Đệ nhất giáp khoa xuất thân Nguyễn Viết Chất

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Nguyễn Viết Chất - Nhà khoa bảng đầu tiên của Bắc Giang. Năm Thần Vũ thứ 2 (1070), vua Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu ở Thăng Long để tôn thờ Khổng thánh và làm nơi các Hoàng tử đến học. Sau đó 5 năm, niên hiệu Thái Ninh thứ 4, vua Lý Nhân Tông cho tổ chức khoa thi Minh kinh bác sĩ đầu tiên để kén chọn người giỏi văn, thông tỏ kinh sách ra làm quan, phò vua giúp nước.
Ảnh minh họa

Năm 938, nước nhà bước vào kỷ nguyên độc lập, sau sự kiện quân Nam Hán xâm lược bị quân dân nước Việt đánh cho đại bại trên cửa sông Bạch Đằng lịch sử. Ngô Quyền lên ngôi, bắt đầu lập lại kỷ cương cho một đất nước tự chủ, nhưng vận mệnh của bậc vua sáng ngắn ngủi, đất nước chưa kịp ổn định thì ông đã mất. Thế hệ con cháu tranh giành ngôi báu đẩy đất nước vào cuộc nội chiến tương tàn. Nhà Đinh, Tiền Lê về sau cũng do các thiết chế chính trị xã hội không ổn định nên các triều đại chưa có điều kiện quan tâm đến sự nghiệp giáo dục khoa cử. Đến thời Lý, thiết chế nền giáo dục khoa cử của một dân tộc độc lập mới được hình thành và phát triển. Nhà nước đã mở mang việc học tại các chùa và đội ngũ giảng dạy cơ bản là các nhà sư. Sử cũ đã từng ghi việc học hành ở thời kỳ này: Những người trong hoàng tộc hoặc con cháu quan lại đại thừa được học chữ Hán tại nhà hoặc xen cùng các buổi học kinh điển Phật giáo ở chùa chiền do các vị cao tăng truyền dạy.

Năm Thần Vũ thứ 2 (1070), vua Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu ở Thăng Long để tôn thờ Khổng thánh và để cho các Hoàng tử đến học. Năm   Thái Ninh thứ 4, vua Lý Nhân Tông cho tổ chức khoa thi đầu tiên để kén chọn người giỏi văn, thông tỏ kinh sách ra làm quan phò vua giúp nước. Ngoài Văn Miếu, sử cũ không ghi về hệ thống trường học khác ở kinh kỳ và các lộ, châu, nhưng chắc chắn rằng ở chốn thiền lâm, các nhà sư là người trực tiếp tham gia đào tạo, tuyển chọn nguồn Nho sinh ưu tú cho các kỳ thi cao cấp mà thời kỳ đầu nhà Lý khai mở nền khoa cử.

Miền quê Bắc Giang, từ cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII, khoa thi năm Mậu Thìn (?) đã có Nho sinh ưu tú đỗ đại khoa, đó là Nguyễn Viết Chất, người xã Phượng Nhãn, huyện Phượng Sơn (nay thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng) và trở thành danh nhân khai khoa cho nền khoa cử của quê hương Bắc Giang thời phong kiến.

Đến nay, đã có nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá dân tộc nói chung, quê hương Bắc Giang nói riêng để tâm tìm hiểu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Viết Chất, nhưng tư liệu lịch sử văn hóa ghi chép về ông vô cùng ít ỏi. Thậm chí, chính sử nước nhà không thấy dòng nào ghi chép có liên quan đến khoa thi Mậu Thìn (thời Lý ?), hay chút thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân khoa bảng Nguyễn Viết Chất. Chỉ có số ít tài liệu ghi chép về ông trong đăng khoa lục thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn, bi ký và vài cuốn sách được biên soạn ở thế kỷ 20 như: Tam khôi lục, Đại Việt lịch đại đăng khoa, Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, Bia văn chỉ Dĩnh Kế, Bắc Giang địa chí, các nhà khoa bảng Việt Nam 1075- 1919...Căn cứ các tài liệu trên, trong vài năm gần đây, một số tác giả đã trích dịch giới thiệu sơ lược về Nguyễn Viết Chất trong: Địa chí Bắc Giang (tập Từ điển)- 2002, Di sản văn hoá tỉnh Bắc Giang tập II (Truyền thống hiếu học).

