Nghị quyết số 130-NQ/TU ngày 16/8/2016 về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2020

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang vừa ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, năng suất tăng từ 20-30%, giá trị gia tăng tăng 20-30% so với năm 2016.
Tập trung lựa chọn, đưa các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.
Ảnh: BGP/Hải Huyền.

Để thực hiện được mục tiêu, tỉnh sẽ lựa chọn công nghệ phù hợp với từng ngành sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó chú trọng khâu chọn, tạo và nhân giống cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn lựa chọn công nghệ, thiết bị; xây dựng các quy trình canh tác, quy trình nuôi, các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Về trồng trọt, tập trung lựa chọn, đưa các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ, kỹ thuật hạt nhân để tạo ra và đưa vào sản xuất các giống mới đột biến giá trị cao đối với cây trồng chủ lực của địa phương; thực hiện cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch; áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến (VietGAP, GlobalGAP,...) và công nghệ canh tác sạch.

Về chăn nuôi, quan tâm ứng dụng công nghệ cao trong tuyển chọn, lai tạo giống vật nuôi, nghiên cứu nhập khẩu giống mới có năng suất, chất lượng cao; phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, bán công nghiệp, công nghiệp gắn với giết mổ tập trung; áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến (VietGAP,...) và tự động hóa trong khâu chăm sóc.

Về thủy sản, nâng cao chất lượng giống thủy sản; mở rộng các vùng thủy sản tập trung, nuôi thâm canh, áp dụng quy trình VietGAP; tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh.

Cùng đó, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách kích cầu đầu tư của Nhà nước vào nông nghiệp gắn với thúc đẩy ứng dụng công cao vào sản xuất nông nghiệp. Xây dựng một số chương trình tín dụng phù hợp phục vụ sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao để tạo điều kiện cho hộ nông dân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, nhất là đối với lĩnh vực, cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh, ưu tiên mô hình có liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất, chế biến với nông dân đầu tư theo quy hoạch.

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, có chính sách phù hợp để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là đầu tư xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Có cơ chế khuyến khích nông dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất phù hợp với điều kiện và khả năng; ưu tiên hỗ trợ mở rộng các mô hình trang trại, gia trại. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các hình thức hợp tác, liên kết trong tổ chức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất an toàn. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cao; tăng cường tổng kết kinh nghiệm sản xuất ở địa phương; chủ động hợp tác quốc tế để chọn giải pháp công nghệ có hiệu quả. Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước đối với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, xây dựng liên kết chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

* Xem chi tiết Nghị quyết tại đây./.

Trung bình (0 Bình chọn)