Kiến nghị trước, sau kỳ họp thứ 9: Lĩnh vực Kinh tế - Ngân sách (phần 1)

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

1. Cử tri thành phố Bắc Giang: Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng nghiên cứu điều chỉnh vị trí quay đầu xe khu vực cầu vượt đường cao tốc (đường Võ Nguyên Giáp đi Yên Dũng) qua thôn Liêm Xuyên, xã Song Khê cho thuận lợi vì đoạn này các xe lớn quay đầu khi nhập làn vào đường cao tốc rất khó khăn, gây cản trở giao thông (trước kỳ 9).

UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông vận tải tổ chức làm việc với lực lượng cảnh sát giao thông, công an phòng cháy chữa cháy trực thuộc Công an tỉnh và chính quyền địa phương để làm rõ kiến nghị và thống nhất đánh giá: Tại khu vực Km62+900 đã có điểm quay đầu xe, việc mở dải phân cách tại điểm giao qua thôn Liêm Xuyên, xã Song Khê (Km62+870) sẽ gây xung đột giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT.

2. Cử tri thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam phản ánh: Trên địa bàn Tổ dân phố Nhiêu Hà, thị trấn Đồi Ngô có Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Hoàng Ninh do tỉnh cấp phép kinh doanh, hoạt động gây ô nhiễm môi trường; cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, xem xét lại việc cấp phép kinh doanh cho công ty nói trên (trước kỳ 9).

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND huyện Lục Nam, UBND thị trấn Đồi Ngô và Tổ trường tổ dân phố Nhiêu Hà tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường trong quá trình thực hiện dự án của nhà đầu tư. Qua kiểm tra cho thấy:

- Công ty CP Hoàng Ninh Group được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư số 106/QĐ-UBND ngày 04/02/2016 để thực hiện dự án “Xây dựng bãi tập kết và trung chuyển than”, địa điểm thực hiện tại Khu bờ sông Bến Cây Đa Thờ, thôn Nhiêu Hà, xã Tiên Hưng (nay đã được sáp nhập vào thị trấn Đồi Ngô), huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang với các nội dung chính sau: Mục tiêu, quy mô: xây dựng tập kết và trung chuyển than các loại với công suất 35.000 tấn/năm; Diện tích đất sử dụng: 18.000m2; Tổng vốn đầu tư: 26 tỷ đồng; Thời hạn hoạt động dự án: 35 năm kể từ ngày được cấp chủ trương đầu tư; Tiến độ thực hiện dự án: hoàn thành dự án và đi vào hoạt động tháng 06/2017.

- Về đầu tư: Nhà đầu tư đang thực hiện tập kết và trung chuyển than đảm bảo theo mục tiêu dự án được chấp thuận.

- Về đất đai: Nhà đầu tư đã được UBND tỉnh Bắc Giang cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CY210633 ngày 21/5/2021 với diện tích đất là 17.843,5m2, nhà đầu tư đã đưa đất vào sử dụng theo đúng mục đích sử dụng đã được cấp.

- Về xây dựng: Dự án đã được Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng số 175/GPXD ngày 08/02/2017, được Sở Xây dựng thỏa thuận điều chỉnh tổng mặt bằng tại Văn bản số 1044/SXD-QHKT ngày 09/5/2019, được Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lục Nam thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình tại Văn bản số 03/KT&HT ngày 09/01/2020. Đến nay nhà đầu tư không xây dựng thêm hạng mục công trình nào.

