Một số kết quả đạt được đề tài độc lập cấp quốc gia "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ của công ty Juran(Israel) bảo quản tươi quả vải và một số loại quả khác phục vụ xuất khẩu"

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC VÀ KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI NĂM 2018

ĐỀ TÀI ĐỘC LẬP CẤP QUỐC GIA

"Nghiên cứu ứng dụng công nghệ của công ty Juran(Israel) bảo quản tươi quả vải và một số loại quả khác phục vụ xuất khẩu"

Ngày 29 tháng 10 năm 2015, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ký Quyết định số 3026/QĐ-BKHCN về việc phê duyệt tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm, kinh phí và thời gian thực hiện nhiệm vụ KH&CN độc lập cấp quốc gia bắt đầu thực hiện từ năm 2015. Ngày 25/12/2015, Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế -  kỹ thuật - Bộ Khoa học và Công nghệ và Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ ký Hợp đồng số 46/15- ĐTĐL.CN-CNN về việc thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ của công ty Juran (Israel) bảo quản tươi quả vải và một số loại quả khác phục vụ xuất khẩu"

- Cơ quan chủ trì: Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ

- Chủ nhiệm đề tài: Ths. Nguyễn Văn Tình

- Cơ quan phối hợp: Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch; Công ty CP xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu.

- Thời gian thực hiện: từ tháng 12 năm 2015 đến tháng 5 năm 2018

- Tổng kinh phí thực hiện: 21.311.500.000 đồng. Trong đó kinh phí hỗ trợ từ ngân sách SNKH TW: 12.900.000.000 đồng; SNKH&CN tỉnh: 4.272.500.000 đồng; Nguồn khác: 4.139.000.000 đồng.

I. Công việc thực hiện và kết quả đạt được

1. Xây dựng mô hình sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalG.A.P

- Nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn, tổ chức thực hiện mô hình sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalG.A.P tại thôn Chão cũ, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, diện tích là 20 ha, 32 hộ tham gia. Tiến hành phân tích 10 mẫu đất, nước của vùng sản xuất tại Trung tâm Phân tích và Chuyển giao Công nghệ Môi trường – Viện Môi trường Nông nghiệp với các chỉ tiêu như Ecoli, Coliform, Salmonella, Asen (As), Camidi (Cd), Chì (Pb), Thủy ngân (Hg). Kết quả cho thấy các chỉ tiêu đều đạt dưới ngưỡng cho phép theo QCVN03:2008/BTNMT và QCVN39:2011/BTNMT. Thực hiện hỗ trợ một phần vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân tham gia mô hình. Xây dựng và thiết lập hệ thống tài liệu phù hợp với các yêu cầu của GlobalG.A.P và hướng dẫn người dân ghi chép sổ sách. Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát mô hình.

- Thiết lập cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn GlobalG.A.P như xây dựng thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật, các hệ thống biển báo theo quy định.

- Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về GlobalG.A.P bao gồm: Tập huấn cho 45 người dân về nhận thức chung về tiêu chuẩn GlobalG.A.P; Tập huấn cho 32 hộ dân về an toàn lao động, an toàn trong sử dụng và bảo quản thuốc BVTV, sơ cấp cứu, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); Đào tạo cho 20 cán bộ, người dân kiến thức và kỹ năng đánh giá nội bộ theo tiêu chuẩn GlobalG.A.P.

- Tiến hành đánh giá và khắc phục sau đánh giá để cấp chứng nhận GlobalG.A.P

- Mô hình 20 ha sản xuất vải thiều đã được Tổ chức Agro Management (Đan Mạch) cấp chứng nhận GlobalG.A.P vào ngày 29/8/2017 (có giá trị trong 1 năm).

2. Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sơ chế, xử lý quả vải tươi theo công nghệ của công ty Juran (Israel) và phát triển ứng dụng công nghệ bao gói bảo quản đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu đi thị trường Mỹ, EU cho quả vải thiều Lục Ngạn

Phối hợp Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch triển khai thực hiện các thí nghiệm tại Viện, ở vụ vải năm 2016 và đã hoàn thành các báo cáo kết quả các thí nghiệm bao gồm::

- Ảnh hưởng của xử lý nước nóng (nhiệt độ và thời gian xử lý) đến chất lượng và thời gian bảo quản quả vải thiều Lục Ngạn. Xác định nhiệt độ thích hợp là 520C, và thời gian xử lý là 6 phút.

