Các ý kiến, kiến nghị của cử tri đang được xem xét, giải quyết lĩnh vực văn hóa - xã hội (Phần II)

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

STT

Nội dung kiến nghị của cử tri

Thời hạn dự kiến hoàn thành

Cơ quan tham mưu, giải quyết

 

LĨNH VỰC VĂN HÓA –XÃ HỘI

 

 

01

Cử tri thành phố Bắc Giang phản ánh: Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang có lúc xảy ra tình trạng quá tải (số giường bệnh không đủ phục vụ cho bệnh nhân), trong khi đó có một số phòng điều trị theo yêu cầu (phòng dịch vụ) lại bỏ không. Đề nghị UBND tỉnh giao cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá, chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh bố trí phòng điều trị theo BHYT và điều trị theo yêu cầu đúng với quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của bệnh nhân.

Sau khi nhận được ý kiến của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan làm việc với Bệnh viện Đa khoa tỉnh và tiến hành rà soát, kiểm tra tình hình thực hiện giường bệnh kế hoạch, giường bệnh thực kê và giường bệnh xã hội hóa của bệnh viện; kết quả như sau:

- Về thực trạng giường bệnh của bệnh viện: Năm 2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được UBND tỉnh giao thực hiện 700 giường kế hoạch. Theo Đề án xã hội hóa các hoạt động y tế giai đoạn 2016-2025 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được phê duyệt, số giường bệnh theo yêu cầu giai đoạn I (2016-2020) là 50 giường bệnh (20 giường bệnh tại Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu - khu nhà của Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản cũ và 30 giường tại các khoa lâm sàng của bệnh viện). Hiện nay, bệnh viện đang bố trí 47 giường bệnh theo yêu cầu, với 16 phòng. Các buồng bệnh theo yêu cầu bố trí tại các khoa lâm sàng gồm: Hồi sức tích cực - Chống độc, Nội tim mạch, Nội thần kinh, Ngoại thần kinh, Ngoại tổng hợp, Ngoại tiêu hóa, Ngoại thận, Hô hấp, Nội tổng hợp (26 giường) và Khoa khám, chữa bệnh theo yêu cầu (21 giường).

- Về công suất sử dụng giường bệnh: Trong 8 tháng đầu năm 2018, bệnh viện luôn có bệnh nhân vào điều trị nội trú trung bình ở mức 900 đến 1.000 người bệnh/ngày, công suất sử dụng giường bệnh ở mức 130% giường so với giường bệnh kế hoạch, vì thế bệnh viện phải bố trí kê thêm giường bệnh (tổng 1.046 giường bệnh) để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, đảm bảo hạn chế người bệnh nằm ghép tại các khoa phòng. Việc sử dụng giường bệnh theo yêu cầu trung bình mới đạt 66,6%. Tuy nhiên, trong lúc buồng bệnh nội trú quá tải, một số khoa có điều tiết người bệnh ở buồng thường sang nằm buồng yêu cầu nhưng thanh toán như buồng thường.

Để giải quyết các kiến nghị của cử tri, Trong tháng 8 và tháng 9/2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế tổ chức kiểm tra, rà soát tình hình sử dụng giường bệnh xã hội hóa tại tất cả các bệnh viện công lập trong toàn tỉnh. Đồng thời ngày 13/9/2018, Sở Y tế đã có văn bản số 1684/SYT-KHTC chỉ đạo các bệnh viện công lập, trong đó có Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện một số nội dung sau:

- Tiến hành rà soát lại toàn bộ điều kiện để bố trí hợp lý giường bệnh kế hoạch và giường bệnh xã hội hóa của bệnh viện, đồng thời sắp xếp lại giường bệnh kế hoạch và giường bệnh xã hội hóa theo đúng Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 4470:2012 (yêu cầu diện tích tối thiểu phải đạt 5-6m2/01 giường bệnh). Các bệnh viện phải đặc biệt ưu tiên cơ sở hạ tầng để bố trí đủ giường bệnh kế hoạch theo đúng quy mô được giao. Phần cơ sở hạ tầng còn lại mới được bố trí giường bệnh xã hội hóa để đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ, kế hoạch Nhà nước giao.

- Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các điều kiện về cơ sở hạ tầng, thiết bị, dịch vụ kèm theo, sự chăm sóc của nhân viên y tế... để tạo sự khác biệt về chất lượng dịch vụ giường bệnh xã hội hóa đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của người bệnh.

- Những buồng bệnh, giường bệnh xã hội hóa của các khoa có công suất sử dụng thấp, đề nghị các bệnh viện điều chỉnh sang hoạt động như giường bệnh kế hoạch.

- Riêng đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Sau khi tiếp nhận cơ sở vật chất của Bệnh viện Y học cổ truyền hiện nay, bệnh viện sẽ bố trí khoa và giường bệnh theo yêu cầu tập trung riêng biệt, hạn chế tối đa sử dụng buồng bệnh theo yêu cầu riêng lẻ tại các khoa như hiện nay.

Thực hiện thường xuyên

Sở Y tế

02

Cử tri xã Hồng Kỳ và một số xã huyện Yên Thế phản ánh: Hiện nay, trên địa bàn huyện đang thực hiện việc trông trẻ dưới 3 tuổi theo hệ dân lập trong các trường công lập. Tuy nhiên chỉ sử dụng giáo viên hợp đồng theo hệ dân nuôi, lương thấp không thu hút được giáo viên, nhiều người bỏ nghề đi làm công ty; phụ huynh phải đóng học phí cao, nhiều cặp vợ chồng trẻ kinh tế khó khăn cho trẻ ở nhà. Khi trẻ em nông thôn ở nhà thì xảy ra rất nhiều nguy cơ (đuối nước, tai nạn thương tích…), trong khi Đảng và nhà nước từ Trung ương đến địa phương đang làm nhiều việc để bảo vệ trẻ em tốt nhất. Đề nghị các cấp quan tâm và có chế độ đãi ngộ đối với giáo viên mầm non ở lớp học này và nghiên cứu hỗ trợ đối với gia đình nông thôn, miền núi có con ở lứa tuổi này để trẻ em vùng nông thôn, miền núi có điều kiện đến trường.

Trong những năm gần đây, UBND tỉnh đã ban hành một số văn bản phát triển giáo dục mầm non như: Nghị quyết 19/2017/NQ-HĐND, ngày 13/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định cơ chế, chính sách hợp đồng giáo viên mầm non; Kết luận 43-KL/TU ngày 11/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo thiếu lớp học, thiếu giáo viên ở bậc học mầm non… Riêng đối với năm 2018, UBND tỉnh tiếp tục tuyển dụng 225 giáo viên mầm non vào biên chế và 206 giáo viên hợp đồng tạo điều kiện để các nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc giáo dục trẻ.

Tiếp thu ý kiến của cử tri xã Hồng Kỳ huyện Yên Thế phản ánh, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu với HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách đối với giáo dục mầm non trong thời gian tiếp theo để đảm bảo đủ giáo viên, đáp ứng nhu cầu chăm sóc trẻ.

Thực hiện thường xuyên

Sở Giáo dục và Đào tạo

 
Trung bình (0 Bình chọn)