Tài nguyên du lịch

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Bắc Giang thuộc vùng đất Kinh Bắc xưa, nơi lưu giữ những truyền thống văn hóa đậm nét, đa dạng và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đây là tiền đề quan trọng để tỉnh phát triển du lịch.
Cao nguyên Đồng Cao (huyện Sơn Động).

Bắc Giang có địa hình với sự kết hợp giữa vùng đồng bằng và vùng núi cao, tạo nên những cảnh quan núi rừng trù phú, những đỉnh núi hiểm trở, thác nước cùng những thảm động thực vật phong phú như: Khu danh thắng Tây Yên Tử, rừng nguyên sinh Khe Rỗ, suối Nước Vàng, cao nguyên Đồng Cao, khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn, dãy núi Nham Biền,…

Tỉnh có hơn 2.300 di tích, trong đó có 746 di tích đã được xếp hạng, nổi bật như: Thành cổ Xương Giang (TP Bắc Giang); Khu di tích khởi nghĩa Yên Thế (huyện Yên Thế); Khu di tích cách mạng ATK II (huyện Hiệp Hòa); chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng); đình, chùa Thổ Hà và điểm du lịch chùa Bổ Đà (thị xã Việt Yên); đình, chùa Tiên Lục và cây Dã hương nghìn năm tuổi (huyện Lạng Giang)…

Bắc Giang cũng có nhiều làng nghề truyền thống được lưu giữ, bảo tồn và phát triển đến ngày nay, trong đó phải kể đến: Làng bánh đa Thổ Hà (thị xã Việt Yên), gốm làng Ngòi, làng bánh đa Kế, làng bún Đa Mai (TP Bắc Giang)…

Ngoài ra, Bắc Giang còn được biết đến với các di sản văn hóa phi vật thể với 18 làng quan họ cổ, ca trù, hát then và nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số... Có thể nói, đây là những tiền đề quan trọng để Bắc Giang phát triển du lịch, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch sẵn có, góp phần làm giàu thêm giá trị văn hóa của vùng đất Kinh Bắc xưa.

Liền anh, liền chị hát quan họ tại lễ hội chùa Bổ Đà (thị xã Việt Yên).

Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tỉnh Bắc Giang định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tỉnh chú trọng liên kết du lịch và các ngành kinh tế khác tạo chuỗi giá trị cho sản phẩm du lịch địa phương.

Từ định hướng đó, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, hình thành một số khu du lịch, dịch vụ tổng hợp cấp tỉnh, có quy mô lớn, tạo sức lan tỏa trở thành khu du lịch quốc gia. Đồng thời, xây dựng thương hiệu du lịch Bắc Giang là điểm đến hấp dẫn của khu vực Trung du miền núi phía Bắc. Phấn đấu đến năm 2025 đón được ít nhất 3 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 3 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 6 nghìn lao động.

Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế quan trọng và phát triển bền vững; phấn đấu đón được 7,5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 7,5 nghìn tỷ đồng, tạo ra khoảng 10 nghìn việc làm cho người lao động.

Chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng).

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh đưa ra định hướng phát triển 5 không gian du lịch gồm: Không gian du lịch Tây Yên Tử (huyện Sơn Động, huyện Lục Nam - khu vực phía Đông Nam của tỉnh); không gian du lịch gắn với Khởi nghĩa Yên Thế (huyện Yên Thế, huyện Tân Yên - khu vực phía Tây Bắc của tỉnh); không gian dịch vụ du lịch, thể thao, vui chơi giải trí (TP. Bắc Giang, huyện Yên Dũng, thị xã Việt Yên - khu vực trung tâm và phía Nam của tỉnh); không gian du lịch sinh thái nông nghiệp (huyện Lục Ngạn, huyện Lục Nam - khu vực phía Đông Bắc của tỉnh); không gian văn hóa Quan họ (thị xã Việt Yên, huyện Hiệp Hòa - khu vực Tây Nam của tỉnh).

Tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, giai đoạn 2023-2030. Đặc biệt, phát triển du lịch nông nghiệp thông qua các hoạt động tham quan, trải nghiệm tại vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái Farm tại các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế…Với gần 28.000 ha cây ăn quả các loại, cùng cảnh quan thiên nhiên đẹp và những điểm du lịch hấp dẫn như: hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, chùa Am Vãi… Lục Ngạn là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng của tỉnh.

Khách du lịch trải nghiệm vườn cây ăn quả tại Lục Ngạn.

Trong Đề án phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2022 - 2030, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng, phát triển 02 mô hình du lịch cộng đồng thí điểm của huyện Lục Ngạn, bao gồm: Điểm du lịch sinh thái Đồng Dao và điểm du lịch bản Bắc Hoa - nhà trình tường dân tộc Nùng (huyện Lục Ngạn); đồng thời, tiếp tục nhân rộng, đầu tư nhiều hơn tại các địa phương khác trong tỉnh. Qua đó, hình thành các tuyến du lịch tham quan, trải nghiệm tại các vùng cây ăn quả, nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng tài nguyên du lịch địa phương, tạo sản phẩm du lịch mới, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ và tiện ích phục vụ lợi ích công cộng, góp phần thu hút người dân và du khách đến tham quan vui chơi, giải trí, du lịch trải nghiệm.

Cùng với phát triển du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng có 12 khu, điểm du lịch được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh và điểm du lịch, gồm: Chùa Bổ Đà, điểm du lịch sinh thái Trường Đại học Nông - Lâm (Việt Yên); chùa Vĩnh Nghiêm, điểm du lịch Sân golf dịch vụ (Yên Dũng); khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, điểm du lịch cộng đồng bản Ven (Yên Thế); khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam); di tích lịch sử Chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang); cụm di tích cây dã hương, đình, đền chùa xã Tiên Lục (Lạng Giang); điểm du lịch Làng Văn hóa Đông Bắc (Lục Ngạn); điểm du lịch Vạn Hoa Hồ Va (huyện Lục Nam).

Điểm du lịch cộng đồng bản Ven (Yên Thế).

Số lượng khách du lịch đến Bắc Giang ngày một tăng. Riêng trong quý I/2024, lượng khách du lịch đến Bắc Giang tăng mạnh, ước đạt 1,4 triệu lượt, đạt 60% kế hoạch năm 2024. Các điểm đón khách đông, tiêu biểu như: Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, Khu di tích Khởi nghĩa Yên Thế, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn, các điểm du lịch: Bầu Tiên (huyện Lục Ngạn), Bản Ven (huyện Yên Thế), Vạn Hoa Hồ Va (huyện Lục Nam)…

Có thể thấy, tiềm năng du lịch của Bắc Giang còn rất lớn, tuy nhiên đến nay nhiều khu, điểm du lịch của tỉnh vẫn còn tiềm ẩn, cần được đánh thức và phát triển. Để tiếp tục phát triển du lịch, từ nay đến năm 2030, tỉnh Bắc Giang tập trung huy động nguồn lực triển khai đầu tư, nâng cấp, mở rộng các mô hình du lịch cộng đồng kết hợp với du lịch văn hóa, lịch sử tâm linh; du lịch trang trại nông nghiệp, sinh thái, trải nghiệm; du lịch ẩm thực, mua sắm; du lịch chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Qua đó, quảng bá rộng rãi các sản phẩm du lịch cộng đồng của tỉnh, thông qua sử dụng công nghệ số trong du lịch.

Từ những định hướng đúng đắn và kịp thời của tỉnh, thời gian tới, ngành du lịch Bắc Giang sẽ tiếp tục phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế - xã hội của địa phương./.

Nguyễn Miền

Trung bình (0 Bình chọn)