Di tích cấp Quốc gia đặc biệt Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Cuộc khởi nghĩa Yên Thế nổ ra những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX chống lại thực dân Pháp xâm lược và phong kiến tay sai đã trở thành biểu trưng rực rỡ của tinh thần yêu nước, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Từ đó đến nay, hình ảnh lẫm liệt của Hoàng Hoa Thám cùng những dấu tích về phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế còn lưu lại đậm nét trên địa bàn các huyện Tân Yên, Yên Thế, Việt Yên và Yên Dũng của tỉnh Bắc Giang.

Đó là những công trình kiến trúc cổ (đình, chùa, đền, nghè, miếu có niên đại khởi dựng vào thời Lê thế kỷ XVII-XVIII và thời Nguyễn thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX) cùng các địa điểm, đồn lũy tạo thành một hệ thống di tích liên hoàn của một vùng quê vốn có lịch sử lâu đời và nổi tiếng về truyền thống thượng võ. Hệ thống di tích này gồm: 08 ngôi đình, 07 chùa, 06 đền, 03 đồn, 01 điếm, 01 nghè, 01 động và 05 địa điểm. Đây là những di tích nguyên gốc có giá trị đặc biệt, lưu lại những dấu ấn quan trọng của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, được nhìn nhận như một trong những dòng chủ lưu dẫn tới bước chuyển đặc biệt quan trọng trong lịch sử dân tộc ta giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.

Có thể khẳng định hệ thống di tích về cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử cận đại Việt Nam. Khởi nghĩa Yên Thế tồn tại ngót 30 năm (1884-1913), là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhất, trên bình diện rộng nhất và kéo dài nhất trong các cuộc khởi nghĩa chống lại ách thống trị của thực dân Pháp, tiêu biểu cho phong trào yêu nước của dân tộc ta trước khi có Đảng lãnh đạo. Tinh thần của cuộc khởi nghĩa đã khơi dậy truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Trong khói lửa tàn khốc mà những kẻ xâm lược mang đến, Hoàng Hoa Thám đã trở thành một anh hùng dân tộc, một thiên tài, người mà chính giới Pháp cũng phải thừa nhận "mỗi thế kỷ chỉ xuất hiện một lần mà thôi". Mỗi di tích trong Hệ thống di tích về cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế đều trực tiếp phản ánh sinh động quá trình xây dựng lực lượng, tổ chức chiến đấu của nghĩa quân từ những ngày đầu tiên, tới những ngày cuối cùng. Đồng thời, các điểm di tích này không chỉ thể hiện hình ảnh sinh động mọi mặt đời sống đương thời của nghĩa quân Yên Thế nói riêng, nhân dân Yên Thế nói chung mà còn lưu giữ, chuyển tải tới các thế hệ nhiều giá trị tinh thần đặc biệt mà cuộc khởi nghĩa đã để lại. Nói cách khác, đó chính là những di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng, có giá trị đặc biệt, gắn với cuộc khởi nghĩa Yên Thế mà chúng ta cần hết sức trân trọng gìn giữ.

Trong đó có:

Khu lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám ở làng Trũng, xã Ngọc Châu (Tân Yên) nơi sinh sống thời thơ ấu của Hoàng Hoa Thám; Dấu tích của danh nhân Hoàng Hoa Thám, người anh hùng áo vải cùng nghĩa quân Yên Thế từng một thời khiến giặc Pháp khiếp đảm, làng Trũng được coi là quê hương thứ hai và là nơi duy nhất có đền thờ ông.

Cụm di tích đình, chùa Hả, xã Tân Trung (Tân Yên): Quê hương của Đề Nắm, vị thủ lĩnh đầu tiên của phong trào và là nơi Đề Nắm tế cờ khởi nghĩa ngày 15/3/1884 (đây là mốc thời gian mở đầu của khởi nghĩa Yên Thế); Trong gần 10 năm chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai, Đề Nắm đã chỉ huy quân và dân Yên Thế đánh bại gần 1 vạn quân Pháp khiến chúng phải thừa nhận đây là bãi chiến trường và là nơi xảy ra những sự kiện quan trọng nhất trong xứ thuộc địa của chúng ở Viễn Đông.

