Xuất khẩu lao động: “Kênh” thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Cùng với nhiều chương trình, chính sách của Nhà nước, xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã và đang giúp nhiều hộ dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh Bắc Giang thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Cán bộ Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tư vấn, giới thiệu xuất khẩu lao động cho người DTTS huyện Sơn Động.

Thoát nghèo, có nghề mới

Trước kia, do có hơn một nửa số hộ là người DTTS nên đời sống bà con thôn Đoàn Tùng, xã Đông Phú (Lục Nam) gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng khoảng chục năm trở lại đây, bộ mặt nông thôn đã đổi khác với những ngôi nhà cao tầng khang trang, kiểu cách. Có được kết quả đó một phần lớn là nhờ số tiền gửi về của người thân đi XKLĐ. Nhiều gia đình đã thoát nghèo, trở thành hộ khá cũng nhờ làm việc ở nước ngoài. 

Đơn cử hộ chị Tạ Thị Nga, dân tộc Nùng. Năm 2006, chị tham gia lớp học tiếng theo Chương trình 135 và được hỗ trợ vay vốn để đi XKLĐ tại Đài Loan. Đến nay, mỗi tháng chị gửi về quê 10-15 triệu đồng. Anh Vi Văn Thì, chồng chị Nga cho biết: “Toàn bộ số tiền vợ gửi về năm đầu tôi dành trả nợ ngân hàng. Những năm sau gia đình tích góp xây nhà cửa, mua sắm vật dụng và cho các con ăn học, phần còn lại tiết kiệm làm vốn sau này”. 

 

Từ đầu năm đến nay, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang tích cực tuyên truyền, liên kết với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động đưa người DTTS đi làm việc tại nước ngoài. Nhờ đó 115 người được xuất cảnh sang các quốc gia, vùng lãnh thổ gồm: Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Dubai.

 

Gần chục năm trước, chị Hoàng Thị Ngoan, dân tộc Nùng, thôn Hố Cao, xã Hương Sơn (Lạng Giang) được cán bộ phụ trách dân tộc huyện vận động đi XKLĐ theo hỗ trợ từ Chương trình 135. Không chỉ được học tiếng miễn phí, chị còn được vay 20 triệu đồng xuất cảnh sang Malaysia làm công nhân may. Gần 10 năm làm việc ở nước ngoài, với số vốn và kinh nghiệm tích lũy được, gia đình chị đang chuẩn bị mở một xưởng may thủ công tại quê, dự kiến tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Được biết, từ năm 2014 đến nay, xã Hương Sơn có 117 người DTTS xuất cảnh, gửi về lượng ngoại tệ lớn góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Ông Nguyễn Văn Quế, Trưởng phòng Chính sách dân tộc (Ban Dân tộc tỉnh) cho biết: “Mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 300 lao động xuất cảnh là người DTTS, thu về hàng trăm tỷ đồng, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng miền núi từ 3-4%/năm. Nhiều người khi hết thời hạn lao động trở về nước có vốn, kinh nghiệm đã phát triển nghề, tạo việc làm, thu nhập cho lao động địa phương".

Tích cực hỗ trợ người lao động

Cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia giúp người DTTS phát triển kinh tế, tỉnh ta đề ra Chiến lược giải quyết việc làm cho người DTTS giai đoạn 2016-2020, trong đó xác định XKLĐ là hướng đi quan trọng, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu đưa 1,5 nghìn lao động là người DTTS đi làm việc ở nước ngoài. 

Thực tế, lao động là người DTTS phần lớn có trình độ thấp nên thị trường xuất khẩu chính tập trung vào những quốc gia, vùng lãnh thổ có yêu cầu không cao như: Đài Loan, Malaysia và khu vực Trung Đông. Đây là những nước có chi phí xuất cảnh không cao, yêu cầu tuyển chọn ít khắt khe. Vì vậy hằng năm, Ban Dân tộc phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các huyện được thụ hưởng chính sách cho đồng bào DTTS tuyên truyền, định hướng việc làm cho người dân. Thu hút, giới thiệu doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài về địa phương tuyển dụng. Thực hiện có hiệu quả chính sách ưu đãi đối với bà con như học nghề, học ngoại ngữ; nâng cao chất lượng lao động, mở rộng thị trường làm việc ở những nước có thu nhập cao.

Trung bình (0 Bình chọn)