Kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Thực hiện Công văn số 313/ĐĐBQH-VP ngày 11 tháng 5 năm 2017 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền kiểm tra thực tế, xem xét, trả lời các nội dung cử tri phản ánh. Ngoài các vấn đề đã được giải trình trực tiếp, UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị trên các lĩnh vực, cụ thể như sau:

1. Cử tri huyện Sơn Động đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường đối với sản phẩm chè Bát Tiên của huyện.

Hiện nay, cây chè được trồng tập trung tại thị trấn Thanh Sơn, huyện Sơn Động với 43 hộ sản xuất, tổng diện tích chè là 11 ha, sản lượng bình quân ước đạt 8,1 tạ/ha/năm; giá thành từ 200.000 – 300.000đ/kg chè khô; giải quyết việc làm cho 60 lao động với mức thu nhập ổn định. Đối với sản phẩm chè Bát Tiên của huyện Sơn Động, UBND tỉnh đã bổ sung vào danh mục các sản phẩm nông sản, đặc trưng của tỉnh năm 2017 và đang xây dựng thương hiệu.

Để sản phẩm chè Bát Tiên đạt chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, được nhiều người tiêu dùng ưa thích cũng như bảo đảm phát triển hàng hóa nông sản bền vững, cần có sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị lẫn người dân, đặc biệt với người dân cần phải thay đổi phương thức sản xuất. Trước mắt, tập trung thực hiện một số giải pháp chính, chủ yếu sau:

- Thực hiện quy hoạch vùng sản xuất chè tập trung, mở rộng diện tích trồng mới; tập trung thực hiện các biện pháp thâm canh, cải tạo phục hồi các nương chè để nâng cao năng xuất, chất lượng chè búp tươi. 

- Thành lập và phát triển các HTX chè để tiếp nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật, làm cầu nối liên kết tiêu thụ nông sản hiệu quả giữa người sản xuất với doanh nghiệp, với thị trường, tạo ra sức cạnh tranh hàng hóa và chuỗi giá trị nông sản. Chỉ đạo các hộ xã viên thực hiện nghiêm khắc từng quy trình, như sử dụng phân bón vi sinh; sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học phòng trừ sâu bệnh hại; tuyệt đối không sử dụng các loại phân hóa học, hóa chất kích thích để tăng năng suất và thời gian thu hái.

 - Triển khai, hỗ trợ các đề án ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để tạo ra sản phẩm chè đạt chất lượng. Đẩy mạnh công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh; tiếp nhận, triển khai công nghệ bảo quản, chế biến các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh nhằm kéo dài thời gian thu hoạch và nâng cao giá trị sản phẩm.

- Đẩy mạnh thực hiện công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường đối với sản phẩm chè Bát Tiên: Hỗ trợ quảng bá sản phẩm chè Bát Tiên tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh và giới thiệu, đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ hiện đại (siêu thị, TTTM…). Tổ chức triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu, kết nối giữa vùng sản xuất chè với các doanh nghiệp, thương nhân và các hệ thống phân phối.

2. Cử tri huyện Sơn Động đề nghị sớm đẩy nhanh tiến độ hoàn thổ, sửa chữa các mương, cống thoát nước do ảnh hưởng của dự án đường 293 đoạn qua xã Tuấn Mậu để nhân dân sớm ổn định sản xuất.

Đoạn Km67+400 - Km67+562 thuộc dự án ĐT293 qua địa bàn xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động có thiết kế rãnh dọc đất hình thang bên trái tuyến. Tuy nhiên, hiện nay mới thi công được khoảng 80/162m rãnh, phần còn lại chưa thi công hoàn chỉnh do một số đoạn còn vướng mặt bằng, một số đoạn các hộ dân san lấp rãnh đã đào để tạo lối đi vào nhà. UBND tỉnh đã chỉ đạo Chủ đầu tư, UBND huyện Sơn Động giải quyết dứt điểm những tồn tại về GPMB tại đoạn tuyến nêu trên để thi công hoàn chỉnh hệ thống rãnh dọc theo thiết kế được duyệt. Đồng thời vận động nhân dân đặt cống dọc thoát nước tại các lối đi vào nhà dân để đảm bảo lưu thông dòng chảy.

3. Cử tri huyện Sơn Động phản ánh: Tỉnh Bắc Giang đã thực hiện số hóa truyền hình mặt đất và phát song song truyền hình tương tự (Analog), nhưng do địa hình miền núi phức tạp, vùng sâu, vùng xa, vùng lõm...hiệu quả của sóng truyền hình số mặt đất tại khu vực Sơn Động rất thấp. Đề nghị tỉnh quan tâm, hỗ trợ đầu tư, nâng cấp thiết bị tại các trạm tiếp sóng truyền hình Analog (hiện có) để có thể tiếp sóng truyền hình số mặt đất phục vụ nhân dân được xem các chương trình có chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt.

