Tìm cách giảm nghèo ở Cấm Sơn, Sa Lý

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Gần đây, có mặt trong đoàn công tác của đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tìm hiểu tình hình đời sống bà con ở 2 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Lục Ngạn là Sa Lý và Cấm Sơn, tôi mới cảm nhận được con đường thoát nghèo của người dân nơi đây còn lắm gian nan.
Đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác tìm hiểu việc giảm nghèo tại xã Sa Lý.

Khó nhiều bề

5 giờ sáng, chuyến xe đưa đoàn công tác của tỉnh từ trung tâm TP Bắc Giang thẳng tiến lên xã Sa Lý với quãng đường gần 100 km trong cái oi nóng ngày hè. Dù đường đi vẫn khúc khuỷu, quanh co theo triền núi như 5 năm trước tôi có dịp đặt chân lên mảnh đất này nhưng trở lại hôm nay thấy vui hơn hẳn. Con đường nhựa dù hẹp nhưng đã làm Sa Lý dường như không còn “xa” như trước. 

Cùng đi nắm tình hình đời sống bà con hai xã nghèo với đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh có lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh và huyện Lục Ngạn. Điểm dừng chân đầu tiên là gia đình anh Đàm Văn Điện, chị Hoàng Thị Lợi, dân tộc Tày ở thôn Đồn. Dù đã được báo trước nhưng khi thấy khách vào, chị Lợi vẫn bối rối. Phần vì căn nhà trống hơ trống hoác, đến ghế ngồi cũng chẳng đủ, phần do hoàn cảnh éo le nên chị càng ngần ngại. 

Nghe đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh hỏi thăm, chị Lợi run run: “Nhà em lên núi đã mấy hôm để tìm con trâu lạc. Trâu chưa thấy mà người chẳng về nên mẹ con em lo quá!”. Được biết, nhà anh Điện, chị Lợi có 5 khẩu, một cháu nhỏ bị khuyết tật nên cuộc sống rất chật vật, chắt chiu mãi mới xây được căn nhà cấp bốn. Vậy mà, trận lở đất hồi tháng 3 làm căn nhà sập hẳn một gian, gian còn lại chỉ còn nửa phần mái. Ân cần động viên gia đình vượt qua thời điểm khó khăn, đồng chí Lê Ánh Dương trao số tiền 5 triệu đồng từ Quỹ Nhân đạo tỉnh giúp anh chị sớm ổn định cuộc sống.

Tiếp tục hành trình, đoàn lần lượt thăm, tặng quà 10 hộ nghèo thuộc 3 thôn: Đồn, Rãng Trong, Rãng Ngoài. Mỗi hộ một hoàn cảnh nhưng đọng lại trong tâm trí tôi là hình ảnh những căn nhà lọt thỏm trên quả đồi, đường đi lối lại lắt léo. Trong nhà ẩm thấp, đồ đạc lỉnh kỉnh nhưng chẳng có thứ gì giá trị. Nghe mọi người trong đoàn công tác hỏi thăm về đời sống bà con, Chủ tịch UBND xã Lý Văn Lào giãi bày: So với 5 năm trước thì đời sống người dân Sa Lý đã cải thiện đáng kể bởi từ nguồn hỗ trợ, xã đã có điện, đường, trường, trạm. Nhưng vì đủ lý do như: Xa trung tâm huyện tới 50 km, địa hình hiểm trở lại nằm ở vùng giáp ranh; diện tích tự nhiên rộng song đất sản xuất nông nghiệp ít, manh mún; gần 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tập quán canh tác lạc hậu… khiến nơi đây luôn đứng ở tốp đầu các xã đặc biệt khó khăn của huyện. Hiện xã còn 382 hộ nghèo, chiếm  54,6% tổng số hộ.

Rời Sa Lý, đoàn đến vùng lòng hồ Cấm Sơn. Xã Cấm Sơn hiện chỉ có hơn 2 km đường nhựa quốc lộ 279 chạy qua thôn Bến, còn lại là đường đất. Mùa nắng, đường bụi mù mịt, mùa mưa thì trơn trượt. Khoảng cách từ trung tâm xã ra bến thuyền để đến các thôn không xa nhưng cả đoàn phải cuốc bộ vì ô tô không vào được. Ngồi trên thuyền vượt hồ Cấm Sơn, lần lượt hiện ra trước mắt tôi là màu xanh thẫm của những cánh rừng soi bóng xuống dòng nước lấp lánh ánh bạc. Thi thoảng bắt gặp những chiếc thuyền nhỏ của người đánh cá lướt nhẹ qua. Không để lãng phí thời gian, các đồng chí trong đoàn đặt nhiều câu hỏi với lãnh đạo xã nắm tình hình đời sống nhân dân. Xã Cấm Sơn có 4/7 thôn ở vùng lòng hồ với 2,2 nghìn nhân khẩu, sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá.

Nhiều hộ dân dựa vào nguồn thủy sản hồ Cấm Sơn để mưu sinh.