- Ảnh hưởng của xử lý bằng nước lạnh (nhiệt độ và thời gian xử lý) đến chất lượng và thời gian bảo quản tươi quả vải thiều Lục Ngạn. Xác định nhiệt độ thích hợp là 30C, và thời gian xử lý là 6 phút.

- Ảnh hưởng của xử lý bằng axit hữu cơ (độ pH và thời gian xử lý) đến chất lượng và thời gian bảo quản tươi quả vải thiều Lục Ngạn. Xác định xử lý axit citric ở điều kiện thích hợp độ PH 2,5-3 trong 5 phút.

- Dự thảo quy trình công nghệ sơ chế, xử lý quả vải thiều Lục Ngạn phù hợp với dây chuyền thiết bị của công ty Juran, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU. như sau: Vải thiều sau thu hoạch - Sơ chế - Xử lý nhúng nước nóng (520C, 6 phút) - Xử lý nhúng axit citric (PH 2,5-3 trong 5 phút) - Xử lý nhúng nước lạnh ( 30C , 6 phút) - Làm khô - Bao gói, đóng thùng - Bảo quản.

- Nghiên cứu thiết kế quy cách và mẫu mã bao gói phù hợp với điều kiện bảo quản, vận chuyển và phân phối quả vải tươi đáp ứng yêu cầu của thị trường Mỹ, EU. Theo đó, kích cỡ vải theo yêu cầu thị trường nhập khẩu; quả vải được cắt cuống đóng trong 2 lớp bao bì: Bao bì sơ cấp (plastic), bao bì thứ cấp (thùng carton); khối lượng đóng gói theo yêu cầu của nước nhập khẩu: 2 kg, 5 kg và 10 kg; trên thùng vải ghi thông tin: khối lượng thùng, ngày sản xuất, xuất xứ (mã số vùng trồng, mã số cơ sở chiếu xạ, mã số đóng gói...

- Nghiên cứu thực nghiệm xác định các thông số công nghệ của màng bán thấm (MAP) phù hợp với quy cách bao gói đã thiết kế. Theo đó, LDPE bảo quản ở điều kiện 4+-10C, RH 90-95%; độ dày màng LDPE là 0,03 mm; tỷ lệ diện tích bề mặt bao bì/khối lượng quả: 1,5cm2/g.

- Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ bao gói, đóng thùng, bảo quản, vận chuyển và phân phối quả vải tươi. Theo đó, bao gói đóng thùng LDPE dày 0,03 mm, tỷ lệ diện tích bề mặt bao bì/khối lượng quả: 1,5cm2/g - Bảo quản thùng carton ở điều kiện 4+-10C, RH 90-95% - Chiếu xạ - Kiểm dịch thực vật - Vận chuyển, xuất khẩu - Tiêu thụ.

3. Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử  lý quả vải của công ty Juran (Israel) năng suất 1 tấn/giờ kết nối với hệ thống bao gói, bảo quản, vận chuyển xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU.

