Trồng rừng gỗ lớn, mở hướng kinh doanh

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Tại một số xã khó khăn ở các huyện: Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế có những cánh rừng keo Tai tượng xanh bạt ngàn. Đây là kết quả từ mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn thuộc Dự án Khuyến nông T.Ư “Trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn” do Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh thực hiện từ năm 2014.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Lục Ngạn kiểm tra mô hình trồng rừng gỗ lớn tại xã Phong Minh.

Theo thông tin từ Tổng cục Lâm nghiệp, trong hai năm (2014, 2015) tổng diện tích mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn được thực hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là 120 ha, trong đó xã Sơn Hải (Lục Ngạn) và Long Sơn (Sơn Động) có 20 ha; Sa Lý (Lục Ngạn), An Châu (Sơn Động), Đông Hưng (Lục Nam), Xuân Lương (Yên Thế) quy mô 50 ha.

Năm 2016, dự án mở rộng tại xã Phong Minh, Sa Lý (Lục Ngạn) và An Lạc (Sơn Động) với diện tích 50 ha. Mô hình được sử dụng giống keo Tai tượng của Úc, có giấy chứng nhận nguồn gốc lô cây giống. Các địa bàn được lựa chọn thực hiện tương đối tập trung, gần đường giao thông, khu dân cư thuận lợi cho người dân tham quan học tập. Qua thực tiễn trồng rừng, chỉ số sinh trưởng về đường kính, chiều cao, trữ lượng, năng suất bình quân/năm của mô hình đều vượt trội so với đối chứng trong khu vực.

Ông Hoàng Văn Nam, thôn Cổ Vài, xã Sơn Hải là chủ hộ tham gia mô hình. Ông phấn khởi cho biết, ban đầu gia đình hoài nghi về hiệu quả kinh tế của cây trồng này bởi chu kỳ dài (từ 12-14 năm) trong khi người dân ở đây có thói quen khai thác sớm (từ 5-7 năm). Qua tư vấn của cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Cấm Sơn, gia đình mạnh dạn tham gia với diện tích 2 ha, được hỗ trợ 1.563 cây giống/ha và phân bón NPK. Đến nay, keo Tai tượng được 28 tháng tuổi, có chiều cao trung bình khoảng 6 m, đường kính 8,5 cm, cây sinh trưởng tốt, tán cân đối, tròn đều, thân thẳng, rừng đã khép tán.

Trong khi đó, lô rừng được trồng cùng thời điểm bên ngoài dự án, sử dụng cây giống không rõ nguồn gốc chỉ cho đường kính khoảng 5 cm, cao 4,5 m, không đều, lá vàng, có biểu hiện thiếu dinh dưỡng. Tương tự, hộ ông Nguyễn Văn Điều, xã Xuân Lương được cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh tư vấn về nội dung dự án cũng như chính sách hưởng lợi từ mô hình thâm canh gỗ lớn đã tích cực tham gia. Theo ông Điều, dù chu kỳ kinh doanh dài gấp đôi so với gỗ nhỏ nhưng sản lượng tăng, hiệu quả cao hơn hai lần.

Thạc sĩ Nhữ Văn Kỳ, Chủ nhiệm Dự án cho biết, keo Tai tượng là cây lâm nghiệp được trồng phổ biến ở hầu hết các vùng sinh thái trong cả nước. Rừng keo góp phần quan trọng cung cấp nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Đến nay, keo không chỉ được trồng để cung cấp gỗ nguyên liệu mà còn lấy gỗ lớn làm ván sàn, đồ mộc gia dụng. Giống keo Tai tượng thuộc dự án có thể đạt năng suất 20-25 m3/ha/năm tùy lập địa trồng rừng. Sau chu kỳ từ  12 - 14 năm, keo cho khai thác, sản lượng đạt từ 200-240 m3/ha và hầu hết gỗ có đường kính hơn 18 cm.

Thời điểm hiện nay, keo Tai tượng bán theo giá gỗ xẻ, gỗ chế biến với giá 1,8-2 triệu đồng/m3, tương đương 250-300 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân 22-25 triệu đồng/ha/năm, cao hơn từ 1,5 - 2 lần so với gỗ nhỏ và các loại cây lâm nghiệp khác như: Thông, muồng đen, lát hoa, vối thuốc... Tuy nhiên đến nay, việc sử dụng giống keo này ở các địa phương còn ít. Bên cạnh đó, bà con chưa được tiếp cận các giống mới công nhận đạt chất lượng cao và không có mô hình trình diễn để học tập, nhân rộng.

Được biết năm 2016, Việt Nam đã kết thúc đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT với EU. Theo đó, gỗ, đồ mộc và đồ gia dụng xuất khẩu của nước ta đã vào được thị trường khó tính này. Đây là điều kiện để mở rộng diện tích rừng kinh tế, nâng thu nhập. Đón bắt cơ hội này, người dân quan tâm trồng rừng gỗ lớn, sẽ được cấp chứng chỉ FSC nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu. Mô hình dự án trồng rừng gỗ lớn cho hiệu quả ở Bắc Giang là tiền đề để tuyên truyền, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế nhân rộng.

Trung bình (0 Bình chọn)