Các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được giải quyết lĩnh vực kinh tế - ngân sách (Phần II)

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

STT

Nội dung kiến nghị của cử tri

Cơ quan tham mưu, giải quyết

 

LĨNH VỰC KINH TẾ VÀ NGÂN SÁCH

 

01

Cử tri huyện Sơn Động: Đề nghị UBND tỉnh quan tâm phân bổ kinh phí từ đầu năm và hỗ trợ đủ kinh phí theo diện tích rừng giao khoán cho nhân dân để bảo vệ rừng theo Nghị quyết số 249 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và tăng kinh phí khoán bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 31/01/2018 để tổ chức thực hiện Nghị quyết 249-NQ/TU ngày 01/11/2017 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, trong đó có nội dung về Khoán, bảo vệ rừng tự nhiên “Hàng năm, cùng với nguồn vốn của Ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh bố trí đủ kinh phí ngay từ đầu năm để đảm bảo thực hiện khoán, bảo vệ rừng tự nhiên với diện tích khoảng 31.000 ha, tổng kinh phí thực hiện 03 năm (2018-2020) khoảng 34.500 triệu đồng”. Năm 2018, kinh phí cho công tác khoán bảo vệ rừng đã được UBND tỉnh cân đối, bố trí ngay từ đầu năm, cụ thể: Nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ và nguồn ngân sách địa phương đã hỗ trợ khoán bảo vệ rừng tự nhiên trên địa bàn toàn tỉnh với tổng diện tích 30.605 ha, kinh phí thực hiện 11,853 tỷ đồng.

Riêng với huyện Sơn Động hiện có khoảng 31.400 ha rừng tự nhiên (rừng phòng hộ là 8.000 ha, diện tích rừng đặc dụng là 9.400 ha, rừng sản xuất là 14.000 ha). Năm 2018, bằng nguồn ngân sách trung ương và địa phương đã hỗ trợ khoán bảo vệ rừng tự nhiên trên địa bàn huyện được 7,628 tỷ đồng, cho diện tích là 18.751 ha. Như vậy nguồn kinh phí khoán bảo vệ rừng đạt trên 60% trên tổng diện tích rừng tự nhiên hiện có của huyện và cơ bản đã hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên là rừng sản xuất trên địa bàn huyện Sơn Động (những diện tích rừng tự nhiên sản xuất còn lại không hỗ trợ khoán chủ yếu là diện tích nhỏ lẻ, phân tán và diện tích của một số hộ gia đình không nhận hỗ trợ tiến khoán của nhà nước). Đối với diện tích khoán bảo vệ rừng đặc dụng và phòng hộ, theo quy định của nhà nước diện tích phòng hộ và đặc dụng của các Ban quản lý nhà nước chỉ bố trí kinh phí khoán ở các khu rừng trọng điểm, khó khăn trong công tác bảo vệ của các Ban quản lý. Như vậy với diện tích hộ trợ bảo vệ rừng tự nhiên là rừng sản xuất và rừng phòng hộ, đặc dụng trên địa bàn huyện Sơn Động trong năm 2018 là sự cố gắng lớn của tỉnh cho công tác khoán bảo vệ rừng và cơ bản đáp ứng nhu cầu trên địa bàn huyện theo đúng mục tiêu của Nghị quyết 249-NQ/TU.

Năm 2019 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh tiếp tục cân đối, bố trí đủ kinh phí ổn định ngay từ đầu năm để thực hiện công tác khoán, bảo vệ rừng và yêu cầu UBND huyện Sơn Động từ nguồn vốn chương trình 30a và nguồn vốn khác để thực hiện công tác khoán bảo vệ rừng tự nhiên trên địa bàn toàn huyện đạt hiệu quả.

Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp Sở Tài chính

 

02

Cử tri xã Đông Phú, huyện Lục Nam, xã Hương Gián, huyện Yên Dũng phản ánh: Hiện nay, hệ thống kênh mương của xã Đông Phú và tuyến kênh tiêu trạm bơm Thái Sơn 1, Thái Sơn 3 của xã Hương Gián bị tắc, ảnh hưởng đến việc tưới tiêu của nhân dân, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Sông Thương nâng cấp, cải tạo hệ thống kênh trên.