Đình Dĩnh Thép, xã Tân Hiệp (Yên Thế): Nơi nghĩa quân Yên Thế tổ chức Đại hội để bầu ra thủ lĩnh lãnh đạo cuộc khởi nghĩa năm 1888; Ngày 24/10/1894, đình Dĩnh Thép là nơi diễn ra cuộc trao trả tù binh, nghĩa quân Đề Thám nhận tiền chuộc là 15 hòm bạc trắng (tương đương 15.000 frăng) và trả tự do cho Sécnay-một đại địa chủ kiêm thầu khoán, chủ bút báo Tương lai xứ Bắc Kỳ và nhân viên đi theo Lôgiu.

Đền Thề, thị trấn Cầu Gồ (Yên Thế): Nơi hàng năm làm lễ cầu siêu cho các nghĩa sĩ và là nơi tế cờ trước mỗi lần xuất quân của Hoàng Hoa Thám.

Đồn Hố Chuối, xã Phồn Xương (Yên Thế): Là đồn do Hoàng Hoa Thám thống lĩnh. Tại đây, vào cuối năm 1890 đầu năm 1891, nghĩa quân Yên Thế dưới sự chỉ huy của Hoàng Hoa Thám với lực lượng chỉ khoảng 150 người, đã liên tiếp đánh bại bốn cuộc tấn công lớn của thực dân Pháp do các tướng Gôđanh, Tannơ, Mayơ rồi Phơrây chỉ huy cùng với 2.212 binh lính trang bị vũ khí hiện đại (gồm cả bộ binh, công binh và pháo binh). Như vậy nghĩa quân đã phải chiến đấu 1 chọi với gần 15 địch và đã chiến thắng oanh liệt trong 4 cuộc tấn công của Pháp vào đồn Hố Chuối 73 lính Pháp đã bị thương cùng với 26 tên đã vĩnh viễn nằm lại núi rừng Yên Thế.

Tinh thần chiến đấu dũng cảm của nghĩa quân, tài chỉ huy quân sự của tướng lĩnh cộng thêm sự phòng thủ kiên cố đã làm cho Hố Chuối trở thành một căn cứ vững chắc khiến cho kẻ thù khiếp đảm và phải thú nhận: “ trái với nguyên tắc thông thường về việc lựa chọn địa điểm để thiết lập một vị trí phòng thủ, đồn này nằm vào một chỗ trũng, một nửa đồn được đào sâu vào lòng đất… Do cảnh tượng rùng rợn của nó, do số lượng các công trình phòng ngự cùng những trở ngại chồng chất làm cho nó trở thành một công sự vô cùng vững mạnh. Cái đồn lũy này quả xứng đáng với cái tên Đồn của thần chết mà nhân dân địa phương đã đặt cho nó ”(1); “ Thật khó mà ước lượng quân số của địch (nghĩa quân Yên Thế) trong trận này. Chắc chắn là không đông lắm và không quá 100 người. Nhưng cuộc kháng cự đã diễn ra rất kịch liệt và người ta không thể hiểu nổi tại sao một nhóm người trong một địa bàn nhỏ hẹp lại có thể đương đầu với đại bác đặt cách không đầy 300 thước trong một thời gian khá lâu như vậy ”(2); “Đề Thám rất can đảm…ưa hành động, chiến đấu, sự hiểu biết của ông ta về người và sự vật rất lớn, có một cảm quan nhạy bén. Sự hiểu biết về địa hình và vận dụng địa hình trong phòng ngự và tấn công, bản năng chiến đấu của ông, thật là kỳ diệu…”(3); "Ông ta đã gây cho chúng ta rất nhiều tổn thất. Ông ta đã đánh những trận thần kì ở Yên Thế. Biết bao chiến binh dũng cảm, da trắng và da vàng, đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây!", "Ông ta có những tài năng lớn của một chiến binh. Sẽ là hèn hạ nếu không công nhận điều đó", “để có thể sống và làm chủ trong vùng rừng núi này…phải có tài năng, thậm chí phải có thiên tài; phải có một sức mạnh tinh thần và thể chất đặc biệt. Ơn trời phải hàng thế kỷ mới có một người như thế…”(4) .

