Thành công nhờ "dám nghĩ, dám làm"

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Bằng nhiệt huyết, hoài bão của tuổi trẻ, nhiều thanh niên "dám nghĩ, dám làm" xây dựng thành công mô hình kinh tế, mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình, góp sức làm giàu quê hương. Tinh thần ấy đã và đang tiếp lửa khởi nghiệp cho nhiều đoàn viên thanh niên nỗ lực thực hiện ước mơ của mình.
Anh Trần Mạnh Quảng thu hoạch dưa chuột.

Đi lên từ nông sản sạch

Gắn bó với đồng đất quê hương, đam mê trồng trọt nên anh Trần Mạnh Quảng (SN 1989), thôn Trại Đồng, xã Nghĩa Trung (Việt Yên) chọn con đường khởi nghiệp từ xây dựng mô hình sản xuất nông sản sạch.

Hẹn gặp anh Quảng vào đầu giờ sáng song khi đến nơi, tôi đã thấy ông chủ trẻ cùng nhóm lao động vừa hoàn thành phân loại, đóng túi lứa dưa đầu vụ đông. Vừa tiếp chuyện chúng tôi, Quảng vừa nhanh tay xếp dưa vào túi. “Dù trời rét nhưng tôi vẫn gọi mọi người dậy sớm để thu hoạch, kịp giờ cho xe của Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu GOC Lạng Giang đến nhận hàng. Hơn 1 ha dưa chuột vụ này cho thu hoạch khoảng 8 tấn, trừ chi phí lãi gần 50 triệu đồng”, Quảng phấn khởi chia sẻ.

Năm 2013, khi đang học năm cuối Khoa Chăn nuôi - Thú y (Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang), anh cùng một số sinh viên của trường được cử sang Israel 10 tháng theo chương trình thực tập nghề nghiệp. Từ những kiến thức hữu ích về quản lý, nghiên cứu thị trường và áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc các loại rau, củ, quả… tiếp thu được, Quảng dần ấp ủ ước mơ làm giàu bằng nghề trồng trọt. Ra trường, trong khi nhiều bạn bè lựa chọn xuất khẩu lao động hay xin vào các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh làm việc thì Quảng về quê thuê đất, bắt đầu xây dựng nông trại của riêng mình. Để việc sản xuất quy mô, bài bản, anh mời thêm hai người bạn thực hiện ý tưởng. Đầu năm 2017, Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp GOF ra đời.

Thiếu kinh phí đầu tư, anh mượn "sổ đỏ" của bố mẹ để vay vốn ngân hàng; thuê lại ruộng của các hộ dân; tự thiết kế tháp nước, xây dựng hệ thống tưới, khoan thêm giếng… Tất cả những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp đều được anh và bạn từng bước khắc phục. Hơn 2 ha đất canh tác thường xuyên mất mùa do thiếu nước ở khu đồng Cổ Đèo, thôn Trại Đồng trước kia, nay đã được phủ màu xanh của dưa chuột, khoai tây, các loại rau ăn lá…

Để bảo đảm quy trình sản xuất an toàn, anh thực hiện nghiêm ngặt từ khâu chuẩn bị đất, nước tưới, lựa chọn phân bón, phòng trừ sâu bệnh. Ớt, gừng, tỏi là nguyên liệu anh dùng để pha chế hỗn hợp trừ sâu bệnh trên nhiều loại cây trồng và mang lại hiệu quả bất ngờ. Chẳng phụ công người, hiện nay, ngoài hơn 1 ha dưa chuột đang cho quả, gần 3 sào khoai tây dự kiến thu hoạch vào dịp Tết, còn hơn 3 nghìn m2 nhà lưới trồng các loại rau ăn lá như cải ngọt, mùng tơi, ngót… phát triển tốt. Một khởi đầu tích cực khi nông sản của Công ty được một số doanh nghiệp chế biến rau quả, trường học trên địa bàn ký hợp đồng thu mua lâu dài. Công ty tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho 10 lao động địa phương. Sắp tới, anh Quảng dự định mở rộng khu nhà lưới, trồng các loại rau củ theo mùa để đáp ứng nhu cầu thị trường; tổ chức đăng ký nhãn mác, tạo thương hiệu cho sản phẩm rau an toàn.

Anh Nguyễn Văn Cảnh (trái) hướng dẫn công nhân xử lý sản phẩm.

Giám đốc "10 triệu đồng"

Gia cảnh khó khăn, dù thi đỗ đại học nhưng anh Nguyễn Văn Cảnh (SN 1987), thôn Châu Sơn, xã Ngọc Châu (Tân Yên) quyết định chọn học nghề tại Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp 1 (Hà Nội). Để đỡ đần cha mẹ, anh vừa học vừa làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống. Ra trường, đi làm nhiều nơi, thử sức với các nghề, anh nhận ra mình "có duyên" với ngành cơ khí. Năm 2013, chỉ với 10 triệu đồng trong tay, anh Cảnh kêu gọi bạn bè hùn vốn mở cơ sở kinh doanh sản phẩm cơ khí nhập khẩu tại Hà Nội. Không lâu sau đó, anh chuyển về quê.

Ban đầu thiếu vốn, máy móc, cơ sở chỉ có hai nhân công lại chưa thạo nghề nhưng anh không nản chí, tích cực tìm tòi, học hỏi tại các xưởng bạn, mạnh dạn chào hàng ở một số doanh nghiệp tại Hà Nội, Bắc Ninh. Vận dụng những kiến thức học được ở trường lớp, anh tiếp tục nghiên cứu, học hỏi cải tiến kỹ thuật cũng như khảo sát thị trường... Sau khi nắm chắc kỹ thuật, anh chuyển hẳn sang thiết kế, sản xuất băng tải dây chuyền. Đơn hàng đầu tay là 17 chiếc băng tải thiết kế, gia công, lắp đặt cho Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Hải Dương đã nhận được phản hồi tích cực của doanh nghiệp.

Năm 2016, Công ty cổ phần Tự động hóa Thuận Phát ra đời trên diện tích hơn 1,3 nghìn m2, rộng gấp 7 lần xưởng cũ. Giám đốc Nguyễn Văn Cảnh cho biết: “Tích lũy được vốn, tôi đầu tư mua sắm thêm máy móc thiết bị, đào tạo công nhân. Băng tải vận chuyển hàng hóa là sản phẩm thế mạnh của Công ty. Mặt hàng này được làm theo đúng thiết kế nên không thể lơ là, hỏng một chi tiết thì coi như bỏ đi”. Hiện sản phẩm của Công ty có mặt ở thị trường Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Bình Dương, Đắk Nông, Bình Dương và một số nước như: Lào, Campuchia, tạo việc làm cho gần 30 lao động. Bình quân thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng, người có tay nghề cao được trả gấp đôi. Công ty còn nấu bữa trưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người lao động.

Chị Giáp Thị Duệ, Bí thư Đoàn xã Ngọc Châu cho biết: “Vừa qua, doanh nghiệp do anh Cảnh làm chủ đã ủng hộ hơn 40 triệu đồng rải cấp phối cho tuyến đường chạy dọc thôn Châu Sơn". Với những thành quả đạt được trong kinh doanh và đóng góp cho quê hương, anh Nguyễn Văn Cảnh được Tỉnh đoàn trao tặng danh hiệu "Thanh niên làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới năm 2017".

Trung bình (0 Bình chọn)