Trạng nguyên Đào Sư Tích

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trạng nguyên Đào Sư Tích là nhà khoa bảng tiêu biểu của nước ta dưới thời phong kiến, nhưng đến nay vẫn còn có những ý kiến bất đồng về quê hương và cuộc đời sự nghiệp của ông.

Trong các thư tịch cổ đã ghi chép rằng: “Đào Sư Tích người xã Cổ Lễ, huyện Tây Chân - nay là thị trấn Cổ Lễ, huyện Nam Ninh, tỉnh Hà Nam”. Có tài liệu nói ông người Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, trú quán xã Lý Hải, huyện Yên Lãng, nay là thôn Lý Hải, xã Phú Xuân, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Cha là Đào Toàn Mân giữ chức Tri thẩm hình viện sự (1387), Trạng nguyên khoa Giáp Dần niên hiệu Long Khánh 2 (1374) đời Trần Duệ Tông. Từ thi Hương đến thi Đình ông đều đỗ đầu, làm quan đến chức Nhập nội hành khiển. Dưới thời Hồ Quý Ly ông bị giáng chức Trung Thư thị lang, Đồng tri thẩm hình viện sự. Sau khi mất được phong phúc thần, gia phả ghi thọ 47 tuổi. Trước tác của ông có bài tựa sách Bảo hòa điện dư bút (của Trần Nhân Tông soạn, đã mất và một bài phú chép Quần hiền phú tập).

Trong quá trình sưu tầm, tập hợp tư liệu về các danh nhân khoa bảng của tỉnh Bắc Giang chúng tôi đã được tiếp xúc với một số tài liệu Hán Nôm liên quan đến Trạng nguyên Đào Sư Tích như sau:

Trong bia đá “Kim bảng lưu phương” dựng ở Văn miếu Bắc Ninh ghi danh 33 vị đỗ đạt từ khoa thi Hán học đầu tiên (1075) đến khoa thi Kỷ Sửu niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469), Trạng nguyên Đào Sư Tích được ghi như sau: “Trạng nguyên Đào Sư Tích người xã Song Khê, huyện Yên Dũng, làm quan đến chức nhập nội hành khiển”.

Cũng ở Văn miếu Bắc Ninh, tấm bia phụ số 11 ghi danh các nhà khoa bảng của Kinh Bắc mà các tấm bia trước chép thiếu. Theo thứ tự Tiến sỹ Đào Toàn Mân (cha Trạng Nguyên Đào Sư Tích) được ghi như sau: “Tiến sỹ triều Trần Đào Toàn Mân, người xã Song Khê, huyện Yên Dũng. Cha của Trạng nguyên Đào Sư Tích, nhà ở xã Cổ Lễ, huyện Nam Chân. Làm quan chức tri thẩm hình viện. Thấy quốc sử ghi có đền thờ ở Nam Chân... thi đỗ Đệ giáp tiến sỹ khoa Đại Tỷ”.

Trong cuốn Gia phả Đào Văn xã Song Khê hiện do ông Đào Văn Bội, vị cao niên của dòng họ Đào ở Song Khê bảo quản có ghi như sau: “ngày tốt đầu tháng Giêng năm Ất Dậu niên hiệu Tự Đức, triều vua nhà Nguyễn (1885). Cháu đời thứ 6 là Đào Đức Bình kính cẩn ghi gia phả họ Đào, xã Song Khê, tổng Phúc Tằng, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Ninh”. Và vị tổ được tính từ tiến sỹ Đào Toàn Mân: “Thượng thượng tổ có tên húy là Đào Toàn Mân thi đỗ Đệ nhị giáp tiến sỹ dưới triều Trần. Làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lễ, Tham tri thẩm hình viện sự. (Cụ) sinh ra Đào Công húy là Sư Tích, thi đỗ Đệ nhất giáp đệ nhất danh tiến sỹ cập đệ khoa thi Giáp Dần niên hiệu Long Khánh triều Trần (1374). Làm quan tới chức Thượng thư Bộ Lễ, Tư đồ đại hành khiển, sau được phong tước Mậu quốc công. Các cụ đều là bậc có sự nghiệp khoa danh từng được ghi trên bảng vàng bia đá để lưu truyền cho thế hệ sau...”.

Trong gia phả cũng ghi chép về mộ phần và ngày kỵ của Đào Toàn Mân và Đào Sư Tích: “Đời thứ 10, Cao cao tổ Đào công, húy tự là Toàn Mân, giỗ vào ngày mồng Mười tháng Mười hàng năm. Nay mộ táng tại xứ Đồng Mối địa phận xã Lịm Xuyên (cùng xã Song Khê ngày nay). Mộ nằm chỗ cao, vuông rộng chừng hơn một sào.