Đình Đông, thị trấn Bích Động (Việt Yên): Nơi Đề Thám làm lễ tế cờ, chính thức giữ chức thủ lĩnh lãnh đạo phong trào khởi nghĩa Yên Thế năm 1892. Kể từ đây Đề Thám thực sự trở thành thủ lĩnh và linh hồn của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Với tài năng quân sự lỗi lạc của mình, ông đã dựa vào núi rừng để tổ chức nhiều trận đánh gan dạ và táo bạo, làm cho giặc Pháp phải bao phen bạt vía, kinh hồn.

Chùa Thông, xã Đồng Lạc (Yên Thế): Nơi nghĩa quân Yên Thế và thực dân Pháp họp ký hòa hoãn lần thứ nhất (1894-1897).

Đồn phồn Xương, thị trấn Cầu Gồ (Yên Thế): Đại bản doanh của Hoàng Hoa Thám được xây dựng trong hai năm 1894-1895. Sau nhiều lần tấn công vào Yên Thế thất bại, cuối năm 1897 toàn quyền Đông Dương là Đume buộc phải chấp nhận hoà hoãn với nhiều điều khoản do Đề Thám đưa ra. Tranh thủ 13 năm hoà bình (1897-1909), Đề Thám vừa lo củng cố lực lượng quân sự vừa chú trọng phát triển kinh tế- văn hoá, xây dựng vùng Phồn Xương thành " một thế giới riêng biệt... giữa cái nơi gió mưa tanh tưởi" bốn bề là lũ giặc cướp nước. Sử cũ chép rằng, khi về Yên Thế tiếp kiến với Hoàng Hoa Thám, chí sĩ Phan Bội Châu đã ngỡ ngàng, thảng thốt trước Phồn Xương: "… Những người bị khổ sở về chính quyền bạo ngược đều lấy doanh trại của tướng quân Hoàng Hoa Thám làm nơi ẩn trú. Vì thế, người rất đông đúc, tiếng gà tiếng chó rộn vang tựa như một cảnh tân đào nguyên của những bậc lánh đời vậy. Năm nọ, tôi hai lần tới đồn, xem khắp chung quanh, trâu cày từng đội, chim rừng quyện người, đàn bà trẻ con nhởn nhơ tiếng chày rậm rịch, có cái vẻ vui của những ngày đình đám hội hè mà không hề có tiếng thở than về chính quyền bạo ngược và mãnh hổ hại người. Tạo lập được một thế giới riêng biệt, thực là một nỗ lực riêng của tướng quân.. …"(1). Phía sau đồn Phồn Xương là doanh trại, chiến lũy của nghĩa quân Đề Thám. Ông đã cho xây dựng ở khu vực này một bát quái trận với nhiều đồn lũy thông nhau, sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào… Chính trong thời gian hoà hoãn, dưới sự lãnh đạo của Đề Thám, các hoạt động văn hoá, lễ hội ở Yên Thế diễn ra sôi nổi với nhiều hình thức phong phú, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Đồn Hom, xã Tam Hiệp (Yên Thế): Căn cứ địa an toàn của cuộc khởi nghĩa, được xây dựng vào giai đoạn giữa của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Tại đây đã diễn ra hai trận chiến đấu nổi tiếng vào tháng 3/1892 và tháng 2/1909. Nhiều tên Pháp đã phải bỏ xác trên cánh đồng làng Hom. Đặc biệt, chiến thắng ngày 25/3/1892, ngay từ loạt đạn đầu, nghĩa quân đã tiêu diệt 45 tên trong đó có một tên quan ba và một tên quan hai. Trận chiến đấu vang dội này theo thực dân Pháp ghi nhận: “uy danh của Đề Thám lẫy lừng hơn bao giờ hết”; Mỗi khi quân lính của chúng tôi bị thương ở cánh tay phải thì biết ngay rằng đó là do Đề Thám bắn. Ông ta có kiểu bắn như vậy, trúng vô cùng. Nàng ba (Bà Ba–Vợ Đề Thám) của ông ta cũng thế. Lính khố đỏ, khố xanh, lính dõng hễ họ nhận ra rằng đấy là Đề Thám với nàng vợ Ba, tức thì họ đều bắn chỉ thiên ráo cả. Khi chúng tôi ra lệnh thì họ lấm lét nhìn chúng tôi. Và khi chúng tôi buộc họ phải tuân lệnh thì họ bỏ trốn, vợi mất một nửa số quân. Như vậy, anh muốn ta thắng sao được Hoàng Hoa Thám?”; Một cựu binh khác thì thú nhận: “ Đề Thám bao giờ cũng là một người nhiều kinh nghiệm. Ông ta có cách làm cho mọi người nhận ra ông ta. Và khi lính bản xứ biết là gặp Đề Thám, thì kẻ run sợ, kẻ lại bỏ trốn. Thế là phần thắng vào tay Đề Thám một cách tự nhiên…”; Theo Hồi ký của bà Hoàng Thị Thế, trong thời gian sống ở Pháp, một lần, chính Tổng thống Pháp P. Doumer, cựu Toàn quyền Đông Dương đã phải thừa nhận: “Không có lòng độ lượng của cha cô (Đề Thám) thì Galliéni (một vị tướng lẫy lừng của Pháp), không thể cứu được Paris…Ông Đề Thám đã vượt hơn hẳn chúng tôi. Ông ta bị gọi là giặc nhưng chính ông ta lại là người thượng võ…Đề Thám đúng là một con người ra con người…”. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất ngưỡng mộ cụ Hoàng Hoa Thám. Sinh thời, Bác từng viết một vở kịch về Hoàng Hoa Thám và đích thân Người đã thủ vai Đề Thám(1).

