Nghề làm bún Đa Mai

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trong khi nhiều làng nghề thủ công truyền thống đang phải đối mặt với nguy cơ mai một bởi khó khăn về đầu ra sản phẩm thì nghề làm bún tại phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang lại ngày càng phát triển, tạo thu nhập ổn định và đem lại cuộc sống khấm khá cho nhiều hộ dân.
Sản phẩm bún Đa Mai nổi tiếng từ lâu đời.

Sản phẩm bún Đa Mai nổi tiếng từ lâu đời và ngày càng phát triển với chất lượng cao. Sợi bún Đa Mai dẻo, ăn mát, để cả ngày không chua lại trắng muốt như bột lọc. Bún Đa Mai có 4 sản phẩm chính, đó là bún rối, bún vẩy ốc, bún con ba, bún vẩy (còn gọi là bún lá). Bún vẩy ốc và bún con ba thường chỉ được chế biến khi dân làng có hội hè hoặc có người đặt riêng. Bún rối và bún lá thì là những sản phẩm luôn được chế biến và tiêu thụ hàng ngày. 

Từ sản phẩm bún có thể chế biến ra nhiều món ẩm thực vô cùng hấp dẫn, nổi bật là món bún chả.

Nghề làm bún ở Đa Mai xuất hiện tương đối sớm (khoảng 400 năm), là một trong bốn làng nghề làm bún cổ xưa của miền Bắc. Làm bún là một nghề công phu và cũng vô cùng nặng nhọc. Để làm ra một sản phẩm bún đã khó, nhưng để có một sản phẩm bún đạt tiêu chuẩn và có chỗ đứng trong thị trường như bún Đa Mai thì người làm bún phải đầu tư nhiều công sức, trí tuệ, sự kiên trì và đôi bàn tay vô cùng khéo léo.

Quy trình làm bún trải qua nhiều công đoạn: Gạo đem ngâm với nước ủ chua từ 2-3 ngày sau đó đem xay hoặc nghiền thành bột nhỏ mịn rồi đem lọc tách nước. Bột mịn được vo viên thành từng quả to vừa phải rồi cho vào nồi luộc chín tới 1/4 quả, sau đó cho vào cối giã để tạo độ dẻo. Quả bún lấy ra cho vào chậu sành nhào thật kỹ, rồi lại đem lượt và chỉ lấy phần bột nhuyễn cho vào khuôn ép thành sợi bún. Hiện Đa Mai có 220 hộ làm bún, mỗi ngày sản xuất ra khoảng 7 tấn.

Nghề làm bún và sản phẩm bún đã trở thành niềm tự hào của người dân Đa Mai.

Để gìn giữ, phát huy tôn vinh nghề quí báu này, đã từ lâu, cứ vào ngày 9 tháng 9 âm lịch, dân làng lại tổ chức hội thi bún tại đình làng. Bún được giải là bún dẻo, trắng, bóng mượt, không có vị chua. Giải thưởng thì không trọng về vật chất, mà chỉ lấy tiếng. Thi để động viên khuyến khích những gia đình làm bún giỏi, đồng thời cũng nhắc nhở những gia đình nào làm chưa tốt thì phải phấn đấu làm tốt hơn, để giữ tiếng “bún Đa Mai”. Suốt thời kỳ 2 cuộc kháng chiến và những năm sau đó, do nhiều nguyên nhân mà cuộc thi bún không còn được tiếp tục tổ chức nữa, mãi đến năm 1999, nhân dịp xã đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân thì cuộc thi bún mới được tái hiện.

Nghề làm bún và sản phẩm bún đã trở thành niềm tự hào của người dân Đa Mai. Đời sống kinh tế của người dân nơi đây thay đổi và ngày càng khấm khá hơn cũng là nhờ nghề và sản phẩm bún. Hiện nay, bún Đa Mai có chỗ đứng khá vững trên thị trường, không chỉ cung cấp sản phẩm cho địa bàn thành phố Bắc Giang, mà còn còn có mặt ở nhiều nơi khác trong và ngoài tỉnh. Với văn hóa ẩm thực xứ Bắc, không thể không kể đến bún Đa Mai./.

BGP

Trung bình (0 Bình chọn)