Phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại phù hợp với quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh Bắc Giang, gắn với liên kết vùng, hợp tác quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Ảnh minh họa.

Đó là mục tiêu trong Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 31/10/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 49- KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 03 tuyến đường sắt quốc gia chạy qua, gồm Hà Nội - Lạng Sơn (từ ga Hà Nội đến ga Đồng Đăng), Kép - Chí Linh (từ ga Kép đến ga Chí Linh) và Kép - Lưu Xá (từ ga Kép đến ga Lưu Xá).

Hiện tại mạng lưới 03 tuyến đường sắt trên địa bàn tỉnh có 02 khổ đường là đường lồng và đường 1435 mm. Khổ ray tuy phù hợp với khổ tiêu chuẩn hiện nay (quốc tế) nhưng chỉ đến Hà Nội. Kết cấu hạ tầng tuyến, nhà ga, vận tải đường sắt hầu như chỉ được duy trì, không được đầu tư nâng cấp nên lạc hậu, chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu. Khả năng kết nối giữa đường bộ với đường sắt còn hạn chế về cả quy mô hạ tầng và dịch vụ vận tải.

Theo đó, Bắc Giang đặt mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, hoàn thành phê duyệt các quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch tỉnh điều chỉnh và phối hợp Bộ, ngành trung ương lập phê duyệt quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành đường sắt,… để cụ thể hóa Kết luận số 49-KL/TW và Nghị quyết số 178/NQ-CP. Định hướng kết nối đường sắt với các cảng cạn ICD, cảng thủy nội địa, trung tâm logistics; bố trí ga trên các tuyến đường sắt hiện có và đường sắt mới kết hợp được chức năng các cảng; liên thông thuận lợi với các phương thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa.

Đến năm 2030, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải tập trung cải tạo, nâng cấp, điện khí hóa, khai thác có hiệu quả tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn; tiếp tục cải tạo, khai thác, sử dụng tuyến Kép - Chí Linh; nghiên cứu phương án khôi phục tuyến Kép - Lưu Xá; nâng cấp các ga, đặc biệt là các ga trên tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng (gồm: ga Bắc Giang, Kép, Sen Hồ và Phố Tráng); phấn đấu khởi công xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng kết nối cửa khẩu quốc tế. Duy trì, nâng cấp đoạn tuyến đường sắt nối đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn với nhà máy đạm và hóa chất Hà Bắc phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hoá chuyên dùng.

Sau năm 2030 đến năm 2045, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải tập trung triển khai cải tạo, nâng cấp, điện khí hóa, khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có gồm: Tuyến đường sắt Kép - Chí Linh và tuyến Kép - Lưu Xá; phấn đấu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt theo hướng hiện đại, đồng bộ với quy hoạch được phê duyệt, theo Kết luận số 49-KL/TW, Nghị quyết số 178/NQ-CP và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Nghiên cứu các tuyến đường sắt đô thị bám dọc các khu dân cư tập trung Vôi (Lạng Giang), Đồi Ngô (Lục Nam) - TP Bắc Giang - Việt Yên - Hiệp Hòa kết nối với tuyến liên vùng Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang.

* Xem chi tiết Kế hoạch tại đây./.

Bình Minh

 

 

Trung bình (0 Bình chọn)