Đình Dương Lâm, xã An Dương (Tân Yên): Nơi chứng kiến nhiều cuộc họp quan trọng giữa thủ lĩnh nghĩa quân với các tướng lĩnh tâm phúc của ông trong thời kỳ (1885-1895), như: Thống Lĩnh (Dương Lâm), Đề Trung (làng Hạ), Đề Thị (làng Thị), Đốc My (Trại Gân), Lãnh Du và Thống Luật (làng Trũng)…bàn kế chống Pháp và thu cấp binh lương, là nơi Cai Hậu đã bí mật cho dân binh đào một hầm ngầm từ hậu cung đình Dương Lâm, xuyên ra bờ ao rậm, rồi đi nơi khác để đảm bảo an toàn cho thủ lĩnh và các tướng lĩnh của nghĩa quân, là ngôi đình mà Đề Thám đã bàn với Cai Hậu chuyển đình từ vị trí ngoài làng (nay được gọi là khu Bãi Đình) về trung tâm làng và tự tay trồng cây Dã Hương trước sân đình làm kỷ niệm. Từ khi đó đến nay đã hơn 100 năm trôi qua, cây Dã Hương đã trở thành cây cổ thụ quanh năm che mát mảnh đất linh cùng với những câu chuyện kể về một thời kỳ lịch sử oanh liệt còn vang mãi trong tâm khảm mỗi người dân nơi đây. Và vẫn còn nhiều, rất nhiều những di tích về phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế do cụ Hoàng Hoa Thám lãnh đạo (cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX), đó là những địa danh với những cái tên mộc mạc, giản dị đã đi vào lịch sử.

Chùa Lèo, xã Phồn Xương (Yên Thế): Là trạm tiền tiêu - cơ sở qua lại của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Trong những lần đánh nhau với nghĩa quân Yên Thế ở Hố Chuối (1890-1891), làng Lèo và cả chùa Lèo là những địa điểm mà thực dân Pháp chọn làm chốt điểm đóng quân, làm chỗ dựa tấn công vào đồn Hố Chuối, là nơi phát tích truyền thuyết nhà sư chùa Lèo không ngần ngại hi sinh thân mình để cứu Hoàng Hoa Thám trước sự lùng bắt gắt gao của kẻ thù, đây cũng luôn là vị trí tiền tiêu quan sát các hoạt động càn quét của thực dân Pháp vào đồn Phồn Xương trong thời kỳ hòa hoãn lần thứ 2 (1897-1909). Đồng thời, chùa Lèo còn là nơi tế các hương hồn nghĩa quân vì nước mà hi sinh.

