Các nội dung thông tin và giải trình đến cử tri trước và sau kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII (Phần cuối)

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

STT

Nội dung ý kiến, kiến nghị của cử tri

Cơ quan tham mưu, giải quyết

 

LĨNH VỰC VĂN HÓA – XÃ HỘI

 

1

Cử tri thôn Trung Đồng, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên phản ánh: Hiện nay một số người đi bộ đội kháng chiến chống Mỹ đến tháng 10/1974 đã hoàn thành thành nghĩa vụ trở về địa phương, song do điều kiện kinh tế phải đi làm ăn xa quê nay mới có điều kiện trở về mà vẫn chưa được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến. Nhà nước có còn làm khen thưởng nữa không, nếu còn thì đề nghị có văn bản hướng dẫn.

Hiện nay, Nhà nước vẫn thực hiện việc khen thưởng cho các đối tượng có thành tích tham gia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (đối với trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn). Hồ sơ xét khen thưởng thành tích kháng chiến được các cá nhân, gia đình có thành tích lập trình Hội đồng Thi đua – Khen thưởng các cấp thẩm định, trình từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh và Trung ương theo quy định. Vậy đề nghị cử tri thôn Trung Đồng, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên đến liên hệ trực tiếp với UBND xã Ngọc Châu để được hướng dẫn, thiết lập hồ sơ và trình các cấp thẩm quyền xem xét theo quy định.

Sở Nội vụ

2

Cử tri xã An Dương, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên phản ánh: Nhà nước quy định, cán bộ công chức, viên chức làm việc 8 giờ/ngày (40 giờ/tuần). Nhưng thực tế, để đảm bảo giờ làm, phụ huynh thường đưa trẻ đến trước và đón sau giờ hành chính. Giáo viên mầm non thường phải đến trường đón trẻ trước 30 phút, chờ trả trẻ sau giờ làm việc ít nhất 30 phút. Như vậy, giáo viên mầm non làm ít nhất 9 giờ/ngày, trong khi lương giáo viên mầm non thấp, nhiều giáo viên mầm non thu nhập không đảm bảo cuộc sống. Đề nghị UBND tỉnh xem xét có chính sách hỗ trợ đặc thù cho giáo viên mầm non.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ tổ chức kiểm tra thực tế và nghiên cứu, xem xét giải quyết, trả lời nội dung phản ánh của cử tri. Kết quả cụ thể như sau:

Theo quy định hiện hành của nhà nước về thời gian làm việc và chế độ chính cách đối với giáo viên mầm non hiện nay thì chế độ sinh hoạt cho trẻ mẫu giáo một ngày từ 6 giờ 30 sáng (mùa hè), 7 giờ sáng (mùa đông) đến 17 giờ chiều. Trong thời gian đó, giáo viên phải có mặt tại lớp để thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục và đảm bảo an toàn cho trẻ (Tổng thời gian từ 10 giờ đến 10 giờ 30 phút, bao gồm cả thời gian trông trẻ buổi trưa đối với lớp bán trú). Thời gian làm việc của giáo viên mầm non đối với các giáo viên dạy lớp học 02 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do Hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần. Theo đó, định mức giáo viên mầm non đối với lớp học 2 buổi/ngày được bố trí tối đa 2,5 giáo viên/nhóm trẻ; 2,2 giáo viên/lớp mẫu giáo.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay, cơ bản các trường mầm non công lập đã được bố trí giáo viên đảm bảo tỷ lệ 1,8 giáo viên/lớp. Lương và phụ cấp của giáo viên mầm non biên chế và giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị quyết số 19/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh được thực hiện theo quy định của nhà nước.

