Bắc Giang: Các doanh nghiệp bứt phá sau đại dịch Covid-19

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Để không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, ngay sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, tỉnh Bắc Giang đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo Hỗ trợ khôi phục hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại để hỗ trợ các doanh nghiệp tập trung nguồn lực, kích hoạt lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, sẵn sàng bứt phá lấy lại tốc độ tăng trưởng.
Các doanh nghiệp đang tập trung mở rộng thị trường, quy mô, tăng thêm số lượng đơn hàng xuất khẩu.
Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Từ đầu tháng 5/2021, khi Bắc Giang là tâm dịch lớn nhất của cả nước, lây lan trong các khu công nghiệp (KCN) với tốc độ rất nhanh. Tỉnh đã phải tạm dừng hoạt động 04 KCN, thực hiện giãn cách và cách ly xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ đối với 06 huyện và một số xã, phường, thị trấn. Hàng loạt các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị gián đoạn, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Song sau 2 tháng dồn lực cho công tác phòng, chống dịch, từ ngày 01/7, Bắc Giang đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, tiếp tục duy trì thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển KT-XH, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh.

Để thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế, nhất là hoạt động sản xuất công nghiệp, tỉnh đã chủ động đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đăng ký hoạt động trở lại và cam kết đảm bảo các yêu cầu về công tác phòng, chống dịch; một số doanh nghiệp xuất khẩu cũng đã tập trung mở rộng thị trường, quy mô, tăng thêm số lượng đơn hàng, nhất là ở các công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong các khu, cụm công nghiệp.

Giám đốc Sở Công Thương Trần Quang Tấn thông tin về tình hình khôi phục sản xuất kinh doanh
tại Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa XIX. Ảnh: BGP

Ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hiện nay, dịch Covid-19 cơ bản khống chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, chúng ta không thể chủ quan bởi dịch bệnh vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, đồng hành cùng các doanh nghiệp lúc này chính là giải pháp hữu ích để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, tăng giá trị xuất khẩu.

Sở Công Thương cũng thường xuyên trao đổi, nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết khó khăn cho các đơn vị. Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực Logistics, thương mại điện tử và cử cán bộ thường trực hỗ trợ gỡ vướng về thủ tục hành chính xuất nhập khẩu và chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Cùng đó, Sở đã chủ động dự báo tình hình thị trường hàng hóa, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết trong Hiệp định thương mại tự do (FTA) để doanh nghiệp nắm bắt có định hướng sản xuất phù hợp.

Chi cục Hải quan quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cũng thực hiện 100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan trên dịch vụ công trực tuyến để tiếp nhận giải quyết hồ sơ về hoạt động xuất nhập khẩu. Các ngân hàng thương mại, thuế hỗ trợ vay vốn, giảm giãn thu thuế cho doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn - Trưởng Ban chỉ đạo Hỗ trợ khôi phục hoạt động sản xuất công nghiệp,
kinh doanh thương mại kiểm tra tình hình sản xuất tại các doanh nghiệp. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn cho biết hiện nay phần đông doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ và là doanh nghiệp địa phương. Do đó tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Hỗ trợ khôi phục hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại nhằm tích cực hỗ trợ, quan tâm đặc biệt đến việc nối lại hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng đến việc tháo gỡ khó khăn về lao động; hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ nhà trọ, nơi lưu trú đủ điều kiện hoạt động đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch… Các  thành viên trong Ban Chỉ đạo thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại các doanh nghiệp.

Việc hỗ trợ của các thành viên trong Ban Chỉ đạo đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, đồng thời cũng thể hiện sự năng động, thân thiện của các cấp chính quyền địa phương tỉnh Bắc Giang sẵn sàng đồng hành kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Qua đó cũng tiếp tục khẳng định Bắc Giang là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Những tín hiệu khả quan

Năm 2021, Bắc Giang đặt mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 14,8 tỷ USD, tăng 32,2% so với năm 2020. Bên cạnh điểm sáng về công tác phòng chống dịch, tỉnh cũng đang có nhiều giải pháp mạnh tay để tích cực thu hút đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”. Đến nay, tại 6 KCN với tổng số 369 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, đạt tỷ lệ 100% với 151.674 lao động (tăng 1.174 lao động so với thời điểm dịch bùng phát).

