Tổng quan về Bắc Giang

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Bắc Giang thuộc khu vực Đông Bắc Việt Nam, nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (thuộc Hành lang xuyên Á Nam Ninh - Singapore), tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên; liền kề “Tam giác kinh tế phát triển” Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Thành phố Bắc Giang là trung tâm hành chính của tỉnh Bắc Giang.

Bắc Giang có diện tích tự nhiên là 3.851,4 km². Tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Thành phố Bắc Giang, thị xã Việt Yên và 8 huyện, trong đó có 6 huyện miền núi (Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Yên Dũng, Tân Yên), 01 huyện vùng cao (Sơn Động) và 02 huyện, thị xã trung du, đồng bằng (Hiệp Hòa, Việt Yên). Trung tâm tỉnh là thành phố Bắc Giang là trung tâm hành chính của tỉnh, cách Thủ đô Hà Nội 50 km; cách cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) 110 km; cách sân bay quốc tế Nội Bài 50 km; cách cảng biển Hải Phòng và cảng biển nước sâu Cái Lân - Quảng Ninh 130 km.

Tỉnh Bắc Giang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa khu vực Đông Bắc Việt Nam, một năm có bốn mùa rõ rệt. Mùa Đông có khí hậu khô, lạnh; mùa Hè khí hậu nóng, ẩm; mùa Xuân và mùa Thu khí hậu ôn hòa. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 230-240C; độ ẩm không khí dao động lớn từ 74% - 87%. Lư­ợng mư­a hàng năm đủ đáp ứng nhu cầu n­ước cho sản xuất và đời sống. Lượng nắng trung bình hàng năm từ 1.500 - 1.700 giờ, thuận lợi cho canh tác, phát triển các cây trồng nhiệt đới, á nhiệt đới.

Tỉnh có 382.200 ha đất tự nhiên, bao gồm 123.000 ha đất nông nghiệp, 110.000 ha đất lâm nghiệp, 66.500 ha đất đô thị, đất chuyên dụng và đất ở, còn lại khoảng 82.700 ha là các loại đất khác.

Trên địa bàn tỉnh có 347 km sông suối, trong đó ba sông lớn là sông Lục Nam, sông Thương và sông Cầu. Ngoài sông suối, Bắc Giang còn có nhiều hồ, đầm, trong đó có hồ Cấm Sơn và Khuôn Thần. Hồ Cấm Sơn nằm ở khu vực giáp tỉnh Lạng Sơn, dài 30 km, nơi rộng nhất 7 km và chỗ hẹp nhất 200m. Hồ Cấm Sơn có diện tích mặt nước 2.600 ha, vào mùa mưa có thể lên tới 3.000 ha. Hồ Khuôn Thần có diện tích mặt nước 240 ha và lòng hồ có 5 đồi đảo được phủ kín bởi rừng thông.

Sông Thương là một trong ba con sông lớn của tỉnh Bắc Giang.

Về tài nguyên rừng, Bắc Giang hiện có khoảng 146.435,4 ha, trong đó, diện tích rừng đặc dụng là 14.093,3 ha, chiếm 9,6%; rừng phòng hộ có 18.879,9 ha, chiếm 12,9%; rừng sản xuất 113.462,2 ha, chiếm 77,5% tổng diện tích đất lâm nghiệp. Bắc Giang có tài nguyên khá phong phú về khoáng sản với các loại: than, kim loại, khoáng chất công nghiệp, khoáng sản, vật liệu xây dựng.

Dân số Bắc Giang là 1.901.925 người, với mật độ dân số 463 người/km², gấp 1,5 lần mật độ dân số bình quân của cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa tính đến năm 2023 là 23,7%. Tỉnh Bắc Giang là tỉnh đông dân thứ 11 cả nước và đông dân nhất vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Bắc Giang có nguồn nhân lực trẻ, năng động, có năng lực. Dân số trong độ tuổi lao động trên 1,1 triệu người, lao động qua đào tạo chiếm trên 76% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tỉnh hiện có 01 trường Đại học, 05 trường Cao đẳng, 06 trường Trung cấp và và 25 trung tâm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề chất lượng cao cho người lao động.

