Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị tỉnh Bắc Giang

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Nội dung kiến nghị:

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu, đặc biệt là các nhà thầu ký hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định.

Đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương kịp thời cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá xây dựng theo tháng, để phù hợp với diễn biến thi trường” (STT 37 Phụ lục VII kèm theo công văn số 542/TTg-QHĐP).

Bộ Xây dựng trả lời:

1. Về cơ chế kiểm soát thị trường nguyên vật liệu xây dựng, hướng dẫn địa phương kịp thời cập nhật, điều chỉnh, công bố giá, chỉ số giá xây dựng

Theo quy định, các thông tin về giá xây dựng của địa phương sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng công bố theo định kỳ hàng quý hoặc sớm hơn khi cần thiết. Tuy nhiên, trong thời gian giá vật liệu xây dựng biến động mạnh (từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2022), nhiều địa phương công bố chậm, không đầy đủ, không sát với diễn biến thị trường giá vật tư, vật liệu xây dựng; không đáp ứng được việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý chi phí hợp đồng.

Nhằm kiểm soát thị trường vật liệu xây dựng, tránh tình trạng lợi dụng để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, Bộ Xây dựng đã có 02 văn bản đôn đốc, đã tổ chức hội nghị trực tuyến, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm việc công bố giá theo quy định pháp luật; tăng tần suất công bố và thường xuyên cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, bảo đảm kịp thời với những biến động giá trên thị trường xây dựng; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường. Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức các đoàn giám sát, kiểm tra việc công bố giá và hướng dẫn các địa phương về mặt nghiệp vụ khảo sát thu thập số liệu, cách thức xác định giá vật liệu, thiết bị công trình để phục vụ việc công bố.

Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cần tập trung, chủ động trong việc tổ chức xác định, công bố giá vật liệu xây dựng trên địa bàn; xây dựng, ban hành quy chế phối hợp, quy định cụ thể trách nhiệm của các sở, ngành để tổ chức triển khai thực hiện.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, chỉ số giá xây dựng và đưa vào vận hành chính thức (tại địa chỉ http://cuckinhtexd.gov.vn); phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với ngành Xây dựng, đồng thời giúp các chủ thể tham gia quá trình đầu tư xây dựng có công cụ, thông tin cần thiết trong việc lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu, dự thảo các nội dung sửa đổi, bổ sung Thông tư số 11/2021/TT-BXD để hướng dẫn chi tiết hơn việc xác định giá vật liệu xây dựng trong xác định giá xây dựng công trình.

2. Về tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu ký hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá của một số vật liệu xây dựng chủ yếu tăng cao đã làm tăng chi phí đầu tư xây dựng và ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng thi công đã ký kết theo hình thức đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói. Theo quy định của pháp luật đây là loại hợp đồng có giá trị hợp đồng không thay đổi suốt quá trình thực hiện. Vì vậy một số nhà thầu tại các dự án, công trình hiện đang thi công theo hướng cầm chừng, trông chờ các giải pháp tháo gỡ từ Chính phủ và kiến nghị bù đắp chi phí trong trường hợp dịch Covid-19 được xem là một sự kiện bất khả kháng để áp dụng điều chỉnh giá cho các loại hợp đồng này.

Để tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu đã ký hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định, trước tình hình trên, song song với việc đề xuất, thực hiện các giải pháp để bình ổn thị trường vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cũng thường xuyên rà soát, đánh giá tổng thể hệ thống quy định pháp luật có liên quan; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất, trình Quốc hội, Chính phủ ban hành.

- Đối với hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định đã ký kết:

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì những hợp đồng này chỉ được điều chỉnh trong trường hợp “bất khả kháng” hoặc “hoàn cảnh thay đổi”. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay không quy định cụ thể các tiêu chí, trường hợp bất khả kháng và hoàn cảnh thay đổi (như không quy định về “biến động giá vật liệu xây dựng”), dẫn đến không đủ cơ sở pháp lý cho các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện điều chỉnh hợp đồng xây dựng. Vì vậy, các hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định các bên phải thực hiện đúng các nội dung thỏa thuận đã ký.

Trường hợp đề nghị sửa đổi, cụ thể hóa các quy định nêu trên tại các Luật có liên quan (Bộ Luật Dân sự, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng) thì thời gian sẽ kéo dài đến năm 2023-2024. Giải pháp này không còn phù hợp với giai đoạn hiện nay khi giá vật liệu xây dựng có xu hướng ổn định, không có biến động lớn.

- Đối với quy định áp dụng hợp đồng trọn gói cho gói thầu quy mô nhỏ:

Theo quy định tại điểm c Điều 62 Luật Đấu thầu, những gói thầu xây lắp quy mô nhỏ có giá trị dưới 20 tỷ đồng phải áp dụng hợp đồng trọn gói. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc áp dụng hình thức trọn gói sẽ rủi ro cao do không tiên lượng được mức dự phòng trượt giá phù hợp, sát, đúng với thị trường. Để tháo gỡ, Chính phủ đang trình Quốc hội dự án Luật Đấu thầu sửa đổi; trong đó đã loại bỏ quy định này.

- Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BXD ngày 03/3/2023 hướng dẫn một số nội dung về hợp đồng xây dựng:

Thông tư được ban hành đã hướng dẫn chi tiết về một số nội dung thường vướng mắc trong quá trình quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng quy định tại các Điều: 18, 19, 37, 38, 39 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Nghị định số 50/2021/NĐ-CP, cụ thể: (i) Điều chỉnh khối lượng công việc trong hợp đồng xây dựng; (ii) Điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng; (iii) Điều chỉnh điều chỉnh đơn giá hợp đồng xây dựng; (iv) Điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng và (v) Công bố mẫu hợp đồng xây dựng gồm điều kiện chung và điều kiện cụ thể.

BGP.

 

Trung bình (0 Bình chọn)