Đặc biệt, các doanh nghiệp quy mô lớn đang phục hồi sản xuất nhanh, số lao động ở mức tương đương, thậm chí nhiều hơn so thời điểm trước dịch bùng phát điển hình như: Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải hơn 36 nghìn lao động, đạt 110,8%; Tập đoàn Luxshare gần 32 nghìn lao động, đạt 112,1%; Công ty TNHH Crystal Martin khoảng 7,6 nghìn lao động, đạt 86,8%; Công ty TNHH Samkwang Vina là 3,1 nghìn lao động, đạt 177,5%; Công ty TNHH Hosiden Việt Nam (Bắc Giang) gần 3,7  nghìn lao động đạt 68%...

Ông Koh JeongMan - Giám đốc Công ty TNHH HaNa KoVi cho biết dự kiến từ nay đến cuối năm
Công ty sẽ phấn đấu vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra. Ảnh:BGP/Nguyễn Miền

Ông Koh JeongMan - Giám đốc Công ty TNHH HaNa KoVi (Cụm công nghiệp Đồng Đình, Thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên) cho biết, Công ty chuyên sản xuất quần, áo người lớn, trẻ em và mũ vải xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Trong tháng 5 và tháng 6, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hơn 600 lao động thuộc vùng cách ly và giãn cách xã hội tạm thời nghỉ việc để phòng, chống dịch.

Từ khi dịch Covid-19 ổn định, đến nay Công ty đã có 1.800 lao động đi làm lại đầy đủ, Công ty cũng tiếp cận được nhiều đơn hàng hơn từ những doanh nghiệp trên địa bàn huyện Việt Yên chuyển sang. Do đó, tổng doanh thu tháng 7/2021, tăng 20 - 30% so với những tháng trước khi có dịch, đạt 70% kế hoạch năm; dự kiến từ nay đến cuối năm tổng doanh thu của công ty đạt khoảng 18 triệu sản phẩm, vượt kế hoạch đề ra.

Tại Công ty TNHH SeoJin, Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng chuyên sản xuất linh kiện điện tử và cơ khí, lãnh đạo Công ty cho biết, trong tháng 5 và tháng 6 số lượng hàng xuất khẩu rất ít, nhiều đơn hàng bị dừng do đơn vị phải dừng sản xuất trong thời gian dài vì dịch bệnh. Từ ngày 01/7 đến nay, sau khi dịch bệnh ổn định, các đơn hàng của Công ty đã ổn định.

Hiện nay, Công ty có hơn 1,8 nghìn lao động làm việc, đạt hơn 98% so với trước lúc dịch. Giá trị xuất khẩu tháng 7 của Công ty đạt hơn 113 triệu USD, tăng gấp đôi so với tháng 6. Công ty sẽ chấp hành theo đúng quy định phòng, chống dịch của tỉnh, phấn đấu từ nay đến cuối năm bình quân mỗi tháng xuất khẩu khoảng 130 - 150 triệu USD.

Chỉ sau 1 tháng khôi phục (bắt đầu từ ngày 01/7) kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều tăng; giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7 của tỉnh đạt 19.960 tỷ đồng, tăng 109,6% so với tháng trước. Lũy kế 07 tháng đạt 148.580 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ, bằng 43,6% kế hoạch. Một số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cao như: Công ty TNHH Luxshare - ICT, Khu công nghiệp Vân Trung và Công ty TNHH Luxshare - ICT, Khu công nghiệp Quang Châu, Công ty TNHH Vina Solar Technology, Khu công nghiệp Vân Trung… Thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh là Trung Quốc, sau đó đến Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Tây Ban Nha và một số nước khác. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là hàng dệt may, da giày, máy tính, sản phẩm điện tử, thiết bị điện, sản phẩm từ chất dẻo, điện thoại và linh kiện các loại... 

Để tiếp tục giữ đà tăng trưởng như hiện nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn cho biết thêm, cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương rà soát thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ DN về thuế, vay vốn nhất là nội dung theo Nghị quyết số 68 ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Các địa phương, cơ quan chức năng thành lập Tổ an toàn Covid để giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch tại doanh nghiệp. Chi cục Hải quan quản lý các Khu công nghiệp tỉnh tiếp tục tích hợp các dịch vụ công trực tuyến giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu thông quan hàng hóa thuận lợi nhất./.

Nguyễn Miền

Trung bình (0 Bình chọn)