- Về môi trường: Nhà đầu tư đã được UBND huyện Lục Nam cấp Giấy xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản số 49/GCN-UBND ngày 24/6/2016. Nhà đầu tư đã ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, xử lý chất thải nguy hại (với Công ty công nghiệp Hòa Bình); thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt về khu xử lý tại bãi rác của Thị trấn Đồi Ngô (với tổ Vệ sinh môi trường của thôn Nhiêu Hà). Theo báo cáo của nhà đầu tư, đối với chất thải rắn (xỉ than) thì nhà đầu tư bán cho các tổ chức khác làm nguyên liệu sản xuất hặc tận dụng chế biến than. Nhà đầu tư đã trồng cây xanh xung quanh bãi tập kết, căng lưới dọc tuyến đường giao thông tiếp giáp với khu vực dự án; đã bố trí hệ thống thu gom nước mưa, nhưng chưa được nạo vét thường xuyên; bố trí khu vực lưu trữ chất thải nguy hại nhưng chưa đảm bảo, để lẫn với chất thải nguy hại với trạm bơm dầu; trong quá trình hoạt động, đã phun nước giảm bụi, vệ sinh công nghiệp nhưng chưa thường xuyên. Tại buổi kiểm tra, đoàn kiểm tra đã đề nghị nhà đầu tư: trồng nhiều cây xanh có tán cao, căng lưới cao hơn để hạn chế tối đa bụi than; thường xuyên nạo, vét hệ thống thoát nước mưa; tăng cường vệ sinh công nghiệp đối với toàn khu vực; tăng cường giải pháp thu hồi bụi than tại công đoạn tập kết, bốc dỡ, sàng tuyển, nghiền than; bố trí riêng khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại theo quy định.

Theo ý kiến của UBND thị trấn Đồi Ngô và Tổ trưởng tổ dân phố Nhiêu Hà: mặc dù nhà đầu tư đã thực hiện các biện pháp hạn chế tác động đến môi trường: trồng cây, tưới nước, căng lưới... tuy nhiên vào thời điểm có gió mùa và đặc thù của bụi than nên dự án vẫn có tác động đến môi trường xung quanh. Như vậy, trong quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư cơ bản chấp hành các quy định. Do đặc thù của dự án (có phát sinh bụi than) nên vào những thời điểm có gió to, dự án ít nhiều có ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Trong thời gian tới, UBND huyện Lục Nam tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ hoạt động của dự án, đặc biệt là việc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường để hạn chế các tác động xấu của dự án tới môi trường xung quanh.

3. Cử tri thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam và thành phố Bắc Giang phản ánh: Hiện nay, quy định của tỉnh Bắc Giang về mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp bằng 3 lần giá đất nông nghiệp. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm bằng 5 lần giá đất nông nghiệp theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 20, Nghị định 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ, nhất là đối với độ tuổi từ 40 trở lên và hỗ trợ bằng đất tái định cư để người dân ổn định cuộc sống (trước kỳ 9).

Quy hoạch sử dụng đất tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022 trong đó đã xác định cụ thể mục tiêu phát triển của tỉnh Bắc Giang đến năm 2030 là: “Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa Bắc Giang phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Bắc Giang trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng; dịch vụ phát triển đa dạng, có bước đột phá; nông nghiệp phát triển ổn định, theo hướng an toàn, chất lượng và hiệu quả. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, kinh tế, chi thức được phát huy, trở thành nhân tố chủ yếu đóng góp cho nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội được phát triển toàn diện và thuộc nhóm tiên tiến của cả nước; đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của nhân dân được nâng lên; mở rộng hợp tác, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc.

Đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước và đứng đầu Trung du và miền núi phía Bắc.”

Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tập trung xây dựng và quy định cụ thể các chính sách về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ GPMB khi thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất đảm bảo theo quy định tại Điều 61, 62 Luật Đất đai năm 2013. Đến nay, UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định Quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang như: Quyết định số 10/2019/QĐ-UBND ngày 21/5/2019, Quyết định số 20/2020/QĐ-UBND ngày 02/7/2020 và Quyết định số 70/2021/QĐ-UBND ngày 14/12/2021. Trong đó đã tính toán đến quyền lợi của người có đất thu hồi như: Giá đất bồi thường, hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm, tái định cư, bồi thường bằng đất ở, và các khoản hỗ trợ khác … để người có đất thu hồi có thể ổn định đời sống. Các chính sách về bồi thường, hỗ trợ là phù hợp với tình hình hiện tại và được đa số người dân đồng thuận, ủng hộ. Đồng thời, giá đất để tính bồi thường GPMB là giá đất cụ thể tại thời điểm thu hồi đất. Từ ngày 10/01/2016 đến nay, UBND tỉnh đã uỷ quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt giá đất để tính bồi thường, nhằm đảm bảo giá bồi thường sát với giá thị trường. Tại thời điểm xây dựng Quyết định số 10/2019/QĐ-UBND ngày 21/5/2019 việc áp dụng mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm bằng 3 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của UBND tỉnh là phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn tỉnh (kinh phí hỗ trợ đảm bảo để hoàn thành một khóa học đào tạo nghề tại một trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh).

