|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Danh tướng Trần Nguyên Hãn là một trong những khai quốc công thần của nhà Lê, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đánh thắng giặc Minh xâm lược. Ông là dòng dõi tôn thất nhà Trần, hậu duệ của Thái sư Trần Quang Khải, cháu nội quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán. Ông quê tại xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.

Trần Nguyên Hãn là người văn võ song toàn, kiến thức và tầm nhìn chiến lược. Trước tình cảnh đất nước bị giặc Minh xâm lược, ông không chủ trương khôi phục nhà Trần mà vào Lam Sơn theo nghĩa quân Lê Lợi kháng chiến. Ông được Lê Lợi tin dùng, giao chỉ huy nhiều trận đánh lớn ở thành Nghệ An, Đông Quan, Chi Lăng và đặc biệt là chủ tướng tổng công kích thành Xương Giang đại thắng...

Xương Giang là một thành lớn, nằm án ngữ trên đường thiên lý từ biên giới phía bắc tới thành Đông Quan, mà lại cách Đông Quan hơn năm mươi cây số. Với vị trí quân sự như vậy nên thành Xương Giang trở thành mục tiêu trọng yếu trong kế hoạch tấn công của nghĩa quân Lam Sơn. Họ quyết tâm hạ thành bằng mọi giá trước khi quân cứu viện của địch tới.

Trước khả năng quân giặc tăng cường cố thủ, nguồn lương thực của chúng được dự trữ đầy đủ, binh lực lớn, Trần Nguyên Hãn cho đào công sự từ các khu rừng lân cận, đào hầm từ ngoài vào trong thành, rồi tiến hành nội công ngoại kích với sự phối hợp của đám quân đã lọt được nội thành giặc. Trận tổng công kích bắt đầu từ ngày 3-11-1427, Trần Nguyên Hãn là chủ tướng. Quân của ông đã chặn đường về của Đô đốc nhà Minh là Thôi Tụ và chặn đường tải lương của giặc. Từ bốn mặt, hàng mấy vạn quân ta nhất loạt mở những mũi xông trận quyết liệt vào khu vực phòng ngự của địch. Bộ binh, tượng binh, kỵ binh phối hợp đột phá vào trung tâm doanh trại giặc. Sử cũ của Trung Quốc chép: "Giặc (chỉ quân ta) lùa voi xông vào đánh bừa. Giặc hô to: ai hàng thì không giết. Hàng trận của ta (tức quân Minh) rối loạn. Quan quân (nhà Minh) rối loạn bị bắn chết hoặc bỏ chạy cả".

Địch đại bại. Các tướng địch Thôi Tụ, Hoàng Phúc hơn 300 tên cùng mấy vạn quân giặc, hơn 5 vạn bị giết. Một số chạy trốn, chỉ trong khoảng dăm bảy ngày bị nhân dân ta bắt được nộp hết cho nghĩa quân.

Sử cũ của Trung Quốc, Hoàng Minh thực lục, phải thú nhận toàn bộ quân địch bị bắt, bị giết rất nhiều, duy chỉ có một tên chủ sự là Phan Hậu trốn thoát về nước.

Trong "Bình Ngô Đại Cáo", Nguyễn Trãi đã ghi rõ:

"Ghê gớm thay, sắc phong vân phải đổi

Thảm đạm thay, ánh nhật nguyệt phải mờ"

Hàng loạt các địa danh vùng Xương Giang và xung quanh như "đồi Phục", "bãi Thiêu", "đồi Cút"...như còn ghi lại chiến công xưa trong trận đánh lịch sử này. Nhà thơ, Tiến sĩ Lý Tử Tấn, bạn đồng khoa với Nguyễn Trãi đã làm bài Xương Giang phú đặc tả chiến thắng này:

"Xương chất thành núi

Máu chảy đầy sông

Bốn cõi mây mờ quét sạch

Giữa trời ánh sáng huy hoàng

Kìa trận Hợp Phì oanh liệt ngày trước

Trận Xích Bích toàn thắng đời xưa

Sao được bằng Xương Giang vẻ vang"

Có thể nói, trong lịch sử chống ngoại xâm, đây là lần hiếm hoi có một trận thắng của quân ta triệt hạ được một thành trì quan trọng có số quân lớn. Có lẽ, thành công tại chiến thắng thành Xương Giang chỉ đứng sau sự kiện Lý Thường Kiệt hạ thành Ung Châu.

Chiến thắng Xương Giang, có chiến công hàng đầu của danh tướng Trần Nguyên Hãn, đã đập tan hoàn hoàn ý chí xâm lược của nhà Minh, hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Đất nước được giải phóng, nền độc lập dân tộc được giữ vững trong gần bốn thế kỷ.

Trung bình (0 Bình chọn)