Nằm trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, liền kề vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, Bắc Giang rất thuận lợi trong phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực.

Tỉnh Bắc Giang có 9 KCN đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng, trong đó có 8 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Công nghiệp là ngành kinh tế có nhiều tiềm năng của tỉnh. Đến nay, tỉnh Bắc Giang có 09 khu công nghiệp (KCN) đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng, trong đó có 08 KCN (Đình Trám, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng, Vân Trung, Hòa Phú, Việt Hàn, Tân Hưng, Yên Lư) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1.792,5 ha; 06 KCN đang hoạt động (Đình Trám, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng, Vân Trung, Hòa Phú, Việt Hàn); 38 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.208 ha.

Các KCN hầu hết tập trung ở thị xã Việt Yên, các huyện Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lạng Giang... Được quy hoạch liền kề nhau, nằm dọc theo đường quốc lộ 1A Hà Nội - Lạng Sơn, gần với các đô thị lớn, thuận lợi cả về đường bộ, đường sông, đường sắt và đường hàng không và các cảng sông, cảng biển. Cách thủ đô Hà Nội khoảng 40 - 50 km, sân bay quốc tế Nội Bài 50 km; cảng Hải Phòng khoảng 110 km và cách cửa khẩu  Hữu nghị Quan 120 km, có hệ thống hạ tầng tương đối hoàn chỉnh; thuận lợi cả về hệ thống cung cấp điện, nước, bưu chính viễn thông.

Ngoài các KCN trên, hiện nay tỉnh Bắc Giang dự kiến quy hoạch một số khu, cụm công nghiệp khác, tập trung ở thị xã Việt Yên và các huyện Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lạng Giang... Mục tiêu đến 2030 tỉnh có 27 KCN diện tích khoảng 9.000 ha và 69 CCN diện tích gần 3.000 ha.

Bắc Giang đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp và đặc biệt chú trọng cải cách thủ tục hành chính theo hướng đảm bảo công khai, minh bạch với cơ chế "một cửa liên thông". Bắc Giang đang trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc và cả nước.

Bắc Giang có vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc.

Với đặc điểm địa hình là miền núi nhưng có cả vùng trung du, đồng bằng xen kẽ, rất thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp. Thời gian qua, nông, lâm nghiệp của tỉnh đang có sự chuyển dịch cơ cấu một cách tích cực. Với diện tích đất nông nghiệp trên 302 nghìn ha. Bắc Giang đã quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa lớn như: Vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc; vùng trồng rau chế biến, rau an toàn lớn; vùng chuyên canh thủy sản.

Với việc không ngừng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là việc đưa giống mới, phương pháp canh tác mới vào sản xuất, do đó tốc độ tăng tỷ trọng nông sản hàng hóa mỗi năm đều tăng. Những cây trồng có giá trị kinh tế cao đã được phát triển, mở rộng ngày một nhanh hơn. Chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp cùng với nuôi trồng thủy sản tiếp tục có những bước phát triển. Năm 2023, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,63%. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 138 triệu đồng. Hiện Bắc Giang ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch.

Hệ thống giao thông của tỉnh rất thuận tiện gồm: Đường bộ, đường sông và đường sắt. Trong đó, đường bộ có: Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn, đường vành đai 4 Hà Nội kết nối đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Quốc lộ 17 kết nối Bắc Giang với KCN Quế Võ - Bắc Ninh, Quốc lộ 18 đi Quảng Ninh, Hải Phòng, Quốc lộ 37 kết nối Bắc Giang đi Thái Nguyên…

Đường sông có Sông Cầu, Sông Thương và Sông Lục Nam. Đường sắt có tuyến Hà Nội - Lạng Sơn (thông thương sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị); tuyến Kép - Bãi Cháy (Quảng Ninh).

Hệ thống giao thông của tỉnh Bắc Giang rất thuận tiện.