Thực tế cho thấy, tại những khu vực nhà nước thu hồi đất để xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, đời sống người dân đã có sự cải thiện rõ rệt. Người dân ngoài việc được hưởng các tiện ích của các dự án về hạ tầng giao thông, chiếu sáng, môi trường... còn có thêm rất nhiều cơ hội việc làm, điều kiện kinh doanh dịch vụ để tăng thu nhập.

Trong thời gian tới, trên cơ sở Luật Đất đai sửa đổi đang được Chính phủ hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua, UBND tỉnh sẽ giao cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung các chính sách đối với người dân có đất nhà nước thu hồi, vấn đề trọng tâm là đưa ra các giải pháp hỗ trợ có tính bền vững, giải quyết sinh kế lâu dài cho người dân; hỗ trợ các đối tượng chính sách, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

- Về việc đề nghị bố trí tái định cư: Theo Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai việc bố trí tái định cư chỉ áp dụng khi nhà nước thu hồi đất ở, không áp dụng trong trường hợp nhà nước thu hồi đất nông nghiệp.

4. Cử tri xã Hoàng Thanh, thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hoà phản ánh: Hiện nay giá phân bón, vật tư nông nghiệp quá cao, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp của nhân dân. Đề nghị UBND tỉnh xem xét có cơ chế quản lý, hỗ trợ giá (trước kỳ 9).

Thời gian qua, do ảnh hưởng tình hình thế giới đã dẫn đến giá vật tư đầu vào sản xuất tăng cao, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp của người dân (hiện nay giá vật tư đã giảm so với năm 2022 và tương đối ổn định). Để hỗ trợ người dân trong sản xuất, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:

- Tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, kịp thời xử lý tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng; yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, không để xảy ra tình trạng ém hàng để nâng giá.

- Khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, sản xuất vùng tập trung; đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp góp phần giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

- Tập huấn, hướng dẫn nông dân nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả trong tiết giảm chi phí đầu vào, như kỹ thuật canh tác lúa SRI, 3 giảm 3 tăng, sử dụng thuốc BVTV 4 đúng, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân vô cơ…

- Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang thực hiện một số chính sách hỗ trợ giống, vật tư, hóa chất, vắc xin, liên kết theo chuỗi... hỗ trợ người nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đang tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2026 (dự kiến trình kỳ họp tháng 7/2023) để tiếp tục hỗ trợ cho người sản xuất.

5. Cử tri xã Tam Tiến, huyện Yên Thế: Đề nghị UBND tỉnh xem xét có cơ chế tăng mức hỗ trợ xây dựng nhà văn hoá đối với các thôn ở miền núi, vì mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số, người dân còn nhiều khó khăn, số hộ dân của thôn ít; hiện nay giá cả các mặt hàng, vật liệu xây dựng tăng cao nên việc huy động vốn đối ứng của nhân dân rất khó khăn (trước kỳ 9).

Căn cứ vào nguồn vốn đã được phân bổ, UBND huyện Yên Thế đã ban hành Quyết định số 517/QĐ-UBND ngày 31/8/2022 về việc phân bổ vốn đầu tư phát triển thực hiện 03 Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, đối với nguồn vốn nông thôn mới. UBND huyện Yên Thế đã xây dựng và ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong đó đối với xã Tam Tiến: Hỗ trợ xây dựng mới nhà văn hóa thôn, bản; cụ thể: Vốn ngân sách Trung ương, tỉnh: 600.000.000 đồng, UBND huyện hỗ trợ 100.000.000 đồng/NVH, UBND xã: hỗ trợ 50.000.000 đồng (Tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách theo kế hoạch 750.000.000 đ/NVH). Với nguồn vốn trên, cơ bản đã đáp ứng được việc xây dựng nhà văn hóa đảm bảo theo yêu cầu; bên cạnh đó, cần sự chung tay góp sức của người dân trên địa bàn để xây dựng nhà văn hóa đầy đủ về cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

6. Cử tri huyện Hiệp Hòa đề nghị: Việc triển khai mô hình chính quyền thân thiện cấp xã và công an nhân dân tận tuỵ vì nhân dân phục vụ đem lại nhiều lợi ích cho người dân, giảm phiền hà, sách nhiễu, người dân được phục vụ tốt hơn, củng cố niềm tin của nhân dân đối với bộ máy chính quyền các cấp. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho chính quyền cấp xã thực hiện chính quyền thân thiện, phục vụ tốt nhân dân, đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ thêm kinh phí chi thường xuyên cho các xã, thị trấn để chi cho các nội dung liên quan đến mô hình trên (trước kỳ 9).

