Xã Hương Sơn (Lạng Giang): Giảm nghèo nhanh nhờ phương án hỗ trợ phù hợp

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Là xã đặc biệt khó khăn duy nhất của huyện Lạng Giang (Bắc Giang), cấp ủy, chính quyền xã Hương Sơn đã tích cực triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững, phù hợp theo hướng tiếp cận đa chiều. Trên cơ sở xác định đúng đối tượng, địa phương phân loại từng nguyên nhân khó thoát nghèo để hỗ trợ phù hợp.

Tuyến đường vào thôn Đồng Khuôn, xã Hương Sơn vừa được cứng hóa tạo thuận lợi cho phát triển KT-XH.

Dẫn chúng tôi đến thăm các thôn đặc biệt khó khăn giữa cái nắng oi ả của trưa hè, anh Nguyễn Ngọc Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã Hương Sơn có 24 thôn, hơn 3,5 nghìn hộ với 8 dân tộc anh em chung sống. Địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung, sản xuất manh mún nên cuộc sống rất khó khăn.

Tuy nhiên, nhờ sự chung sức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, diện mạo nông thôn của xã dần đổi thay. Để minh chứng cho lời mình nói, trên đường đi, anh Vĩnh chỉ cho chúng tôi những ngôi nhà văn hóa khang trang, con đường bê tông trải dài, uốn quanh những triền núi vừa đưa vào sử dụng hay những khu vườn bạt ngàn cây trái…

Còn nhớ năm 2014, xã chỉ có ba thôn đặc biệt khó khăn là: Cần Cốc, Đồng Khuôn, Hèo B; tỷ lệ hộ nghèo 8,1% (285 hộ). Năm 2015, sau tổng điều tra theo chuẩn đa chiều, số hộ nghèo tăng gần gấp ba với 7 thôn đặc biệt khó khăn. Căn cứ tình hình thực tế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đặt ra mục tiêu phấn đấu trung bình mỗi năm giảm 2%, tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 còn dưới 10%. Để hoàn thành mục tiêu, xã quán triệt giảm nghèo bền vững phải xác định đúng đối tượng. Vì thế, khâu rà soát luôn được thực hiện chặt chẽ và phân loại hộ nghèo theo từng nguyên nhân khó vươn lên như: Vốn, tư liệu sản xuất, kỹ thuật, lao động… để có phương án hỗ trợ phù hợp, mang lại hiệu quả.

Gia đình anh Nông Văn Minh (SN 1989), dân tộc Nùng ở thôn Hèo B nhiều năm liền là hộ đặc biệt khó khăn. Vợ chồng anh đều không có việc làm ổn định, nguồn thu nhập ít ỏi từ diện tích vườn đồi cằn cỗi không đủ trang trải cuộc sống khi cùng lúc nuôi ba con nhỏ, mẹ già. Xác định đây là hộ thuộc nhóm thiếu kỹ thuật và vốn, xã giao Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN), Đoàn Thanh niên xã trực tiếp giúp đỡ.

Dưới sự trợ giúp của các tổ chức đoàn thể, gia đình anh Minh được tham quan một số mô hình kinh tế của huyện, sau đó lên kế hoạch mở cơ sở sản xuất cay và vận chuyển vật liệu xây dựng. “Nhờ vốn tín chấp của Hội LHPN xã, năm 2015 gia đình tôi được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư phát triển sản xuất. Với hơn 100 triệu đồng/năm tiền lãi từ sản xuất cay, đợt rà soát cuối năm 2017, gia đình tôi đã thoát nghèo”-anh Minh phấn khởi.

Không chỉ hỗ trợ vốn, cấp ủy, chính quyền xã cũng định hướng cho bà con lựa chọn các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của địa phương. Vậy là nhiều mô hình trồng cây ăn quả có múi, chăn nuôi lợn, gà được xây dựng thành công. Ngoài sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn xã có khoảng 70 cơ sở chế biến gỗ, tạo việc làm cho 100 lao động.

Hiện thu nhập bình quân của các hộ dân là 32 triệu đồng/năm; hộ nghèo năm 2017 giảm 497 hộ, tương đương 13,1%, giảm 3,3% so với năm trước. Chia sẻ về cách làm của địa phương, anh Nguyễn Ngọc Vĩnh cho hay: “Chúng tôi tiếp tục lựa chọn đúng hình thức hỗ trợ với phương châm giảm nghèo bền vững; lồng ghép các nguồn lực, ưu tiên kinh phí cứng hóa đường giao thông nông thôn, kênh mương… Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền người dân có ý thức tự lực vươn lên trong cuộc sống”.

Theo baobacgiang.com.vn

Trung bình (0 Bình chọn)