Động Thiên Thai,xã Hồng Kỳ (Yên Thế): Nơi tôn thờ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm - một danh nhân yêu nước tài hoa, nhiều công đức, đầy bản lĩnh mà những trang sử chống xâm lược thực dân những năm 90 của thế kỷ XIX không thể không nhắc đến tên ông. Nguyễn Văn Cẩm từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, được người đời suy tôn là Kỳ Đồng. Một người dù bị đưa sang Pháp quốc học hàng 10 năm trở về thực dân Pháp vẫn không khuất phục nổi, ông cũng là quân sư của phong trào Mạc Đĩnh Phúc và để gây dựng cơ sở cho phong trào khởi nghĩa ấy, ông đã rời quê hương Thái Bình chọn Yên Thế làm điểm dừng chân. Ông - chủ nhân của Thất diệu đồn điền - nơi thu hút nghĩa quân và là địa điểm hội kiến bí mật giữa ông với Đề Thám - người cùng nuôi chí hướng chống Pháp như ông. Sau một thời gian dài theo dõi hoạt động và thu thập nhiều tài liệu chứng tỏ tinh thần chống Pháp quyết liệt của ông, thực dân Pháp đã bắt giam ông trong khi ông và người nhà đang “ tíu tít bận bịu giữa những kiện hàng dài bó chiếu, thò ra những báng súng xếp chéo nhau với nòng súng ”, sau đó đày ông tới quần đảo Tahiti ở Thái Bình Dương cho tới lúc qua đời (17/7/1929) thật khác hẳn với dáng vẻ thư sinh “… mềm mại như một cây trúc non…nói tiếng Pháp …không kém gì một dân Pari chính cống. Đó là một người An Nam tuyệt vời, một trong số những nhân vật đẹp đẽ nhất của nòi giống biết bao đặc thù tinh tế và sâu sắc…” .

Đền Cầu Khoai, xã Tam Hiệp (Yên Thế): Nơi thờ tự hai cô con gái của tướng Đàm Thuận Huy, là căn cứ của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Nghĩa quân và thực dân Pháp nhiều phen ở thế giằng co rất quyết liệt, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch (tiêu biểu như trận đánh đồn Hom). Sang thời kỳ cách mạng những năm kháng chiến chống thực dân Pháp thì căn cứ địa này trở thành trụ sở thường trực của Ủy ban kháng chiến xã Tam Hiệp.

Chùa Kem, xã Nham Sơn (Yên Dũng): Là một đại danh làm cổ tự nổi tiếng của vùng Yên Dũng đồng thời cũng là một khu căn cứ quân sự quan trọng trong lịch sử đấu tranh, giải phóng dân tộc. Giai đoạn (1906-1908), Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân Yên Thế đã về đóng quân trong khu vực chùa. Đề Thám đã cho đắp luỹ, làm tường thành, làm nhà, luyện tập quân sự, tạo nơi đây là một khu căn cứ chống Pháp. Dấu tích của sự kiện lịch sử này hiện vẫn còn lưu lại cụ thể là: tường luỹ, nền nhà quan, giếng quan, trạm gác, cột cờ. “ Nghĩa quân chống Pháp của Nguyễn Cao và của Hoàng Hoa Thám đã về đóng tại vườn chùa, dấu tích còn lưu ở các địa danh như: nhà quan, giếng quan, trạm gác, cột cờ… ”(2); “ Chùa Kem còn là nơi cụ Đề Thám đã về để chiêu binh đánh Tây, là nơi cất dấu lương thực, vũ khí và là nơi hội họp của nghĩa quân ”….

Cụm di tích Cầu Vồng, xã Song Vân (Tân Yên): Là nơi Đề Thám cùng nghĩa quân thường làm lễ tế cờ tại khu di tích này trong mỗi lần xuất quân đánh trận. Vào các ngày tuần rằm đặc biệt ngày sự lệ hội làng, Đề Thám thường cho quân lính sắm lễ vào dâng hương lễ tạ tại cụm di tích này.

