Làng nghề trồng dâu, nuôi tằm

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trải qua hơn 800 năm hình thành và phát triển, mới đây UBND tỉnh đã có Quyết định số 170/QĐ-UBND ngày 02/11/2010 cấp giấy chứng nhận làng nghề truyền thống cho nghề nuôi tằm, ươm tơ của làng Mai Thượng, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa. Việc làm trên, ngoài ý nghĩa tôn vinh nghề truyền thống, còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của mảnh đất giàu truyền thống văn hiến nằm hiền hòa bên dòng sông Cầu

Bãi bồi phù sa ven sông Cầu cho những nương dâu xanh tốt.

 

Làng Mai Thượng, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hoà là một làng cổ. Trong làng, hộ nào không ươm tơ thì cũng trồng dâu, nuôi tằm. Lợi ích kinh tế của nghề này đã được dân gian tổng kết bằng câu: "nuôi lợn cả năm không bằng nuôi tằm một lứa”, bởi nó mang lại 70% thu nhập cho người dân.

 Chăn tằm là một trong những công đoạn then chốt để tạo ra những nong kén có chất lượng 

 

Nghề trồng dâu, nuôi tằm đòi hỏi sự chăm chút chu đáo của người nuôi, như người trong thời kỳ “con mọn” nên chỉ gia đình nào thường xuyên có lao động ở nhà mới làm được nghề này. Trong đó, nuôi tằm là khâu quan trọng nhất, quyết định năng suất, chất lượng sản phẩm tơ, kén, hiệu quả kinh tế của nghề trồng dâu nuôi tằm. Nó đòi hỏi thời gian nghiêm ngặt, quy trình chặt chẽ, lao động nhẹ nhàng và có kỹ thuật cao. Bởi khi tằm trải qua các giai đoạn trưởng thành với 4 thời kỳ ngủ, tằm bắt đầu ăn rỗi. Kinh nghiệm của người nuôi tằm cho rằng, để tằm nhả tơ, đóng kén đều thì thường phải đảm bảo 2h cho tằm ăn một lần sau khi đã hết các thời kỳ ngủ. Một khâu không kém phần quan trọng đó là khi tằm chín vàng, được bắt lên né đóng kén phải thật nhanh tay để tằm tránh khỏi cay mắt. Ở Mai Thượng, người nuôi tằm luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau và được thể hiện rõ nét ở việc chỉ cần gọi một câu là hàng xóm, láng giềng đến bắt né giúp như một sự thỏa thuận bằng miệng, nhà nào cần giúp là giúp ngay. Ngoài ra, khâu cuối cùng để có sản phẩm đạt chất lượng là khi tằm đang đóng kén, người nuôi phải “hong nắng” và “sưng sấy” sao cho kén khô, thơm và khi ươm kén không bị tan, cho sợi tơ vàng óng, thuận lợi cho người ươm tơ. Trồng dâu - nuôi tằm - ươm tơ là sự gắn kết hài hòa, không thể tách rời, tằm vàng chỉ ăn lá dâu và chỉ con tằm ấy mới nhả sợi tơ vàng óng, mềm mại, mát rượi. Điều này, người dân làng Mai Thượng biết rõ hơn ai hết nên đã rất chú trọng đến khâu trồng dâu. Lá dâu phải sạch, không được trồng gần ruộng trồng thuốc lào, ớt hay cây trồng khác mà có hơi mùi thuốc sâu là coi như lá dâu ấy không đảm bảo chất lượng.

Ở Hiệp Hòa, ngoài xã Mai Đình, nghề nuôi tằm ươm tơ còn phát triển ở xã Hợp Thịnh từ lâu đời. Hiện Hợp Thịnh có hơn 1.400 hộ trồng dâu nuôi tằm với khoảng trên 40 ha. Người dân nơi đây không thể nhớ rõ nghề "ăn cơm đứng" này có từ bao giờ. Từng trải qua những thăng trầm, có lúc tưởng chừng mai một, song họ vẫn kiên trì gìn giữ nghề truyền thống của cha ông để lại. Thôn Ninh Tào là nơi có diện tích trồng dâu lớn nhất xã. Hầu như nhà nào trong thôn cũng nuôi tằm, nhà nhiều hàng chục nong, nhà ít thì vài nong. Cùng với thôn Ninh Tào, một số thôn ven sông như Đa Hội, Đồng Đạo, Hương Ninh có bãi bồi bởi phù sa sông Cầu vẫn giữ nghề trồng dâu, nuôi tằm, không chỉ bởi vùng đất ở đây rất thích hợp với cây dâu và mà còn vì nghề này đã đem lại sự no ấm cho nhiều hộ dân ven dòng sông Cầu.

Những nong kén vàng óng cho những vụ mùa bội thu.


Dọc theo từ triền đê sông Cầu trên những bãi bồi phù sa, với những nương dâu xanh mướt, đến đường làng ngõ xóm với những nong kén vàng tươi đã làm nên sự trù phú cho mảnh đất, con người nơi đây. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, mặc dù có rất nhiều nguyên liệu và công nghệ để tạo nên những sản phẩm may mặc nhưng sản phẩm làm từ nguyên liệu tơ tằm vẫn là sản phẩm quý được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Với tiềm năng, thế mạnh của làng nghề, trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, nghề trồng dâu nuôi tằm đang đứng trước cơ hội về mở rộng hợp tác đầu tư sản xuất cho người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước; qua đó, tạo ra sản phẩm độc đáo từ tơ tằm và tăng giá trị cho ngành dệt may Việt Nam; đồng thời nâng cao vị thế làng nghề, tăng thu nhập cho người dân nơi đây, góp phần gìn giữ và phát triển làng nghề theo hướng bền vững./.

Trung bình (0 Bình chọn)