Ngoài ra, giáo viên mầm non tỉnh Bắc Giang còn được chi trả tiền công trông trẻ buổi trưa theo Quyết định số 16/2017/QĐ-UBND, ngày 08/6/2017 và Quyết định số 22/2018/QĐ-UBND ngày 09/8/2018 của UBND tỉnh quy định về thu, sử dụng các khoản thu thỏa thuận và tự nguyện trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Chính sách của tỉnh về tăng định mức giáo viên/lớp mẫu giáo; chế độ cho giáo viên trực trưa đã tạo điều kiện giúp giáo viên mầm non được ổn định về đời sống, yên tâm công tác và thực hiện tốt nhiệm vụ.

Như vậy, chế độ sinh hoạt hàng ngày của trẻ tại trường là 10 giờ đến 10 giờ 30 phút không đồng nhất với việc mỗi giáo viên phải thực hiện trên lớp 10 đến 10 giờ 30 phút/ngày. Vì 1,8 giáo viên/lớp sẽ được bố trí đan xen, gối nhau, giáo viên đến lớp sớm để đón trẻ sẽ được về sớm, giáo viên đến muộn sẽ về muộn để trả trẻ, đảm bảo mỗi giáo viên chỉ phải thực hiện 6 giờ/ngày và 2 giờ thực hiện các công việc khác theo quy định tại Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT ngày 25/10/2011 của Bộ Giáo dục và đào tạo quy định chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non, đảm bảo thời gian làm việc 40 giờ/tuần. Việc bố trí sắp xếp giáo viên/lớp do Hiệu trưởng quyết đinh, đảm bảo thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt hàng ngày cho trẻ tại trường.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, còn một số trường mầm non trên địa bàn tỉnh có tình trạng giáo viên phải làm thêm giờ so với quy định. Nguyên nhân là do một số trường thiếu giáo viên cục bộ (giáo viên nghỉ thai sản, nghỉ ốm, một số trường chưa được bố trí đủ định mức 1,8 giáo viên/lớp); một số trường phân công trách nhiệm giáo viên chưa khoa học, hợp lý, dẫn đến quá tải về thời gian làm việc cho giáo viên mầm non.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Giáo dục và đào tạo, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các trường mầm non trên địa bàn thực hiện phân công hợp lý, khoa học giờ dạy của giáo viên mầm non, đảm bảo thời gian lao động và giờ đón trả trẻ. Các trường chủ động sử dụng kinh phí của đơn vị (học phí, ngân sách nhà nước,...) để chi tiền làm thêm giờ đối với giáo viên nầm non ở các trường chưa được bố trí đủ định mức giáo viên theo quy định.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Nội vụ

3

Cử tri xã Tân Trung, huyện Tân Yên phản ánh: Người tham gia dân công hỏa tuyến, xong về địa phương tham  gia công tác xã hội (là Chủ tịch Hội Nông dân, Cựu Chiến binh cấp xã...), có bảo hiểm y tế nhưng khi nghỉ hưu đi viện chỉ được hưởng 95%. Trong khi đó người chỉ tham gia dân công hỏa tuyến hiện nay được công nhận và có bảo hiểm y tế, khi đi viện lại được hưởng 100%. Đề nghị cơ quan chức năng kiến nghị cấp trên giải quyết để đảm bảo công bằng.

Căn cứ quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, cụ thể:

- Tại Khoản 1 Điều 14 quy định mức hưởng Luật Bảo hiểm y tế: "95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng” và ”80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng khác (bao gồm: Dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đã được hưởng trợ cấp theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế)”.

- Tại Khoản 2 Điều 14 quy định: "Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có mức hưởng cao nhất”.

Như vậy, theo các quy định nêu trên, người tham gia dân công hỏa tuyến, xong về địa phương tham gia công tác xã hội (là Chủ tịch Hội Nông dân, Cựu chiến binh cấp xã...), sau đó nghỉ hưu thì mức hưởng BHYT là 95% là đúng quy định. Nếu đối tượng là người chỉ tham gia dân công hỏa tuyến được công nhận và được cấp thẻ BHYT thì mức hưởng BHYT tối đa là 80%, không phải là 100% như ý kiến cử tri đã nêu.

Bảo hiểm xã hội tỉnh

Hoàng Hà (tổng hợp)
Trung bình (0 Bình chọn)