Triển khai các biện pháp chăm sóc cây trồng vụ Chiêm Xuân

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Thực hiện kế hoạch gieo trồng vụ Chiêm Xuân 2024, đến nay, tỉnh Bắc Giang đã cơ bản hoàn thành việc gieo trồng, đảm bảo khung thời vụ. Nông dân trên địa bàn tỉnh đang tập trung áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng, đặc biệt là cây lúa và cây vải thiều nhằm đem lại hiệu quả cao.
Trà lúa Xuân sớm đã bước vào giai đoạn đẻ nhánh.

Tập trung chăm sóc, bảo vệ các trà lúa

Theo kế hoạch, vụ Chiêm Xuân năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 65,8 nghìn ha. Trong đó, diện tích cây lúa đạt 46,2 nghìn ha; diện tích cây ngô đạt 3,1 nghìn ha; còn lại là diện tích lạc, khoai lang và rau các loại. Bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để gieo cấy đảm bảo kịp khung thời vụ. Đến nay, tổng diện tích đã gieo trồng vụ Chiêm Xuân khoảng 61,1 nghìn ha, đạt 92,9% kế hoạch, trong đó lúa cấy được 44,5 nghìn ha, đạt 96,4%; các cây rau màu khác đảm bảo khung thời vụ theo chỉ đạo của ngành Nông nghiệp tỉnh.

Xác định vụ Chiêm Xuân đóng vai trò quan trọng nhất trong năm nên ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, phối hợp với các địa phương, tập trung hướng dẫn bà con nông dân, ngay sau khi hoàn thành gieo cấy chuyển trọng tâm sang chăm sóc, bảo vệ các trà lúa, tiến hành bón phân chuồng, lân NPK kết hợp làm cỏ, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón cân đối, phù hợp.

Theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, thời điểm lúa và các loại cây trồng vụ Chiêm Xuân phát triển mạnh cũng là lúc giao mùa, thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh hại cây trồng phát triển. Từ nay đến tháng 3 (âm lịch) vẫn có thể xảy ra các đợt rét hại làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng cũng như năng suất cây trồng. Do đó, việc chủ động, thường xuyên thăm, kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để sớm phát hiện sâu bệnh, thời tiết bất lợi, kịp thời có phương án xử lý có vai trò quan trọng, quyết định tới năng suất và chất lượng cây trồng.

Trên các trà lúa mới cấy cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm về tình hình phân bố và gây hại của ốc bươu vàng.

Đặc biệt, giai đoạn lúa chuẩn bị đẻ nhánh là thời điểm ốc bươu vàng bắt đầu gây hại. Thống kê của ngành Nông nghiệp cho thấy, diện tích nhiễm ốc bươu vàng tại các trà lúa mới cấy khoảng 1,5 nghìn ha, mật độ trung bình từ 0.5-2 con/m², tập trung chủ yếu tại các huyện Tân Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang…

Để hạn chế tối đa việc ốc bươu vàng phát sinh gây hại đối với lúa Chiêm Xuân, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố chủ động tham mưu cho UBND cấp huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND cấp xã tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm về tình hình phân bố và gây hại của ốc bươu vàng. Thường xuyên theo dõi sự phát sinh, lây lan và gây hại của ốc bươu vàng ở ruộng lúa mới cấy, gieo sạ, đặc biệt ruộng lúa cấy bằng mạ khay. Đối với những diện tích lúa đã bị ốc bươu vàng gây hại, cần cấy dặm bổ sung ngay, kết hợp với chăm sóc, bón phân để lúa đẻ nhánh thuận lợi.

Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cũng lưu ý bà con nông dân cần theo dõi, bám sát đồng ruộng nắm chắc diễn biến của bệnh đạo ôn lá, rầy lưng trắng… để chủ động phòng trừ, nhất là các giống dễ nhiễm như: BC15, TBR225 và một số giống lúa lai, lúa chất lượng khác. Khi phát hiện thấy ruộng bị bệnh tới ngưỡng cần phòng trừ theo chỉ dẫn của cơ quan chuyên môn bà con có thể sử dụng một số loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ đạt hiệu quả cao, hạn chế sự lây lan của bệnh.

Nhiều cây vải thiều ở Lục Ngạn đã ra lộc.