Đình Cao Thượng, xã Cao Thượng (Tân Yên): Đây là một ngôi đình cổ to đẹp lộng lẫy, bề thế nhất vùng Tân Yên. Đồng thời, nơi đây đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử dân tộc. Đặc biệt trong thời gian có phong trào khởi nghĩa Yên Thế, nghĩa quân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo đã có mối liên hệ rất mật thiết với làng Cao Thượng và đình Cao Thượng. Bởi thế, Đề Thám đã cho lập căn cứ ở trên núi Yên Ngựa (thuộc khu vực đình Cao Thượng). Trong năm 1890, thực dân Pháp dò biết ở núi Yên Ngựa có quân của cụ Đề nên đã tổ chức lực lượng tấn công đánh nghĩa quân. Hiện trong di tích vẫn còn rất nhiều vết đạn găm trên các cột cái, xà, kẻ… là bằng chứng xác thực nhất về sự thất bại thảm hại của thực dân Pháp trong những năm 1890 khi mở cuộc tấn công đánh nghĩa quân Yên Thế. Điên cuồng, chúng đốt phá đình, chùa và núi Yên Ngựa. Vì thế, ngôi chùa trăm gian của làng đã bị tiêu huỷ. Ngôi đình Cao Thượng được nhân dân kịp thời đổ ra cứu được nên không bị cháy. Trong thời kỳ hòa hoãn lần thứ 2, Đề Thám đã giúp nhân dân Cao Thượng tu sửa lại đình và dựng ngôi chùa mới trên nền chùa xưa. Những khi có hội lệ lớn tại đình chùa, Đề Thám cùng nghĩa quân đều về tham dự góp vui.

Đình Nội, xã Việt Lập (Tân Yên): Đây là một di tích cổ còn bảo lưu nhiều nét kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Đồng thời, là một địa điểm có mối liên hệ mật thiết với cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Trong những năm cuối thế kỷ XIX, đình đã được vị thủ lĩnh của nghĩa quân Yên Thế - Đề Thám quan tâm, xoay chuyển hướng cho phù hợp. Câu chuyện này được các cụ cao niên kể lại rằng: Đình Nội trước quay về hướng Tây Nam, mái đao chỉ thẳng vào xóm Nội. Dân thấy “góc đao ao đình” là điều không hay khiến dân trong làng thường xuyên lục đục mất đoàn kết. Vì thế, khi Hoàng Hoa Thám cầm quân đánh Pháp, có quan hệ thân thiết với làng Nội. Nghĩa quân thường xuyên qua lại nơi đây họp bàn với các cụ Đốc Tuân (làng Lý); Chánh Hoạch (làng Nội), Tổng Lò (Văn Miếu). Dân làng đã xin cụ Đề Thám chuyển hướng cho. Biết được chuyện đó, Đề Thám với uy tín của mình đứng ra xoay lại hướng đình cho làng Nội. Từ đó, đình xoay về hướng Đông Nam. Cũng sau lần bắn đình này, dân cho xây trước đình 2 toà tả vu, hữu vu và cổng nghi môn bề thế. Nhìn từ xa, đình làng Nội nổi lên sừng sững giữa khung cảnh thiên nhiên đẹp của một làng quê với luỹ tre xanh xanh, với những cây cổ thụ vươn mình trong mưa nắng bên sân đình, cùng hồ sen xanh ngát toả hương thơm mát từ ao đình khiến tình quê càng thêm nồng đượm.

Đình Làng Chuông, thị trấn Nhã Nam (Tân Yên): Là nơi Hoàng Hoa Thám đã tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng, bàn việc tổ chức những trận đánh lớn chống thực dân Pháp xâm lược và tay sai. Làng Chuông còn là nơi sinh ra Dương Văn Truật còn gọi là Đề Hậu - một trong những vị tướng tài giỏi, giữ vai trò chủ chốt trong phong trào khởi nghĩa Yên Thế. Ông có tài bắn cung bách phát - bách trúng khiến bọn giặc Cờ Đen do Ngô Côn cầm đầu và sau này là thực dân Pháp và bè lũ tay sai phải kinh hoàng, khiếp sợ khi nhắc đến tên ông. Khi Lương Văn Nắm (Đề Nắm) - người làng Hả giương cao ngọn cờ khởi nghĩa chống thực dân Pháp, Dương Văn Truật gia nhập nghĩa quân, trở thành một trong những vị tướng giỏi giúp Đề Nắm và sau này là Đề Thám tổ chức nhiều trận đánh, gây cho thực dân Pháp những tổn thất lớn cả về người và của.

