Chủ động phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Nhằm chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang xuất hiện tại một số quốc gia, UBND tỉnh Bắc Giang vừa xây dựng phương án phòng, chống căn bệnh này.
 

Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ảnh: BGP/Trâm Anh

Theo phương án, khi chưa có dịch xảy ra, tiến hành kiện toàn, duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp nhằm hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi và các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn định kỳ bằng vôi bột hoặc hóa chất. Thống kê, quản lý chặt chẽ đàn lợn, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học.

Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, lưu thông lợn và các sản phẩm từ lợn. Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Tổ chức thông tin, tuyên truyền về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Khi có dịch xảy ra, huy động mọi nguồn lực của địa phương để tập trung chỉ đạo công tác phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Khi có thông tin nghi ngờ dịch bệnh, khẩn trương kiểm tra, xác minh và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tác nhân gây bệnh. Không điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Trường hợp ổ dịch là 01 cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, gia trại không có dãy chuồng riêng biệt: Tiêu hủy toàn bộ đàn lợn trong vòng 24h sau khi có kết quả dương tính và các đàn lợn xung quanh, liền kề với đàn lợn dương tính (không cần lấy mẫu xét nghiệm). Đối với chăn nuôi trang trại số lượng lớn có nhiều dãy chuồng riêng biệt thì tiêu hủy toàn bộ lợn trong cùng một dãy chuồng; các dãy chuồng còn lại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và lấy mẫu giám sát định kỳ. Các bước tiêu hủy lợn bệnh, nghi bị bệnh Dịch tả lợn Châu Phi được thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Cùng đó, thực hiện các giải pháp khoanh vùng ổ dịch. Trong phạm vi 03 km xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 03 lần/tuần trong 2 - 3 tuần tiếp theo; đồng thời theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút Dịch tả lợn Châu Phi.

Nghiêm cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm. Tăng cường chỉ đạo chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Thời điểm tái đàn sau dịch là 30 ngày kể từ khi tiêu hủy con lợn hoặc sản phẩm lợn bị nhiễm bệnh và đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số lợn nuôi tại cơ sở.

Xem chi tiết Văn bản tại đây ./.

Trâm Anh
Trung bình (0 Bình chọn)