Công ty may Bắc Giang vượt khó đi lên

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Lo đủ việc làm ổn định cho 6.000 công nhân viên vượt qua cơn bão khủng hoảng kinh tế thế giới thành công là thành tích đáng ghi nhận đối với Tổng công ty cổ phần May Bắc Gia

 

Cái tên Công ty May Bắc Giang mà tiền thân là Xí nghiệp May Hà Bắc đối với tôi đã quá cũ và quá quen thuộc. Công ty được thành lập từ tháng 7 năm 1972 của thế kỷ XX, giữa những ngày cả dân tộc ta dồn mọi nguồn lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lúc đầu thành lập chỉ là xí nghiệp may hàng quần áo phục vụ nhu cầu địa phương. Hoà bình lập lại, cùng với sự phát triển của đất nước, sau khi chia tách tỉnh Hà Bắc thành 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh xí nghiệp được đổi thành Công ty trực thuộc Công ty thương mại của tỉnh. Buổi đầu công ty May Bắc Giang có 2 xí nghiệp với 500 công nhân. Do ảnh hưởng của cơ chế bao cấp nhiều năm công ty không được đổi mới trang thiết bị, nhà xưởng; nguyên liệu, vốn thiếu nên hoạt động luôn trong tình trạng cầm chừng. Công nhân không đủ việc làm đời sống khó khăn. Nhiều người bỏ nghề ra làm riêng hoặc xin sang nơi khác. Sự tồn tại của công ty đã nhiều lần đặt lên bàn các ngành, ban và UBND tỉnh với câu hỏi: Có nên để công ty may liên tục làm ăn thua lỗ không ? Cuối cùng vì đời sống của 500 công nhân, những người đã gắn bó, đồng cam cộng khổ cùng xí nghiệp trong những năm chiến tranh, tỉnh vẫn quyết định công ty tồn tại. Nhớ về buổi đầu cam go ấy Giám đốc Nguyễn Hữu Phải tâm sự: Ngày đầu về nhận bàn giao công ty, nhiều nhà xưởng xập xệ, mái tôn mùa hè nóng như ngồi lò hơi, mấy hàng quạt cũ kỹ không đủ sức xua cái nóng cho người thợ mà lòng không khỏi băn khoăn. Bằng kinh nghiệm những năm học và công tác tại Liên Xô cũ, việc đầu tiên anh cùng tập thể chi uỷ sắp xếp lại tổ chức bộ máy gọn nhẹ phù hợp với mô hình kinh doanh trong cơ chế thị trường cạnh tranh, lấy may xuất khẩu làm mục tiêu để từng bước đổi mới, đầu tư máy móc, thiết bị may tiên tiến; giảm lao động gián tiếp từ 7,5% xuống còn 3,3% so tổng số lao động.

Cùng với việc vay vốn và cải tạo nhà xưởng, mua trang thiết bị máy mới, Ban giám đốc Công ty, cấp uỷ chọn một số anh chị em công nhân trẻ, có nhiệt huyết, gắn bó với nghề, có trình độ văn hoá cử đi đào tạo kỹ thuật tại các trường của Trung ương. Đối với những người có tay nghề cao ở công ty được học các lớp bồi dưỡng ngắn hạn để nắm vững kỹ thuật cắt may các sản phẩm xuất khẩu. Cho đến nay, công ty đã có đội ngũ công nhân bậc cao. Cán bộ trung cấp đến đại học chiếm 16,9% trong tổng số 6.000 công nhân hiện có. Bình quân tuổi đời của công nhân, viên chức của công ty là 25,2 tuổi. Từ một công ty già cỗi, sau hơn 10 năm phấn đấu, đổi mới Công ty cổ phần May Bắc Giang đã trở thành doanh nghiệp trẻ trung đầy tiềm năng phát triển. Từ một công ty có 2 xí nghiệp, năm 2005, Công ty đã chuyển đổi thành Tổng Công ty cổ phần May Bắc Giang với 5 phòng chức năng và 8 xí nghiệp thành viên với 6.000 công nhân viên chức. Mỗi năm may Bắc Giang sản xuất từ 3,2 – 3,5 triệu sản phẩm may xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… Nếu so với 10 năm trước đây, tổng sản phẩm hàng hoá xuất khẩu của Tổng Công ty tăng 9 lần, giá trị xuất khẩu tăng 20 lần, tổng doanh thu tăng 6,7 lần, lợi nhuận tăng 14,6 lần, lao động tăng 10,5 lần, thu nhập đầu người bình quân tăng 4,8 lần. Năm 2009 này do ảnh hưởng của cơn bão khủng khoảng kinh tế thế giới, nhưng nhờ tập trung chỉ đạo, mở rộng thị trường, không ngừng cải tiến kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư toàn bộ hệ thống giác mẫu bằng vi tính, đảm bảo độ chính xác cao, giảm 10-12 cán bộ kỹ thuật vẽ mẫu. Mỗi năm tiết kiệm cho Công ty từ 3,5 – 4 triệu mét vải các loại, làm lợi trên 500 triệu đồng/năm. Để nâng cao năng suất lao động công ty đã tổ chức cho cán bộ đi tham quan, học tập quy trình khoán sản phẩm tới người lao động ở những Tổng Công ty may có thứ hạng cao trong nước. Qua học tập bạn, Công ty cùng cán bộ các xí nghiệp, và các phòng ban xây dựng định mức khoán cho từng công đoạn, từng loại sản phẩm. Công ty còn trang bị hệ thống loa truyền thanh cho từng xí nghiệp; thông qua kiểm tra giám đốc xí nghiệp thông báo năng suất lao động của từng tổ, tới từng cá nhân trong từng giờ. Nhờ đó, phong trào thi đua của từng cá nhân đến tổ sản xuất trong xí nghiệp sôi nổi liên tục. Người thợ làm việc hết ca biết ngay số sản phẩm mình làm ra tương ứng với số tiền thu nhập. Công nhân phấn khởi, ý thức làm việc của người thợ được nâng cao. Để nắm vững tiến độ sản xuất hàng ngày Công ty lắp đặt mạng điện thoại nội bộ đến các phòng ban, xí nghiệp. Công ty còn lắp đặt 106 máy vi tính hoà mạng Internet, để cập nhật thông tin, điều hành sản xuất từng ca; thực hiện hạch toán, kế toán trên máy, kịp thời nắm chắc những thông tin kinh tế liên quan trong nước và quốc tế.