Chùa Phố, thị trấn Nhã Nam (Tân Yên): Nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng liên quan mật thiết đến cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Trong những năm cuối thế kỷ XIX, chùa Phố nằm trong khu vực Đồi Phủ - nơi thực dân Pháp sử dụng làm đại bản doanh đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913). Do xây dựng phủ đường ở đây, thực dân Pháp đã cho xây dựng quanh khu vực chùa Phố các công trình như chợ, nhà kho của Sétnay (một đại địa chủ kiêm thầu khoán, chủ bút báo Tương lai xứ Bắc Kỳ), khu nhà của đốc tờ Zina và bãi tập của binh lính Pháp, Việt ở bên cạnh… Khu vực này cũng là nơi tập kết binh lính Pháp trước khi đánh vào làng Sặt (1889), Cao Thượng (1890), Hố Chuối (1890-1891), phòng tuyến sông Sỏi (1892), Phồn Xương (1894 và 1909), nơi chứng kiến nhiều lần gặp gỡ giữa nghĩa quân Yên Thế với Pháp.

Đền Gốc Khế, xã Nhã Nam (Tân Yên): Nơi hoạt động của một số tướng lĩnh chủ chốt trong phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế, họ là: Đề Công (Tạ Văn Công), Đề Nguyên (Tạ Văn Nguyên), Đề Cần (Tạ Văn Cần), Thống Ngò (Tạ Văn Khấu), Quản Khối (Giáp Văn Khối)....

Đền thờ Cả Trọng (đền Gốc Dẻ), xã Nhã Nam (Tân Yên): Đây là ngôi đền đầu tiên thờ Cả Trọng (tức Hoàng Đức Trọng - con trai cả của người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám đã anh dũng hi sinh trong phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế). Bởi thế nơi này đã trở thành nơi tưởng niệm và giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng của cha ông ta chống giặc ngoại xâm.

Đồi Phủ, xã Nhã Nam (Tân Yên): Nơi đặt đại bản doanh của thực dân Pháp và của chính quyền phong kiến nhằm tiến đánhnghĩa quân.

Nghĩa địa Pháp, xã Nhã Nam (Tân Yên): Nơi chôn cất các sĩ quân, binh lính Pháp, Việt chết trong các trận đánh với nghĩa quân Yên Thế…

Ao Chấn Ký, thị trấn Nhã Nam (Tân Yên): Nơi thực dân Pháp thả cho cốt đầu Hoàng Hoa Thám và hai thủ hạ thân tín của ông sau khi hỏa thiêu. Sự ra đi của Hoàng Hoa Thám đã khép lại cuộc khởi nghĩa nông dân võ trang vĩ đại nhất trong lịch sử chống Pháp của dân tộc ta. Hoàng Hoa Thám mất đi cũng là lúc phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế chấm dứt, nhưng sức ảnh hưởng to lớn của nó đã góp phần cổ vũ mạnh mẽ tinh thần yêu nước của nhân dân ta, bồi đắp thêm cho chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, đặc biệt góp phần thúc đẩy những nhà yêu nước, nhất là lớp thanh niên trí thức có khuynh hướng chọn lựa một con đường cứu nước mới đáp ứng sứ mệnh lịch sử dân tộc và thời đại.

Hơn một thế kỷ đã trôi qua, hình ảnh vị thủ lĩnh kiên cường Hoàng Hoa Thám vẫn còn in sâu trong trí nhớ của mỗi người con đất Việt, cùng với đó là hệ thống các di tích lịch sử gắn liền với phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế vẫn còn lưu giữ trên quê hương Bắc Giang rất đậm nét. Những di tích ấy chính là nơi bao bọc, che chở và chứng kiến những sự kiện lịch sử hào hùng gắn liền với tên tuổi Hoàng Hoa Thám trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Với những vai trò to lớn của cuộc khởi nghĩa Yên Thế và giá trị của hệ thống di tích có liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 công nhận Di tích lịch sử Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây là một niềm vinh dự, tự hào lớn của nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang. Đồng thời, đó cũng là một sự tri ân của Đảng, nhà nước ta đối với vị anh hùng dân tộc đã hy sinh để ngày nay con cháu được sống trong hòa bình. Trước danh hiệu vinh dự đó, các thế hệ hậu sinh phải suy nghĩ và có trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị của hệ thống di tích lịch sử này tồn tại mãi với non sông đất nước Việt Nam./.

Trung bình (0 Bình chọn)