Theo lộ trình triển khai số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 của Chính phủ, tỉnh Bắc Giang thuộc nhóm 2 – giai đoạn II của Đề án số hoá truyền hình đã được phủ sóng truyền hình số mặt đất và đã hỗ trợ đầu thu số mặt đất STB cho một số các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn theo chuẩn cũ, sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất – Analog (đối với trạm phát sóng chính đặt tại Trụ sở Đài PT&TH tỉnh) từ ngày 15/8/2017. Đối với các trạm phát lại truyền hình tương tự mặt đất ở các huyện (14 trạm phát lại), thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất sẽ được Ban Chỉ đạo Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam xem xét, quyết định. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Giang kết hợp với Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện phát sóng số mặt đất từ ngày 01/9/2016 và ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (Analog) vào đúng ngày 15/8/2017 theo đúng lộ trình chỉ đạo của Chính phủ.

Việc cử tri huyện Sơn động phản ánh hiệu quả của sóng truyền hình số mặt đất tại khu vực Sơn Động rất thấp là đúng, vì do địa hình miền núi phức tạp, vùng sâu, vùng xa, vùng lõm… sóng truyền hình số mặt đất không tới được khu vực này. Theo hướng dẫn chỉ đạo của cấp trên, những vùng có địa hình phức tạp này thì người dân sẽ xem các chương trình truyền hình bằng phương thức truyền hình vệ tinh, truyền hình cáp, truyền hình Internet… Không hỗ trợ đầu thu số mặt đất cho các hộ nghèo mà hỗ trợ bằng Chảo thu vệ tinh. Theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Công văn số 2128/CTS-KSTS ngày 16/8/2013 đối với Đài Phát thanh - Truyền hình cấp tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện, không đầu tư, mua sắm, triển khai mới các thiết bị phát hình tương tự mặt đất trên địa bàn, trừ trường hợp đặc biệt cần thiết đầu tư mới để phủ sóng mặt đất cho vùng sâu, vùng xa, vùng chưa được phủ sóng các kênh chương trình phục vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu.

Trước mắt, để đảm bảo cho người dân trên địa bàn huyện Sơn Động xem được các chương trình truyền hình có chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt hơn, đề nghị UBND huyện Sơn Động sửa chữa, duy trì trạm phát lại truyền hình tương tự mặt đất (Analog) hiện có trên địa bàn huyện theo nguồn kinh phí sự nghiệp phát thanh, truyền hình đã được cấp hàng năm cho huyện và khuyến khích nhân dân sử dụng truyền hình vệ tinh, truyền hình cáp, truyền hình Internet … để xem các kênh truyền hình của Trung ương và của tỉnh được thuận lợi và chất lượng.

4. Cử tri các huyện Lục Ngạn, Sơn Động  phản ánh tình trạng thông tin  in trên Thẻ Bảo hiểm y tế bị sai sót nhiều. Hiện đã sắp hết tháng 4 năm 2017 nhưng tại thôn Bèo, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn còn hơn 10 trường hợp chưa nhận được thẻ Bảo hiểm y tế cấp lại năm 2017. Đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh quan tâm, có biện pháp giải quyết tình trạng trên và sớm cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế cho người dân.

- Về tình trạng sai thông tin trên thẻ BHYT: Việc in, phát hành thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được BHXH tỉnh quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên, vẫn còn đơn vị quản lý đối tượng lập danh sách đề nghị cấp thẻ chưa đúng, đủ thông tin của đối tượng theo hướng dẫn của cơ quan BHXH, dẫn đến thẻ phát hành bị sai lệch thông tin về nhân thân của đối tượng. Tiếp thu ý kiến phản ánh của cử tri, Bảo hiểm xã hội tỉnh bắc Giang đã chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố phối hợp đơn vị tổ chức thực hiện việc cấp thẻ cho đối tượng đảm bảo chính sách, kịp thời, hạn chế thấp nhất việc sai sót thông tin trên thẻ BHYT

- Về việc đối tượng phản ánh chưa được nhận thẻ BHYT cấp lại năm 2017 tại thôn Bèo, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn: Qua kiểm tra, xác định cho thấy đây là hồ sơ cấp thẻ mới của đối tượng người dân tộc thiểu số. Nguyên nhân là do đơn vị chuyển danh sách đề nghị cấp thẻ chậm (ngày 11/4/2017, UBND xã Giáp Sơn mới có danh sách đề nghị cấp thẻ bổ sung năm 2017). BHXH huyện Lục Ngạn đã tiến hành kiểm tra, rà soát dữ liệu phát hiện có tình trạng trùng thẻ BHYT nên chuyển lại danh sách đề nghị đơn vị kiểm tra lại. Sau khi đơn vị kiểm tra chuyển lại, BHXH huyện đã thực hiện in thẻ và trả đơn vị ngày 25/4/2017.