Để tiện cho việc tiếp cận các nguồn sử liệu ghi chép về Nguyễn Viết Chất, chúng tôi xin sơ lược giới thiệu (trích, dịch) một số tài liệu liên quan như:

Tam khôi lục (Ghi chép về các vị đỗ Tam khôi): Ghi danh sách 186 người đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa từ khoa Ất Mão, niên hiệu Thái Ninh thứ 4, nhà Lý (1075) đến khoa thi Nhâm thân, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 nhà Lê (1752), trong đó tên 4 vị người quê hương Bắc Giang ngày nay (Nguyễn Viết Chất, Đào Sư Tích, Thân Cảnh Vân, Giáp Hải). Nguyễn Viết Chất được ghi như sau: Năm Trinh Phù 3 (1178) Nguyễn Viết Chất, người Phượng Nhãn, đỗ Nhất giáp Tiến sĩ.

Đại Việt lịch đại đăng khoa, Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, ghi chép tương đối thống nhất với Tam khôi lục. Tuy nhiên, Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục xếp Nguyễn Viết Chất vào phụ đề là Biệt lục (biệt lục là phần soạn giả ghi chép về trường hợp những người còn thiếu cứ liệu, ghi để tham khảo).

Văn chỉ Dĩnh Kế (phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang), còn lưu tấm bia đề danh vị, năm đỗ, chức quan của các vị Nho học đỗ Đại khoa của 2 huyện: Bảo Lộc, Phượng Nhãn, phủ Lạng Giang thời phong kiến. Bia không khắc ghi tiêu đề, lạc khoản nhưng căn cứ vào phong cách tạo tác, trang trí chúng tôi xác định bia được soạn khắc vào khoảng cuối thế kỷ 19 (triều Nguyễn). Trong số 8 vị đại khoa có 6 vị người huyện Phượng Nhãn, 2 người huyện Bảo Lộc. Xin được trích phần dịch nghĩa ghi về Nguyễn Viết Chất: “Nguyễn  tiên sinh, tự Viết Chất, người Phượng Nhãn, đỗ Thái học sinh đệ nhất giáp, khoa Mậu thìn, niên hiệu Trinh Kiền thứ 3 (? ) nhà Lý ”.

Khi tìm hiểu về danh nhân khoa bảng Nguyễn Viết Chất, nhiều nhà nghiên cứu đã đặt vấn đề: Tại sao ngay từ những năm cuối thế kỷ 11, đầu thế kỷ 12 miền quê xa xôi chốn Kinh kỳ như Phượng Nhãn đã có người đỗ đại khoa? Người đỗ đại khoa khi đó phải là những người thông tỏ kinh sách thánh hiền, vậy Nguyễn Viết Chất được học tập trau dồi tri thức Hán học ở đâu? Ai là người thầy đã dạy truyền thụ kiến thức cho Nguyễn Viết Chất? Và rất nhiều vấn đề khác nữa như: Thân thế, sự nghiệp, những đóng góp của ông với đời...vẫn chưa được làm sáng tỏ và có lẽ hậu thế không thể làm được điều đó, bởi bụi thời gian gần nghìn năm lịch sử đã xoá nhoà nhiều thông tin, tư liệu về cuộc đời ông.

Như chúng ta đã biết, thế kỷ X - XII, để tạo sức mạnh chống thù trong giặc ngoài, vương triều Lý đã thực hiện chính sách “cơ mi” nhằm củng cố tình đoàn kết dân tộc, nhà Lý đã gả các công chúa cho các Tù trưởng miền biên ải, trong đó có các tù trưởng Lạng châu (vùng Bắc Giang và miền hạ đất Lạng Sơn ngày nay). Sử cũ đã ghi chép về ba đời Tù trưởng họ Giáp (sau đổi sang họ Thân) quê ở Động Giáp, châu Lạng được vua Lý kén làm Phò mã (Giáp Thừa Quý, Thân Thiệu Thái, Thân Cảnh Phúc). Các công chúa khi sống cùng các Tù trưởng đã đem văn hoá miền kinh kỳ giao thoa cùng văn hoá bản địa. Chính vì thế, trên vùng đất ven bờ sông Lục (Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Dũng ngày nay) còn nhiều dấu tích các ngôi chùa cổ thời Lý như: Chùa Bạch Vân (Phượng Sơn - Lục Ngạn), chùa Nhạn Tháp, chùa Cao, chùa Tòng Lệnh ( Lục Nam), chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng). Với sự xuất hiện các đại danh lam cổ tự ở đôi bờ sông Lục do nhà Lý xây dựng đã thu hút nhiều vị cao tăng đến trụ trì. Họ là những người thầy đảm nhận việc dạy chữ Hán kết hợp với việc tuyên truyền giáo lý, kinh điển nhà Phật và tư tưởng Nho giáo cho sĩ tử đương thời. Và chắc hẳn Nguyễn Viết Chất đã được luyện rèn, trau dồi tri thức từ những ngôi trường của những chốn Thiền lâm nói trên./.

 

Trung bình (0 Bình chọn)