Kinh nghiệm từ Đại hội điểm đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2015-2020: Chuẩn bị kỹ báo cáo chính trị và nhân sự cấp ủy

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Đến thời điểm này, việc tổ chức đại hội điểm đảng bộ cấp cơ sở trong Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành. Đồng chí Ngô Văn Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy trao đổi với phóng viên về kết quả cũng như kinh nghiệm rút ra từ đại hội điểm.


 

Đảng viên Đảng bộ Ngân hàng Công thương  chi nhánh Bắc Giang bỏ phiếu bầu BCH Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020.

Xin đồng chí cho biết kết quả nổi bật trong chỉ đạo và tổ chức đại hội điểm đảng bộ cấp cơ sở?

Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 72-KH/TU ngày 4-8-2014 của Tỉnh uỷ về đại hội đảng bộ các cấp trong Đảng bộ tỉnh tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng, các huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ đã xây dựng kế hoạch đại hội cấp mình, triển khai đến các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. 

Theo đó, các đơn vị lựa chọn 19 chi, đảng bộ cơ sở đại diện cho các loại hình tổ chức cơ sở đảng để tổ chức đại hội điểm. Trong đó, 8 chi, đảng bộ tiến hành đại hội điểm, 11 đảng bộ đại hội điểm đồng thời thí điểm đại hội trực tiếp bầu ban thường vụ (BTV), bí thư, phó bí thư cấp ủy.

Trong quá trình chỉ đạo, BTV cấp uỷ cấp huyện thành lập và phân công các tổ công tác bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tập trung giải quyết các vấn đề phát sinh. Các tổ công tác thẩm định, duyệt báo cáo chính trị, danh sách nhân sự dự kiến tham gia ban chấp hành (BCH), BTV, bí thư, phó bí thư cấp ủy bảo đảm thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức của Đảng, phát huy dân chủ, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng trước đại hội. 

Kết quả nổi bật trong chỉ đạo và tổ chức đại hội điểm cấp cơ sở là các đảng bộ có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về báo cáo chính trị trình tại đại hội, thực hiện đầy đủ các bước trong quy trình công tác nhân sự để đề cử tại đại hội bảo đảm dân chủ, khách quan. Do vậy, kết quả bầu cử cấp uỷ, BTV, bí thư, phó bí thư ở các đơn vị đều bầu một lần đủ số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn, độ tuổi theo quy định; chất lượng nâng lên so với nhiệm kỳ trước.

Công tác chuẩn bị nhân sự và văn kiện là hai nội dung quan trọng tại các đại hội. Theo đồng chí, dấu ấn của cấp ủy tại những chi, đảng bộ tổ chức đại hội điểm được thể hiện như thế nào?

Qua theo dõi, nắm bắt ở những đại hội điểm, cấp ủy đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng. Đảng uỷ cơ sở đã xây dựng đề án và phương án nhân sự cấp uỷ, BTV, bí thư, phó bí thư cấp uỷ; tổ chức hội nghị thảo luận, thống nhất về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, biểu quyết bằng phiếu kín danh sách các đồng chí dự kiến tham gia cấp uỷ, BTV khoá mới... Danh sách nhân sự dự kiến tham gia BCH, BTV bảo đảm có số dư 10- 15% theo quy định. Nhìn chung, quy trình nhân sự thực hiện đúng hướng dẫn.


 Đảng viên Đảng bộ xã Đồng Tâm (Yên Thế) biểu quyết thông qua nghị quyết Đại hội.

Trong công tác chuẩn bị văn kiện, các đảng bộ cơ sở được chọn đại hội điểm đã thành lập tiểu ban văn kiện do đồng chí phó bí thư thường trực hoặc thường trực đảng uỷ làm trưởng tiểu ban, giúp cấp uỷ xây dựng dự thảo báo cáo trình đại hội. Báo cáo được đảng uỷ thảo luận, sửa đổi, bổ sung từ hai đến ba lần. 

Dự thảo được gửi đến các chi bộ để tham gia đóng góp ý kiến, đồng thời lấy ý kiến đóng góp của các ban, ngành huyện và các tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, báo cáo chính trị trình tại đại hội cơ bản có chất lượng, đánh giá đúng những kết quả của đảng bộ trong nhiệm kỳ qua, chỉ ra những thiếu sót khuyết điểm và nguyên nhân; xác định rõ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp nhiệm kỳ tới, phù hợp với thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Sau đại hội điểm, theo đồng chí có những bài học kinh nghiệm gì để tiếp tục chỉ đạo tổ chức đại hội đảng bộ các cấp?

Từ đại hội điểm còn một số vấn đề cần quan tâm. Ở khâu kiểm phiếu có nơi lúng túng do cán bộ chuyên môn chưa nắm chắc kỹ thuật khiến thời gian đại hội kéo dài. Bởi vậy, cấp uỷ cấp trên cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát hơn nữa đến các khâu chuẩn bị đại hội của các chi, đảng bộ trực thuộc; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, bố trí làm thử để rút kinh nghiệm.  

Kinh nghiệm cho thấy, để thực hiện tốt đại hội đảng bộ cấp cơ sở, cấp uỷ cơ sở phải tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các kế hoạch, hướng dẫn của T.Ư và cấp uỷ cấp trên; chủ động xây dựng kế hoạch, biện pháp thực hiện sát với thực tế. Tuân thủ đúng các bước của quy trình nhân sự, bảo đảm dân chủ, khách quan; thường xuyên lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Ở những nơi có khó khăn cần mở rộng quy trình lấy phiếu tín nhiệm cấp uỷ khoá mới tới đảng viên trong đảng bộ. Trước khi tổ chức đại hội tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề phát sinh. Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của các tổ công tác chỉ đạo đại hội của cấp uỷ cấp trên; gắn trách nhiệm của đồng chí uỷ viên BTV, cấp uỷ viên phụ trách đơn vị trong công tác chuẩn bị đại hội... 

Bên cạnh đó, các thành viên đoàn chủ tịch phải là những cán bộ, đảng viên có uy tín, năng lực, nắm vững Điều lệ Đảng, Quy chế bầu cử trong Đảng và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đại hội; có khả năng diễn đạt và  xử lý các tình huống diễn ra trong đại hội. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí trong đoàn chủ tịch (bằng văn bản), tránh "nói vo" làm kéo dài thời gian đại hội. Đoàn chủ tịch tập trung gợi mở, định hướng thảo luận đúng trọng tâm, đi sâu bàn giải pháp, biện pháp thực hiện phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới. 

Tăng cường tuyên truyền phục vụ đại hội, tạo sự đồng thuận và không khí phấn khởi trong đảng bộ và nhân dân. Sau đại hội, BCH đảng bộ cần xây dựng quy chế làm việc, phân công trách nhiệm cho từng cá nhân cấp uỷ viên, tập trung lãnh đạo thực hiện tốt nghị quyết đại hội và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị 

Xin cảm ơn đồng chí!

Trung bình (0 Bình chọn)