Tại Nghị quyết số 46/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh ban hành quy định định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2022 của các cấp chính quyền địa phương tỉnh Bắc Giang; theo đó định mức chi thường xuyên ngân sách cấp xã giai đoạn 2022-2025 đã tăng khoảng 23% so với định mức chi thường xuyên quy định tại Nghị quyết số 32/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh ban hành quy định định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2017 của các cấp chính quyền địa phương tỉnh Bắc Giang (áp dụng cho giai đoạn 2017-2021). Do vậy, đề nghị các xã chủ động sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên theo định mức được phân bổ và các nguồn lực tài chính của địa phương để triển khai thực hiện.

7. Cử tri thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hoà phản ánh: Các ngân hàng thương mại khi cho người dân vay tiền thường gợi ý người dân mua thêm một số loại hình bảo hiểm, gây khó khăn về tài chính cho người dân. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra và xử lý tình trạng trên (trước kỳ 9).

UBND tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh kiểm tra nội dung của cử tri phản ánh. Việc để xảy ra phản ánh, thắc mắc của khách hàng trong quá trình vay vốn gắn với mua bảo hiểm là do các Ngân hàng thương mại chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích rõ quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia bảo hiểm, để khách hàng hiểu sai là bị ép buộc mua bảo hiểm. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm túc, chấn chỉnh cán bộ trong trao đổi làm việc với khách hàng để tránh xảy ra hiểu lầm. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Ngân hàng thương mại thực hiện đúng các quy định cho vay và cung cấp dịch vụ bảo hiểm, tăng cường công tác thông tin, truyền thông về dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm và Ngân hàng nhà nước tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra trực tiếp tại một số địa bàn để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời nếu có sai phạm.

8. Cử tri xã Tân Hiệp, huyện Yên Thế: Đề nghị UBND tỉnh quan tâm thu hút các doanh nghiệp đầu tư sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vào địa bàn huyện Yên Thế (trước kỳ 9).

Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã rất quan tâm, chỉ đạo chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 11/7/2019 quy định cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025. Bên cạnh đó, ngày 11/01/2021 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 09/QĐ-UBND phê duyệt danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, trong đó trên địa bàn huyện Yên Thế có 03 dự án thuộc nhóm dự án về chế biến nông sản. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã thu hút được 66 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, riêng trên địa bàn huyện Yên Thế thu hút được 09 dự án, trong đó có 08 dự án của nhà đầu tư trong nước và 01 dự án của nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND huyện Yên Thế và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện kế hoạch xúc tiến đầu tư của tỉnh, trong đó có thu hút các doanh nghiệp đầu tư sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vào địa bàn tỉnh nói chung và địa bàn huyện Yên Thế nói riêng. Đồng thời sẽ chỉ đạo UBND huyện Yên Thế tiếp tục rà soát, đề xuất UBND tỉnh bổ sung quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan để tạo điều kiện thu hút đầu tư các dự án tiêu thụ và chế biến nông nghiệp trên địa bàn huyện.

9. Cử tri các xã Tiên Sơn, Vân Hà, huyện Việt Yên: Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cầu dân sinh bắc qua sông Cầu sang thành phố Bắc Ninh (trước kỳ 9).

