Vượt lên tật nguyền

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Với đôi chân tật nguyền, anh Giáp Văn Điều (SN 1970), thôn Ngọc Trai, xã Việt Lập, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đi lại rất khó khăn. Thế nhưng với quyết tâm cao, anh đã vượt lên số phận, vươn lên trong cuộc sống.
Anh Điều (người đứng bên trái) dạy nghề đan đồ nội thất bằng nhựa giả mây.

Trước đây, gia đình anh Điều thuộc diện khó khăn. Bố mất sớm, mẹ anh quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" làm lụng nuôi 2 con và chạy chữa thuốc thang cho anh.  

Lớn lên, cậu bé Điều đến trường học nhưng không thể tự đi lại như bạn bè nên phải có người đưa đón mỗi ngày. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, theo học hết lớp 10, Điều phải nghỉ ở nhà phụ mẹ làm việc nuôi em. Khi ấy, đôi chân rất yếu, không thể làm ruộng, anh đan lưới đánh cá, học nghề làm chổi tre kiếm thêm thu nhập. Năm 1994, sau khi xây dựng gia đình, vợ chồng anh làm chổi bán ở chợ quê, sớm khuya lại lăn lưng ra đóng gạch. 

Năm tháng khó khăn ấy, nhà anh phải chạy ăn từng bữa, cứ ba phiên chợ bán hàng mới kiếm đủ tiền đong gạo, thậm chí nhiều ngày còn đứt bữa. Anh Điều cho biết: “Làm nghề này tuy không quá vất vả nhưng do đôi chân yếu nên nhiều lần mang vác nguyên liệu, tôi bị trượt ngã. Đã quyết theo nghề, chẳng quản ngày đêm, tôi chẻ tre, phơi khô rồi sắp xếp từng que, kết lại thành những chiếc chổi chắc chắn”. Từ chỗ phải mang hàng đi chợ bán lẻ, đến nay, không chỉ khách hàng trong tỉnh mà ở một số tỉnh như Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Nguyên... đến tận nhà anh đặt mua. Sản phẩm làm ra đến đâu được bán hết đến đó. 

Năm 2009, anh tham gia HTX Tiểu thủ công nghiệp thương binh xã Việt Lập. Mỗi năm, gia đình anh sản xuất và cung ứng cho thị trường 9-10 nghìn chiếc chổi, trừ chi phí lãi 70-80 triệu đồng. Dần dà, vợ chồng anh có của ăn, của để, xây dựng được ngôi nhà 2 tầng khang trang, mua sắm những tiện nghi sinh hoạt và nuôi 2 con học đại học. Không tự bằng lòng, anh Điều còn về huyện Quế Võ (Bắc Ninh) học thêm nghề đan đồ nội thất bằng nhựa giả mây và đến nay đã thành thạo. Vừa phát triển kinh tế, anh vừa dành thời gian dạy cho những người khuyết tật ở địa phương cùng làm nghề với mong muốn người tật nguyền có thể vượt khó vươn lên làm giàu.

Trung bình (0 Bình chọn)