Tuyến kênh tưới KC1 xã Đông Phú, huyện Lục Nam có chiều dài là 4.600m, đã được kiên cố hóa. Năm 2017, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Sông Thương bằng nguồn kinh phí miễn thu thủy lợi phí đã đầu tư sửa chữa 500m đoạn đầu kênh với kinh phí 50 triệu đồng; tháng 3/2018 đầu tư nạo vét và sửa chữa những đoạn ách tắc đảm bảo thông kênh, kịp thời phục vụ sản xuất nông nghiệp của nhân dân với kinh phí 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí miễn thu thủy lợi phí của đơn vị và đã được đoàn kiểm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh kiểm tra, giám sát vào tháng 6/2018.

Tuyến kênh tiêu Trạm bơm Thái Sơn 1, Thái Sơn 3, xã Hương Gián do Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Sông Thương quản lý có chiều dài 7.700m, tiêu cho 1.325ha diện tích lưu vực của 4 xã, thị trấn (gồm Tân Dân, Tân An, Xuân Phú và Hương Gián). Hai tuyến kênh tiêu này là kênh đất, một số đoạn đi qua khu vực dân cư, giao cắt với các trục đường giao thông. Tiếp thu ý kiến cử tri, Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Sông Thương đã bố trí kinh phí 70 triệu đồng thực hiện nạo vét lòng kênh, khơi thông các điểm ách tắc và phối hợp với các địa phương vớt bèo trong lòng kênh. Đến nay, hiện trạng kênh đã đảm bảo tiêu thông thoáng, đáp ứng yêu cầu dẫn nước phục vụ tiêu úng.

Sở Nông nghiệp và PTNT

 

03

Cử tri xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động phản ánh: Hiện nay tuyến đường tỉnh lộ 293 qua địa bàn xã Tuấn Mậu đã hoàn thành nhưng chưa có hệ thống rãnh tiêu thoát nước, vì vậy nước mưa trên đường, nước thải tràn vào nhà dân, gây ô nhiễm làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Đề nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng xem xét đầu tư xây dựng rãnh thoát nước 2 bên đường.

Tuyến ĐT293 đoạn qua địa bàn xã Tuấn Mậu đã thi công hoàn thành. Theo hồ sơ thiết kế, một số đoạn qua địa bàn xã Tuấn Mậu không thiết kế rãnh thoát nước dọc do tại thời điểm khảo sát thiết kế và thi công các vị trí này dân cư thưa thớt, chủ yếu là bãi đất trống và ao cá, khả năng thoát nước tự nhiên đảm bảo. Tuy nhiên, sau khi dự án hoàn thành, nhiều hộ dân đã san lấp mặt bằng, xây dựng nhà, quán dọc đường làm ảnh hưởng đến khả năng thoát nước dẫn đến tình trạng nước chảy tràn vào nhà dân như phản ánh của cử tri.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban QLDA ĐTXD các CTGT tỉnh phối hợp với địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý khắc phục. Đến nay, đã thực hiện xong việc bổ sung đào rãnh, lắp đặt ống cống D400 thoát nước dọc qua các hộ dân đảm bảo thoát nước mặt đường, thoát nước thải và không làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Ban QLDA ĐTXD các CTGT tỉnh

04

Cử tri thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên phản ánh: Hiện nay, hệ thống thoát nước trước nhà các hộ dân (ngã tư phố Ngô Xá) bám trục đường tỉnh lộ 298, do thiết kế không phù hợp, chảy ngược lại về ngã tư phố Ngô Xá, gây ra hiện tượng khó thoát nước và ứ đọng tại hệ thống thoát nước này. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng xử lý để điều chỉnh hệ thống thoát nước này theo quy định.

Qua kiểm tra, nguyên nhân của hiện tượng khó thoát nước và ứ đọng trên ĐT.298 (đoạn ngã tư Ngô Xá, huyện Tân Yên) là do địa phương chưa quản lý tốt việc xây dựng nhà ở của nhân dân tại khu vực. Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tổ chức nạo vét rãnh kín trên ĐT.298, đảm bảo thoát nước.

Sở Giao thông vận tải

 
Trung bình (0 Bình chọn)