(1) UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải nghiên cứu, xem xét nội dung cử tri kiến nghị, cho thấy: Việc đầu tư xây dựng cầu Vân Hà bắc qua sông Cầu sang thành phố Bắc Ninh là cần thiết để đảm bảo kết nối cho người và phương tiện vận chuyển sang Bắc Ninh thuận lợi. Ngày 26/02/2021, UBND huyện Việt Yên đã có Công văn số 98/UBND-KTHT về việc cho phép thực hiện dự án: ĐTXD cầu dân sinh vượt sông Cầu kết nối huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang với thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, tuy nhiên UBND huyện Việt Yên chưa xác định được nguồn vốn đầu tư nên chưa triển khai các bước tiếp theo. Bên cạnh đó, Cầu Vân Hà kết nối sang tỉnh Bắc Ninh đã nằm trong quy hoạch giao thông vận tải của tỉnh nên trong thời gian tới UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tổ chức làm việc với Sở Giao thông vận tải Bắc Ninh để thống nhất phương án đầu tư kết nối hai bên, cân đối vốn để đầu tư trong thời gian tới.

(2) Tuyến đê Bối Tiên Sơn - Vân Hà thuộc tuyến tả Sông Cầu, thuộc đê cấp V, chiều dài 09km, chiều rộng 06 - 6,5m, mặt đê được đổ bê tông rộng 05 m, mặt phẳng, không sụt lún, đứt, gãy, hai bên lề mỗi bên rộng 50cm - 70cm được trồng cỏ bảo vệ, cao trình đỉnh đê +6.0 ÷ +6.2. Toàn tuyến đê bối này được UBND huyện Việt Yên hỗ trợ kinh phí cải tạo, nâng cấp năm 2019. Qua kiểm tra, mặt đê tốt đảm bảo cho việc đi lại và sinh hoạt của Nhân dân tại khu vực này. Căn cứ Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2026 của Thủ tướng Chính phủ Quyết định Phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, tại “phần V. GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG LŨ, Mục 3. Quản lý sử dụng bãi sông” thì Tuyến đê bối Tiên Sơn - Vân Hà đã đáp ứng đủ điều kiện theo Quyết định trên. Tuy nhiên qua kiểm tra cho thấy chân đê phía sông bị sạt lở từ K8+100 đến K8+250 với chiều dài khoảng 150m sát mép mặt đường đê bê tông và vẫn còn hiện tượng tiếp tục bị sạt lở. Để đảm bảo việc đi lại, sinh hoạt của Nhân dân tại khu vực này, cũng như đảm bảo yêu cầu phòng chống thiên tai, UBND huyện Việt Yên đã giao các cơ quan chuyên môn, UBND xã Tiên Sơn tiếp tục theo dõi vị trí sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời. Về lâu dài, UBND huyện Việt Yên sẽ bố trí kinh phí kè lát mái đoạn đê này để đảm bảo an toàn cho tuyến đê bối cũng như giao thông đi lại của Nhân dân.

10. Cử tri xã Kim Sơn, huyện Lục Ngạn: Đề nghị UBND tỉnh xem xét, đầu tư, xây dựng cầu bắc qua sông Thảo, đoạn qua thôn Đồng Láy, Đồng Rãng, xã Biển Động, giúp người dân đi lại thuận tiện khi mùa mưa lũ và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương (trước kỳ 9).

UBND huyện Lục Ngạn đã giao cho các cơ quan chuyên môn khảo sát thực tế cho thấy việc đi lại qua thôn Đồng Láy, thôn Đồng Rãng, xã Kim Sơn đi qua sông Thảo bằng ngầm tràn; và việc đi lại từ thôn Tam Chẽ đến thôn Đấp, xã Sơn Hải qua cầu phao tạm thời trên hồ Cấm Sơn đều gặp khó khăn, gián đoạn tạm thời khi có mưa lớn, nước sông, hồ lên cao. Nguyện vọng của cử tri xã Kim Sơn và xã Sơn Hải đề nghị đầu tư xây dựng cầu là chính đáng. Tuy nhiên, do khoảng cách 2 bờ sông Thảo (xã Kim Sơn) và hồ Cấm Sơn (xã Sơn Hải) rất lớn, lên tới hàng trăm mét, dân số trong khu vực không nhiều, nếu xây dựng cầu cần có nguồn kinh phí rất lớn, trong khi ngân sách địa phương không thể tự cân đối để đảm bảo đầu tư. Vì vậy, trong thời gian tới, UBND huyện Lục Ngạn sẽ quan tâm lập danh mục đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư theo các chương trình, dự án phù hợp từ nguồn ngân sách cấp trên (ví dụ: Dự án LRAMP, chương trình MTQG…) trong giai đoạn tiếp theo.

BGP.

Trung bình (0 Bình chọn)