Đời thứ 9, Cao cao tằng tổ Đào công, húy tự là Sư Tích, giỗ ngày mồng Bốn tháng Chín hàng năm. Nay mộ táng tại xã Cổ Lễ, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định và vẫn còn một tòa văn từ ở đó”

Trong nhà thờ của dòng họ Đào Văn ở làng Song Khê, xã Song Khê, huyện Yên Dũng còn lưu hai câu đối:

- Song Khê miếu đường lưu vạn đại

Trần triều khoa giáp đệ nhất môn

- Khoa giáp thiên thu, gia phụ tử

Thanh danh vạn cổ, quốc quân thần

Con cháu họ Đào Song Khê còn được truyền lại nhiều mẩu chuyện về tổ tiên mình. Tư liệu dòng họ ghi lại rằng: cụ Đào Toàn Mân còn có tên là Đào Toàn Phú sinh năm 1380 tại làng Song Khê. Năm Giáp Tý (1324) thi đậu kỳ thi Hương. Khi đã 44 tuổi mới dự kỳ thi Thái học sinh khoa Đại Tỷ năm Nhâm Thìn, niên hiệu Thiệu Phong thứ 12 (1352) và đã đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ. Năm 1384 khi đang làm quan ở phủ Thiên Trường đã qua đời, thọ 76 tuổi.

Cụ Đào Sư Tích sinh năm 1348 tại làng Song Khê, khi cụ Đào Toàn Mân đỗ đạt ra làm quan ở phủ Thiên Trường (1352) một thời gian mới cho cụ Đào Sư Tích theo học. Cả ba kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình ông đều đỗ đầu. Năm 1381 được thăng làm quan chức Nhập nội hành khiển. Năm 1342 Hồ Quý Ly chuyên quyền, ông lại là trụ cột của triều đình lúc bấy giờ mà không phục họ Hồ nên bị giáng xuống làm quan Trung thư thị lang. Cũng năm ấy, triều Trần nắm bắt được âm mưu chuyên quyền của họ Hồ nên đã cử Đào Sư Tích lên vùng sơn địa xây dựng căn cứ để lánh nạn tại núi Tam Đảo (nay thuộc xã Lý Hải, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc). Năm 1394 ông được cử đi sứ nhà Nguyên. Hai năm sau (1496) ông mất tại đất Nguyên khi đang là sứ thần Đại Việt, thọ 49 tuổi. Sau khi mất nhà Nguyên cùng triều đình đưa thi hài ông về an táng ở xã Cổ Lễ, huyện Nam Ninh, Nam Định.

Dòng họ Đào còn lưu truyền một giai thoại rất thú vị về Tiến sỹ Đào Toàn Mân và Trạng Nguyên Đào Sư Tích. Chuyện kể rằng chính cụ Đào Toàn Mân từng được nhà giáo lỗi lạc Chu Văn An đề tặng là “Đại sư vô nhị” (Bậc thày có một không hai). Khi cụ Đào Sư Tích thi đỗ Trạng Nguyên, được vào bái yết hoàng thượng. Hoàng thượng hỏi rằng: Trần Trạng nguyên do ai dạy bảo? Sư Tích thưa rằng: Dạ do chính cha thần dạy dỗ... Hoàng thượng bèn cho vời cụ Đào Toàn Mân vào triều và khen là: “Phụ giáo tự đăng khoa” (Cha dạy con thi đỗ) rồi ra vế đối thử tài:

- Viên ngoại ba tiêu, vô phu quân, tứ thời hữu kết

(Cây chuối ngoài vườn, không có chồng, mà bốn mùa kết trái)

Tiến sỹ Đào Toàn Mân ứng đối ngay:

- Mộc tại nguyệt thiên, vô thổ bồi, bát nguyệt giai xuân

(Cây mọc ở cung trăng, không đất bồi, mà vẫn cứ tươi tốt).

Nghe xong, hoàng thượng hết sức ngợi khen và ban cho bức trướng đề 5 chữ: “Phụ tử đồng đăng khoa”. Cũng chính vì thế mà người đời vẫn gọi cụ Đào Toàn Mân là Trạng nguyên cũng vì sự kiện này. Bởi khoa thi ấy Sư Tích đỗ Trạng nguyên, mà vua ban cho con cùng thi đỗ nên mọi người hiểu rằng cụ Toàn Mân được phong danh vị ấy./.

Trung bình (0 Bình chọn)