Ý kiến của đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang tham gia tại kỳ họp 9, Quốc hội khoá XI về Dự án đưa người đi làm việc ở nước ngoài

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Xuất khẩu lao động trong những năm qua đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần xoá đói giảm nghèo, cải thiện một phần tình hình dư thừa lao động trong nước, nâng cao ý thức cũng như tác phong lao động công nghiệp cho một bộ phận lao động trong nước …

Trước hết, tôi thấy rằng trong thời gian qua việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại các nước trong khu vực cũng như trên thế giới, thường gọi là xuất khẩu lao động, đã đạt được những kết quả khá.

Thứ nhất, giải quyết được số lao động dư thừa ở thị trường trong nước. Hiện nay, số này có xu hướng ngày càng tăng.

Thứ hai, việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài đã góp phần vào công tác xoá đói giảm nghèo, thay đổi và cải thiện đáng kể đời sống của những gia đình, nhất là gia đình nghèo có người đi lao động nước ngoài. Hàng năm, số lao động này đã gửi số lượng ngoại hối đáng kể về nước, cải thiện một bước đời sống của gia đình họ .

Thứ ba, trong môi trường có nhiều thuận lợi so với ở nước ta việc lao động ở nước ngoài giúp đào tạo, nâng cao tay nghề của người lao động Việt Nam. Sau thời gian khoảng 2 đến 3 năm hoặc lâu hơn lao động ở nước ngoài khi về họ đã có một tay nghề kha khá, giúp lập nghiệp ở Việt Nam tương đối tốt.

Thứ tư,  qua làm việc ở nước ngoài, người lao động có thể tiếp cận với cách làm ăn mới, tạo nên một tác phong công nghiệp cho người lao động để khi về nước giúp cho họ năng động hơn trong việc làm ăn ở Việt Nam.

Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, tôi thấy công tác quản lý đối với việc đưa người đi lao động ở nước ngoài còn nhiều bất cập. Về quản lý Nhà nước chúng ta vẫn còn lúng túng, có lúc còn buông lỏng, nhiều doanh nghiệp và nhiều cá nhân đã lợi dụng tình trạng này để trục lợi, lừa đảo người lao động. Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động của ta vẫn còn nặng về lợi nhuận mà chưa chú ý đúng mức đến quyền lợi của người đi lao động . Chúng ta vẫn chưa có cơ chế để bảo vệ hữu hiệu lợi ích của người lao động Việt Nam ở nước ngoài, chỉ khi sự việc được phát hiện, vỡ lở chúng ta mới vào cuộc để giải quyết. Chính vì thế cần thiết phải có một đạo luật để điều chỉnh các quan hệ về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, giúp cho việc tổ chức người đi lao động theo một trình tự thống nhất trong cả nước. Người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cũng yên tâm với những quyền lợi mà họ được hưởng và những nghĩa vụ mà họ phải thực hiện.

Về cơ bản tôi nhất trí với những quy định trong dự thảo, tuy nhiên đề nghị cơ quan soạn thảo cần quan tâm đến một số vấn đề sau đây:

Về tên gọi: như ý kiến một số đại biểu đã nêu, tôi thấy thực chất vấn đề là xuất khẩu lao động, nhưng chúng ta còn ngại từ xuất khẩu bởi vì nó lẫn với các loại xuất khẩu khác. Lao động cũng là một loại hàng hóa, nếu không ngại từ “xuất khẩu”, chúng ta có thể đặt tên là “Luật xuất khẩu lao động’’ thì tên luật nó sẽ ngắn gọn hơn. Nhưng qua ý kiến một số đại biểu tôi thấy, nếu phải cân nhắc thì chúng ta có thể lấy tên là “Luật đưa người đi lao động nước ngoài”.

Điều 2 có nêu 4 đối tượng áp dụng luật này, tôi nhất trí. Tuy nhiên trong Điều 3 giải thích từ ngữ, tại khoản 5 về hợp đồng lao động có nêu: “Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa người lao động Việt Nam và người sử dụng lao động về việc làm có trả công v.v....”. Chúng ta có đề cập đến đối tượng là “những người sử dụng lao động”, những người sử dụng này theo như quy định của dự án luật cơ bản là các đối tác nước ngoài.  Cho nên đối tượng điều chỉnh ở đây, đề nghị cân nhắc thêm điều 2 cho phù hợp với Khoản 5, Điều 3.

 

Về chính sách đưa người đi làm việc ở nước ngoài, qua nghiên cứu tôi thấy có một số điều đề cập đến chính sách. Điều 4 nói về chính sách chung. Điều 26 nói về chính sách đối với các tổ chức đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Điều 49 và Điều 50 quy định chính sách khi người đi lao động ở nước ngoài về nước. Qua nghiên cứu mấy điều này, tôi thấy  chính sách của chúng ta chưa rõ ràng, chưa cụ thể.  Ví dụ như trong khoản 1 điều 4 nêu là “Nhà nước có chính sách hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân”, nhưng hỗ trợ như thế nào cho các tổ chức, các doanh nghiệp đưa người đi lao động ở nước ngoài ? hoặc Điều 26 nêu: “Có chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài”. Trong Khoản 1 cũng nêu : “hỗ trợ việc xúc tiến, phát triển’’ khoản 2 lại giao cho Chính phủ quy định chính sách này. Chúng tôi thấy như thế không cụ thể rõ ràng.

 

Khoản 5 điều 4  quy định:  “Nhà nước bảo hộ quyền lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài”. Cái đó cũng chưa rõ bảo hộ là như thế nào? Khi có sự việc phát sinh như các doanh nghiệp này không hoạt động được, bị phá sản thì việc bảo hộ thể hiện như thế nào. Đề nghị cần quy định về chính sách chúng ta phải rõ ràng hơn.

 

         Cũng về chính sách trong Điều 49, có nêu về  hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động khi hết hạn về nước. Nhiều địa phương  nhất là cấp huyện, cấp xã phàn nàn hiện nay việc tuyển người đi lao động ở nước ngoài chủ yếu là các doanh nghiệp từ Sở lao động, thương binh và xã hội giới thiệu về các địa phương để thu gom người đi lao động ở nước ngoài, chính quyền huyện, chính quyền xã không biết gì về vấn đề này, nhưng khi họ người lao động hết hợp đồng trở về thì lại giao trách nhiệm cho địa phương là phải bố trí công ăn việc làm v.v… như vậy là không phù hợp. Ở đây có vấn đề về cả quản lý Nhà nước, chúng ta cần phân định  rõ hơn về thẩm quyền của các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương, nhất là cấp cơ sở. Để đến khi đi người lao động ở nước ngoài về nước thì họ biết và chủ động tạo điều kiện bố trí công ăn việc làm ./.
Trung bình (0 Bình chọn)