Chăm sóc tốt diện tích vải thiều có hoa

Cùng với việc chỉ đạo, chăm sóc cây lúa, ngô và các cây rau, hoa màu khác, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đang tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các cây trồng chủ lực của địa phương. Trong đó, tập trung cao cho công tác hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc vải thiều thời kỳ ra hoa, đậu quả đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu.

Năm nay, toàn tỉnh có hơn 29,6 nghìn ha vải thiều, trong đó hơn 22 nghìn ha vải chính vụ, khoảng 7,5 nghìn ha vải sớm. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh tổ chức sản xuất khoảng 15,8 nghìn ha vải theo tiêu chuẩn VietGAP, 45 ha vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP;10 ha vải đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Hiện trà vải sớm đang giai đoạn nở hoa, hình thành quả non, tỷ lệ ra hoa khoảng 70-80%; trà vải chính vụ giai đoạn phát triển chùm hoa, tỷ lệ ra hoa khoảng 35-40%.

Do từ cuối năm 2023 đến nay, thời tiết diễn biến bất thường, mùa Đông có mức nhiệt trung bình ấm hơn những năm trước; thời gian rét sâu không kéo dài, kèm theo có mưa ẩm sớm, không thuận lợi cho cây vải đến kỳ ra hoa. Tại nhiều vườn vải trên địa bàn huyện Lục Ngạn, một số vườn vải có nhiều cây đã xuất hiện rõ mầm lộc, không phải mầm hoa, khả năng tỷ lệ vải thiều ra hoa thấp, vải thiều năm nay sẽ không được mùa như các năm trước.

Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn La Văn Nam cho biết, toàn huyện hiện có hơn 17,3 nghìn ha vải thiều, trong đó vải sớm gần 4 nghìn ha, vải chính vụ hơn 13,3 nghìn ha. Đến thời điểm hiện tại, vải sớm (U hồng, U các loại) tỷ lệ ra hoa đạt khoảng 50-60%, lộc kèm hoa 20%; vải lai Thanh Hà tỷ lệ ra hoa khoảng đạt 30%; vải chính vụ tỷ lệ ra hoa đạt khoảng 20%, có những vườn cục bộ đạt 50-60%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Lúc này có thể xác định năng suất vải thiều Lục Ngạn năm nay sẽ giảm đáng kể.

Trong trường hợp vải thiều mất mùa, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là tập trung chăm sóc diện tích vải ra quả để nâng cao chất lượng, giá trị quả vải từ đó tăng hiệu quả kinh tế cho người trồng vải. Do đó, huyện đang tích cực chỉ đạo cán bộ chuyên môn hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây vải thiều thời kỳ ra hoa, đậu quả và phát triển quả non đạt hiệu quả cao.

Các hộ dân trồng vải cắt bỏ cành lộc, hạn chế sâu bệnh để cây tập trung dinh dưỡng.

Là một chủ vườn có nhiều năm kinh nghiệm trồng vải, ông Vũ Văn Mến - thôn Đồng Giao 2, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) cho biết: Ngay khi kỳ vải ra hoa, phát hiện vải thiều có dấu hiệu phát lộc, gia đình đã chú trọng cắt tỉa cành để diệt lộc, tập trung dưỡng hoa để tăng tỷ lệ thụ phấn, đậu quả. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm cho thấy, việc cây không ra hoa không hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết mà còn phụ thuộc vào “sức khoẻ” của cây vải thiều, sau nhiều năm liên tiếp được mùa nên sức cây bị ảnh hưởng, dẫn đến tỷ lệ ra hoa đạt thấp.

Trước thực trạng này, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đề nghị các huyện trọng điểm sản xuất vải tập trung như Lục Ngạn, Tân Yên chỉ đạo cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn nông dân bám sát diễn biến thời tiết, kết hợp các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cho diện tích còn lại ra hoa, đậu quả. Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp các huyện cử cán bộ chuyên môn bám sát từng địa bàn, hộ gia đình trồng vải để tư vấn, hỗ trợ bà con kỹ thuật canh tác; tưới nước đủ ẩm, bổ sung các loại phân bón lá như: Multi- K, Botrac, Thiên nông, Master Gro... để kéo dài chùm hoa, tăng chất lượng hoa, giúp quá trình thụ phấn thuận lợi và khả năng đậu quả cao./.

Nguyễn Miền

Trung bình (0 Bình chọn)