Cùng với những tiềm năng để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, Bắc Giang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Tỉnh có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc với hơn 2.230 di tích, trong đó có 731 di tích được xếp hạng. Nhiều công trình văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, nổi tiếng trong đó, một số di tích, công trình tiêu biểu như: Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng); Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà (thị xã Việt Yên); Di tích quốc gia đặc biệt Những điểm khởi nghĩa Yên Thế; Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Xương Giang; Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu II Hiệp Hòa (huyện Hiệp Hòa); Chùa Quang Phúc, Đình Tiên Lục (huyện Lạng Giang) có cây Dã Hương nghìn năm tuổi; Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân (Khu 12); Chùa Am Vãi (huyện Lục Ngạn); Đình Lỗ Hạnh; Lăng Dinh Hương; Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử...

Nghệ thuật trình diễn dân gian của Bắc Giang rất đa dạng và phong phú như Quan họ, Ca trù, dân ca Cao Lan, dân ca Sán Chí,… là những loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc. Trong đó có 2 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể: Quan họ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Người dân Bắc Giang tự hào là cái nôi của quan họ cổ với 23 làng ven sông Cầu.

Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng).

Bắc Giang là vùng đất cổ giàu truyền thống văn hóa với hơn 500 lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm, trong đó có những lễ hội được công nhận là di sản phi vật thể Quốc gia như: Lễ hội Thổ Hà, lễ hội Yên Thế, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm. Hầu hết các lễ hội trên địa bàn tỉnh còn mang đậm nét văn hóa truyền thống với nhiều trò chơi dân gian, các hoạt động thể thao ý nghĩa (đấu võ, vật, vật cầu nước…), kết hợp biểu diễn nghệ thuật dân gian như hát Quan họ, hát Ca trù, dân ca Sán Chí, hát Soong hao, hát Then,…

Bên cạnh các di tích lịch sử, văn hóa, Bắc Giang còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp như: Khu thắng cảnh Suối Mỡ (huyện Lục Nam); hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần (huyện Lục Ngạn); Rừng nguyên sinh Khe Rỗ, Tây Yên Tử (huyện Sơn Động) với những hệ động, thực vật phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều loại sinh vật quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam đang được bảo tồn,… đó là điều kiện thuận lợi để Bắc Giang phát triển nhiều loại hình du lịch.

Bắc Giang cũng là nơi còn nhiều làng nghề truyền thống được lưu giữ, bảo tồn và phát triển đến ngày nay với các ngành nghề đa dạng và phong phú như nấu rượu làng Vân, Mây tre đan Tăng Tiến, làng bánh đa, kẹo lạc Thổ Hà (thị xã Việt Yên); gốm làng Ngòi (huyện Yên Dũng); làng mỳ Chũ (huyện Lục Ngạn); làng bánh đa Kế, làng bún Đa Mai (TP Bắc Giang),… Bên cạnh đó, tỉnh cũng có nhiều đặc sản nổi tiếng như: Rượu làng Vân, rượu Kiên Thành, bánh đa Kế, mỳ Chũ, vải thiều, gà đồi Yên Thế, gạo thơm Yên Dũng…

Về kinh tế, Bắc Giang là tỉnh có quy mô kinh tế đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đứng đầu cả nước, đạt 13,45% (gấp gần 2,5 lần bình quân chung cả nước). Quy mô nền kinh tế GRDP ngày càng mở rộng, đạt 181,9 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 7,6 tỷ USD, đứng thứ 12 cả nước. Thu hút đầu tư đạt trên 3,2 tỷ USD, đạt kỷ lục từ trước đến nay. Trong đó thu hút FDI đạt xấp xỉ 3 tỷ USD, đứng thứ 4 cả nước. GRDP bình quân đầu người 3.950 USD.

Với nhiều tiềm năng, lợi thế cùng với chiến lược, định hướng phát triển phù hợp, Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025 phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc các ngành kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, đưa Bắc Giang trở thành tỉnh có quy mô nền kinh tế (GRDP) trong tốp 15 của cả nước./.

BGP

Trung bình (0 Bình chọn)