5. Cử tri huyện Lục Ngạn đề nghị tỉnh quan tâm, cải tạo hệ thống mương thoát nước tại hai bên khu dân cư dọc tuyến Quốc lộ 31 đoạn qua địa bàn thôn Lim, xã Giáp Sơn.

Tuyến quốc lộ 31 do Trung ương ủy thác cho Sở Giao thông vận tải quản lý; việc cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì được thực hiện bằng nguồn vốn Trung ương, do Trung ương quyết định. Nội dung kiến nghị của cử tri về cải tạo hệ thống rãnh thoát nước tại khu dân cư thuộc địa bàn thôn Lim, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn là hợp lý. Tuy nhiên, do nguồn vốn bảo trì hàng năm chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Giao thông vận tải đề xuất Bộ Giao thông vận tải sớm bố trí kinh phí để triển khai thực hiện. Hiện nay, kế hoạch bảo trì đường quốc lộ năm 2018 đã được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận, nên nội dung cử tri đề nghị dự kiến đưa vào kế hoạch thực hiện, hoàn thành trong năm 2019.

6. Cử tri huyện Lục Nam tiếp tục phản ánh: Công ty TNHH Khải Thừa sản xuất bao bì tại xã Tiên Nha xả nước thải ra Sông Lục Nam và thường xuyên xả khói bụi vào ban đêm gây nhiễm môi trường nước và không khí. Đề nghị kiểm tra, xem xét, xử lý kịp thời.

Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của cử tri UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND huyện Lục Nam, UBND xã Tiên Nha và xã Tiên Hưng, huyện Lục Nam thành lập đoàn công tác tổ chức kiểm tra thực tế và làm việc với Công ty TNHH Khải Thừa Việt Nam và nhận thấy: Công ty đã thực hiện khắc phục, đã dừng hoạt động đốt mặt sàng nhựa, cải tạo khu vực làm kho chứa nguyên liệu, thực hiện thu gom, ký hợp đồng xử lý chất thải phát sinh, đang thực hiện nâng cấp 02 máy tái chế nhựa có lắp đặt hệ thống xử lý khí thải; toàn bộ nước thải phát sinh được thu gom xử lý tại hệ thống xử lý tập trung của Công ty công suất 600 m3/ngày đêm trước khi thải ra sông Lục Nam. Tuy nhiên tại khu vực xưởng sản xuất phát sinh mùi khó chịu, khí thải phát sinh từ các máy gia nhiệt hạt nhựa phân xưởng kéo sợi chưa được thu gom, xử lý triệt để đúng như phản ánh của cử tri.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty TNHH Khải Thừa Việt Nam tiếp tục đầu tư nâng cấp, có biện pháp thu gom, xử lý triệt để mùi, khí thải phát sinh trong quá trình hoạt động, không ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh; tiếp tục duy trì vận hành thường xuyên các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường; báo cáo kết quả khắc phục gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Lục Nam và cơ quan liên quan xong trước ngày 15/7/2017.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên phối hợp với UBND huyện Lục Nam, UBND xã Tiên Nha và UBND xã Tiên Hưng theo dõi, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Khải Thừa Việt Nam, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

7. Cử tri huyện Lục Nam tiếp tục phản ánh: Kho thuốc sâu của Công ty TNHH Hoàng Phúc tại xã Chu Điện gần khu dân cư không đảm bảo an toàn. Đề nghị kiểm tra, xem xét, kịp thời xử lý.

Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của cử tri, UBND tỉnh đã yêu cầu UBND huyện Lục Nam chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra thực tế tại Công ty TNHH Hoàng Phúc (tại thôn Mẫu Sơn, xã Chu Điện, huyện Lục Nam). Qua kiểm tra, Công ty TNHH Hoàng Phúc có đầy đủ các loại giấy tờ hợp lệ như: Giấy phép Kinh doanh do sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bắc Giang cấp, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do Cục sở hữu trí tuệ, Bộ khoa học và công nghệ cấp, có bản cam kết bảo vệ môi trường do UBND huyện Lục Nam xác nhận để sản xuất phân bón lá.

Để làm rõ ý kiến của nhân dân, đánh giá cụ thể mức độ gây ô nhiễm môi trường của Công ty TNHH Hoàng Phúc, UBND huyện Lục Nam đã chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn có đầy đủ chức năng, phương tiện để quan trắc, đánh giá. Kèm theo biên bản lấy mẫu quan trắc định kỳ và kết quả thử nghiệm ngày 20/10/2016 của Trung tâm công nghệ xử lý môi trường- Bộ tư Lệnh hóa học chứng minh Công ty TNHH Hoàng Phúc có địa chỉ thôn Mẫu Sơn, xã Chu Điện không gây ô nhiễm môi trường tại địa phương như ý kiến cử tri phản ánh.

Trung bình (0 Bình chọn)