Do phương thức đánh bắt thô sơ nên bao năm nay, cuộc sống của bà con vẫn chưa thoát khỏi cái nghèo. Năm nào hồ ít nước thì dân mới đủ ăn bởi những thửa ruộng cấy lấn hồ cho thu hoạch. Khó khăn trăm bề như: Tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 hơn 95%; địa bàn rộng, dân cư phân tán, giao thông chưa được quan tâm, rủi ro lớn trong canh tác cùng tư tưởng trông chờ, ỷ nại vào hỗ trợ của Nhà nước khiến bài toán thoát nghèo bền vững ở nơi đây chưa có lời giải. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở Cấm Sơn vẫn cao nhất huyện (61,5%).

Kết thúc hành trình, đoàn đến thăm gia đình chị Vi Thị Huấn, thôn Mới lúc mặt trời dần khuất bóng. Vừa lật từng con tép đang phơi trên phên tre, chị Huấn vừa bảo: "Bồ thóc chỉ còn non nửa, với chừng ấy, gia đình tôi chỉ đủ ăn hai tháng, còn lại phải trông vào những lần thả lưới, mắc câu".

Chung sức hướng đến ấm no 

Không thể phủ nhận, từ nguồn hỗ trợ của các chương trình, dự án giảm nghèo từ T.Ư đến địa phương và nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, nhân dân, bộ mặt “vùng lõm” Sa Lý, Cấm Sơn đã đổi thay rõ rệt. Có các công trình dân sinh khang trang; hệ thống thủy lợi được đầu tư xây dựng phục vụ sản xuất; hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… đã nâng cao đáng kể đời sống bà con. Chuyến thực địa lần này, ngoài mục đích tặng quà cho đồng bào nghèo, đặc biệt khó khăn, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh muốn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người nghèo nơi đây. Từ đó trao cho đồng bào khó khăn “chiếc cần câu”, giúp họ có cơ hội thoát nghèo, tiến tới cuộc sống no ấm. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương tặng quà gia đình chị Hoàng Thị Lợi, thôn Đồn, xã Sa Lý.

Theo ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn: Đời sống, tập quán canh tác lạc hậu là một thách thức lớn trong công tác giảm nghèo. Xác định mục tiêu đó, từ phối hợp triển khai lồng ghép các chương trình giảm nghèo của nhà nước, tỉnh, huyện, địa phương sẽ xây dựng kế hoạch phân bổ kinh phí phù hợp tình hình thực tế. Phương châm là đầu tư trọng điểm, ưu tiên hỗ trợ vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là xây dựng công trình thuỷ lợi; cung ứng giống, phân bón cho nông dân sản xuất. 13 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, trong đó có Cấm Sơn và Sa Lý còn được bổ sung cán bộ kỹ thuật hướng dẫn thay đổi tập quán canh tác, phát triển mô hình nông nghiệp hiệu quả. 

Không chỉ thụ động hưởng ưu đãi, nhiều người dân nỗ lực vươn lên, xây dựng đời sống mới. Gia đình ông Vi Văn Sáu, dân tộc Nùng ở thôn Mới, xã Cấm Sơn trước đây thuộc diện nghèo nhất xã. Không cam chịu đói nghèo, ông mạnh dạn vay vốn cải tạo đất vườn đồi, áp dụng kỹ thuật trồng vải, xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Nhờ năng động, ông Sáu giờ là chủ trang trại với 2 ha vải thiều, đàn gia súc gồm trâu, bò, dê từng ngày sinh sôi cho ông nguồn thu lớn. Ông Nông Văn Phụng, Chủ tịch UBND xã Cấm Sơn cho biết: Từ một số mô hình trang trại chăn nuôi, kết hợp trồng cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu lòng hồ, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo nhân rộng trong thời gian tới. 

Cùng với việc tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của một số hộ dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương còn dành thời gian làm việc với lãnh đạo hai xã. Đồng chí nhấn mạnh: Khó khăn trong giảm nghèo, tái nghèo xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng một lý do mà các cấp, ngành, địa phương đang cố gắng khắc phục là tư tưởng ỷ nại, trông chờ vào nguồn hỗ trợ của một số hộ nghèo. Điều này đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con. 

Một cách làm hiệu quả cần được nhân rộng mà huyện Lục Ngạn đang triển khai là phối hợp với MTTQ tỉnh khen thưởng hộ tự nguyện xin thoát nghèo. 44 gia đình trên địa bàn làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo đã được tuyên dương, trở thành động lực thúc đẩy nhiều hộ dân khác mạnh dạn tìm hướng sản xuất, nỗ lực vươn lên. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, tập trung các nguồn lực nâng cao dân trí; chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, lựa chọn mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp để nhân rộng. Riêng với Cấm Sơn, xã cần nghiên cứu nhằm khai thác  tiềm năng du lịch sinh thái, kinh tế vùng lòng hồ, để tương lai không xa, đời sống bà con dần no ấm.

Trung bình (0 Bình chọn)