Nga, thôn Đầm.

Chị Đỗ Thị Kim Tính, Chủ tịch Hội LHPN Phượng Sơn cho hay, hỗ trợ hội viên thoát nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc là nhiệm vụ hàng đầu của hội. Theo đó, Ban chấp hành Hội LHPN xã chọn một số hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn về vốn có nguyện vọng phát triển kinh tế để làm điểm. 

Qua lời giới thiệu, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Nga (SN 1969), chủ trang trại cây ăn quả ở thôn Đầm. Đưa chúng tôi đi thăm khu vườn với hàng nghìn cây cam Đường Canh, bưởi Diễn, chị nói: "Trước đây, tôi trồng vải thiều. Sau vài năm thu hoạch, cây cằn cỗi, nhiều sâu bệnh nên gia đình tính chuyện chuyển đổi. Năm 2004 tôi được tham gia lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng cây ăn quả có múi do Hội LHPN xã tổ chức nên mạnh dạn đăng ký tham gia làm mô hình điểm". 

Được chăm sóc đúng kỹ thuật, hợp chất đất, số cây giống ban đầu sinh trưởng tốt, cho hiệu quả kinh tế cao. Những năm sau, chị tiếp tục mở rộng diện tích. Đến nay, vườn cây ăn quả có hệ thống tường bao kiên cố, lát đường đi giữa các hàng cây, hệ thống vòi dẫn nước tưới tỏa đi khắp vườn thuận tiện cho chăm sóc, thu hoạch. Với 1,5 nghìn cây ăn quả, ước tính năm nay khu vườn cho lãi khoảng 500-600 triệu đồng. 

Không riêng chị Nga, tại các thôn trong xã đều có ít nhất từ 2-3 mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi. Nhiều chị em trước đây đời sống khó khăn như chị Lưu Thị Xoan, Chi hội thôn Chể; Phạm Thị Hảo, Chi hội thôn Mào Gà... sau khi được Hội LHPN hỗ trợ về vốn, kỹ thuật sản xuất đã thoát nghèo.  

Xã Phượng Sơn có 2,6 nghìn hội viên phụ nữ, sinh hoạt tại 16 chi hội. Thực hiện nhiệm vụ giúp hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, 5 năm qua, Hội LHPN xã đã triển khai nhiều "kênh" hỗ trợ. Điển hình là phát huy hiệu quả các tổ tiết kiệm và vay vốn, giúp hơn 500 lượt chị em có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Vận động 100% cán bộ, hội viên hỗ trợ chị em nghèo, hoàn cảnh khó khăn. 

Ngoài ra, Hội còn tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn mở lớp đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật miễn phí cho hội viên. Mỗi thôn duy trì ít nhất một "Tổ dịch vụ gia đình" kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trả chậm không lãi. Nhờ vậy, Hội LHPN xã đã góp phần đưa tỷ lệ hộ giàu và khá toàn xã tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,6% (năm 2011) xuống còn 2,3% hiện nay.

Trung bình (0 Bình chọn)