Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời kiến nghị của cử tri các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bến Tre, Vĩnh Phúc và Đà Nẵng

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Nội dung kiến nghị:  “Đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, nên có chính sách đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống đến 10 năm tạo điều kiện cho nhiều người dân tham gia và hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần như hiện nay.” (Kiến nghị số 32).

“Cử tri phản ánh, việc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để nhận lương hưu với mức 20 năm là quá dài, nhất là đối với người lao động phổ thông, hộ nghèo, hộ thu nhập thấp. Do đó, cử tri kiến nghị xem xét giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để được nhận lương hưu xuống còn 10 đến 15 năm.” (Kiến nghị số 33).

“Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo để đảm bảo công bằng về nghĩa vụ và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; đồng thời rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí xuống còn 15 năm.” (Kiến nghị số 40).

“Đề nghị tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2019, nội dung quy định điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện giảm từ 20 năm xuống còn 15 năm. Đối với việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đề nghị quy định không thanh toán bảo hiểm xã hội một lần đối với những người đã đóng đủ 10 năm trở lên đến dưới 20 năm. Nếu thanh toán chỉ thanh toán phần người lao động đóng khi hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần.” (Kiến nghị số 41).

“Đối với quy định về bảo hiểm xã hội tự nguyện: Đề nghị sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí tự nguyện trong Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng phù hợp; đồng thời bổ sung thêm chế độ thai sản và chế độ ốm đau trên cơ sở tỷ lệ đóng và hưởng phù hợp.” (Kiến nghị số 43).

“Hiện nay, Đảng và Nhà nước có chính sách vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội toàn dân, đây là chính sách có ý nghĩa đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, theo ý kiến của cử tri thì thời gian đóng bảo hiểm đủ để được hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội khá dài, có người qua đời trước khi được hưởng lương hưu nên nhiều người dân không tham gia. Cử tri kiến nghị trình Quốc hội xem xét sửa đổi quy định của Luật theo hướng giảm thời gian đóng để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm để có nhiều người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hơn.” (Kiến nghị số 45).

“Đề nghị xem xét, bổ sung thêm các quyền lợi ngắn hạn như ốm đau, thai sản để đáp ứng nhu cầu người dân vì hiện nay quyền lợi của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện so với tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc còn nhiều khác biệt, gây tâm lý so sánh, không mặn mà tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.” (Kiến nghị số 57).

“Đề nghị điều chỉnh quy định, điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng có lộ trình, tiến tới chỉ giải quyết đối với người lao động đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp hoặc những trường hợp ra nước ngoài để định cư hợp pháp, hoặc mắc bệnh hiểm nghèo hoặc nếu chưa hết tuổi lao động mà nhận bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng thấp hơn.” (Kiến nghị số 58).

“Xem xét, thực hiện giảm dần điều kiện thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng lương hưu để mở rộng cơ hội tiếp cận lương hưu cho người lao động (giảm về 15 năm).” (Kiến nghị số 59).

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau

Ngày 23/5/2018 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó có nội dung: Mở rộng các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện, tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi giữa bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc; sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội; Nghiên cứu quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và pháp luật có liên quan theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW nêu trên.

 

BGP

Trung bình (0 Bình chọn)