Nội dung chính và là nền tảng để triển khai các nội dung khác của Đề tài là nhập khẩu dây chuyền xử lý quả vải theo công nghệ của công ty Juran (Israel). Theo yêu cầu của Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan chủ trì đề tài đã tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước và đấu thầu rộng rãi quốc tế nhưng không có nhà thầu nào tham dự. Do vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cho phép thay đổi phương án mua sắm Dây chuyền sang hình thức chuyển giao công nghệ. Cơ quan chủ trì đề tài đã tổ chức đoàn ra đi Israel làm việc với công ty Juran ký kết Biên bản thỏa thuận về các điều kiện cụ thể đối vớidây chuyền xử lý quả vải, tiếp theo là lựa chọn doanh nghiệp tham gia phối hợp thực hiện đề tài (công ty CP xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu) thay thế HTX Bình Minh (có văn bản không tham gia) và lựa chọn đơn vị ủy thác nhập khẩu dây chuyền. Cơ quan chủ trì đã ký hợp đồng ủy thác nhập khẩu dây chuyền thiết bị cho Công ty CP xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu thực hiện nhập khẩu và công ty CP xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu đã ký hợp đồng nhập khẩu dây chuyền thiết bị với công ty Juran (Israel). Cơ quan chủ trì đã chuyển kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ (6,404 tỷ đồng) cho công ty CP xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu để phục vụ nhập khẩu dây chuyền thiết bị. Công ty CP xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu đã tạm ứng 50% (153.974 euro) cho công ty Juran và mở tài khoản L/C 50% (153.974 euro). Cơ quan chủ trì đã chuyển sơ đồ vị trí mặt bằng để đặt dây chuyền xử lý quả vải cho công ty Juran (Israel) phục vụ cho khâu thiết kế chế tạo. Hiện công ty Juran đang tiến hành sản xuất dây chuyền để kịp phục vụ vụ vải niên vụ 2018.

II. Kế hoạch triển khai năm 2018

1. Xây dựng mô hình sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalG.A.P

Tư vấn, kiểm tra, giám sát để duy trì mô hình sản xuất vải thiều sau khi được cấp giấy chứng nhận Global G.A.P, với diện tích 20 ha tại thôn Chão cũ, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn để phục vụ xuất khẩu vụ vải năm 2018.

2. Nghiên cứu thị trường và xuất khẩu quả vải Lục Ngạn vào thị trường Mỹ và EU

- Khảo sát thị trường và tổng hợp thu thập thông tin về chất lượng và tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu quả vải Lục Ngạn vào thị trường Mỹ và EU.

- Triển khai các lô hàng thử nghiệm, hoàn thiện thủ tục và phối hợp với doanh nghiệp ký kết hợp đồng xuất khẩu vải Lục Ngạn vào thị trường Mỹ và EU.

- Tổng kết đánh giá công tác xuất khẩu quả vải Lục Ngạn vào thị trường Mỹ, EU.

3. Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử  lý quả vải của công ty Juran (Israel) năng suất 1 tấn/giờ kết nối với hệ thống bao gói, bảo quản, vận chuyển xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU.

- Nghiên cứu thiết kế kỹ thuật, hoàn thiện các điều kiện cơ sở vật chất để tiếp nhận dây chuyền xử lý quả vải như: Nhà xưởng, nơi tập kết nguyên liệu (diện tích 400 m2); kho lạnh bảo quản vải 300 tấn (1-2oC); trạm biến áp (630 KVA); dây chuyền cân đóng gói gắn với dây chuyền xử lý quả vải.

- Nghiên cứu thiết kế và chế tạo các thiết bị phụ trợ phục vụ cho nhà sơ chế, bao gói và bảo quản sản phẩm.

- Công ty Juran tiến hành sản xuất và hoàn thành sản phẩm dây chuyền xử lý quả vải.

- Vận chuyển dây chuyền từ cảng Israel đến cảng Hải Phòng. Thanh toán 40%  kinh phí cho công ty Juran qua L/C.

- Hoàn thành các thủ tục thông quan và vận chuyển dây chuyền từ cảng Hải Phòng đến huyện Lục Ngạn.

- Tiến hành lắp đặt dây chuyền, chạy thử và hiệu chỉnh hệ thống thiết bị ở điều kiện chạy thử không tải.

- Vận hành dây chuyền xử lý quả vải, sản xuất thử nghiệm sơ chế, phân loại, xử lý, bao gói bảo quản quả vải thiều Lục Ngạn và đào tạo hướng dẫn cho người sử dụng.

- Hoàn thiện quy trình công nghệ sơ chế, xử lý, phân loại, bao gói bảo quản quả vải đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU. Nghiệm thu đánh giá và thanh toán 10% kinh phí còn lại cho công ty Juran (Israel).

Trung bình (0 Bình chọn)