Đáp ứng yêu cầu việc làm cho đồng bào miền núi, cùng với việc củng cố 6 xí nghiệp ở thành phố Bắc Giang, năm 2008, Công ty lại đầu tư, khai trương 2 xí nghiệp May xuất khẩu ở huyện miền núi Lục Nam, thu hút gần 2.000 lao động là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi của tỉnh. Ở xí nghiệp May xuất khẩu Lục Nam tôi đã tiếp xúc với các cháu là người dân tộc Tày, Nùng, Sán Dìu, Cao Lan… đủ cả. Các cháu vừa học nghề xong được đưa vào dây chuyền sản xuất ngay. Cháu Lưu Thị Thu dân tộc Sán Dìu ở Lục Nam cho biết: Cháu vào học nghề từ năm 2005, lúc đầu đi học nghề xa nhà nhớ bố mẹ. Bây giờ về làm việc ngay ở quê thích lắm. Cháu bảo tay nghề cháu chưa cao, nhưng mỗi tháng thu nhập 1,2-1,3 triệu đồng bằng 3 tạ thóc, tốt lắm rồi. Bố mẹ vui lắm. Một tháng 1 lao động làm được 3 tạ thóc, so với mặt bằng xã hội là bình thường, nhưng đối với bà con dân tộc thiểu số ở miền núi còn nghèo khó, thì số tiền đó quý vô cùng. Theo chị em lao động thì dù làm may thu nhập không cao như các ngành khác, nhưng giải quyết được nhiều việc làm cho nông thôn “ly nông, bất ly lương” phù hợp với tâm lý người miền núi vùng cao.

Trong buổi làm việc với Ban giám đốc Tổng Công ty may Bắc Giang, khi trả lời về nguyên nhân nào đã giúp doanh nghiệp vượt qua cơn “bão” khủng hoảng kinh tế, giữ vững, ổn định cuộc sống cho 6000 công nhân, Giám đốc Phải trầm ngâm suy nghĩ trả lời: - Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo tôi có ba điều cần quan tâm trước hết. Thứ nhất là giám đốc doanh nghiệp phải phát huy được sức mạnh, sự đoàn kết gương mẫu của tập thể đảng bộ với gần 80 đảng viên. Thứ hai là Công ty phải tạo được lòng tin đối với cán bộ, công nhân viên chức. Họ làm việc hết lòng với công ty ngoài thu nhập họ còn được học tập, tiến bộ. Chính vì lẽ đó từ khi cổ phần đến nay công ty đã cử 237 cán bộ kỹ thuật đi học nâng cao, 78 cán bộ đi học đại học, bổ nhiệm 4 giám đốc điều hành, 18 cán bộ chánh phó xí nghiệp, 186 tổ trưởng sản xuất, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho 2864 công nhân. Mỗi năm đảng bộ kết nạp từ 6-8 quần chúng ưu tú vào Đảng. 10 năm liênn tục đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh. Thứ ba là chăm lo đời sống ăn, ở làm việc cho cán bộ công nhân, tạo cho công nhân viên ý thức coi doanh nghiệp như nhà của mình. Dù còn nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn giành vốn đầu tư xây dựng nhà chung cư kiên cố cho 450 công nhân ở xa. Công ty cũng là doanh nghiệp tiêu biểu thực hiện nghiêm túc việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho công nhân. Trong 5 năm qua công ty đã ủng hộ 4 tỷ đồng cho quỹ “xóa đói giảm nghèo”, của tỉnh.

               Bằng những nỗ lực vượt bậc trong sản xuất kinh doanh, Công ty May Bắc Giang từ bờ vực phá sản trở thành một doanh nghiệp may hàng đầu trong các doanh nghiệp may ở Bắc Giang. Công ty May Bắc Giang không chỉ đứng vững vượt qua khủng hoảng kinh tế mà còn tiếp tục phát triển đi lên. Trong thành tích chung ấy, Giám đốc Nguyễn Hữu Phải đã có đóng góp không nhỏ. Anh đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba./.

Trung bình (0 Bình chọn)