Gắn biển công trình Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chào mừng Đại hội XII của Đảng

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 18/01, Đảng ủy Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đã tổ chức Lễ gắn biển công trình Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chào mừng Đại hội Đại biểu lần thứ XII của Đảng.
 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Bùi Văn Cường
trồng cây lưu niệm.

Đến dự có các đồng chí:  Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bùi Văn Cường, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.

Báo cáo tại buổi Lễ, Chủ tịch VIDIFI Đào Văn Chiến cho biết: Công trình Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng chiều dài toàn tuyến 105,5 km. Dự án được khởi công từ tháng 5/2008, sau một thời gian xây dựng, dự án hoàn thành và thông xe toàn tuyến vào ngày 5/12/2015; tổng mức đầu tư 45.487 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD), từ nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển Việt Nam, do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam làm chủ đầu tư.

Ðây là cao tốc đầu tiên của Việt Nam xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội xuống Hải Phòng chỉ còn khoảng 1,5 giờ thay vì 2,5 giờ như trước đây. Khởi đầu từ nút giao nằm trên đường Vành đai 3, gần mố bắc Cầu Thanh Trì, đi qua Hưng Yên, Hải Dương và kết thúc tại cảng Đình Vũ của Thành phố Hải Phòng. Vận tốc thiết kế 120km/h, mặt đường rộng 33m, có 6 làn xe chính và 2 làn dừng khẩn cấp với nhiều trang thiết bị công nghệ mới hiện đại. Trên tuyến có 39 vị trí giao cắt là cầu vượt hoặc hầm chui, 106 cống dân sinh và 164 km đường gom hai bên để kết nối các đường dân sinh địa phương. 9 cầu lớn vượt sông với tổng chiều dài 4,5 km, trong đó có cầu Lạch Tray dài 1,2km, cầu Thái Bình dài 822 m, cầu Thanh An dài 963m. Cao tốc đi qua 4 khu vực dân cư có bố trí hệ thống cách âm để giảm tiếng ồn.

Lễ gắn biển công trình chào mừng Đại hội XII

Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng không chỉ nhằm giải tỏa ách tắc cho Quốc lộ 5 mà còn tạo nên một trục giao thông quan trọng nối liền vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ; kết nối Thủ đô Hà Nội với cảng biển lớn nhất phía Bắc, sân bay quốc tế Cát Bi, thành phố Hạ Long và vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Bên cạnh đó, tuyến đường này cùng với các cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên góp phần hiện đại hóa hạ tầng giao thông phía Bắc./.

Trung bình (0 Bình chọn)