Kiến nghị trước, sau kỳ họp thứ 9: Lĩnh vực Kinh tế - Ngân sách (phần 2)

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

1. Cử tri xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn: Đề nghị UBND tỉnh xây dựng cầu nối từ thôn Tam Chẽ nơi có trụ sở UBND xã Sơn Hải sang thôn Đấp, vì hiện nay từ thôn ra xã phải đi qua cầu phao, không thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hoá nông sản (trước kỳ 9).

UBND huyện Lục Ngạn đã giao cho các cơ quan chuyên môn khảo sát thực tế cho thấy việc đi lại qua thôn Đồng Láy, thôn Đồng Rãng, xã Kim Sơn đi qua sông Thảo bằng ngầm tràn; và việc đi lại từ thôn Tam Chẽ đến thôn Đấp, xã Sơn Hải qua cầu phao tạm thời trên hồ Cấm Sơn đều gặp khó khăn, gián đoạn tạm thời khi có mưa lớn, nước sông, hồ lên cao. Nguyện vọng của cử tri xã Kim Sơn và xã Sơn Hải đề nghị đầu tư xây dựng cầu là chính đáng. Tuy nhiên, do khoảng cách 2 bờ sông Thảo (xã Kim Sơn) và hồ Cấm Sơn (xã Sơn Hải) rất lớn, lên tới hàng trăm mét, dân số trong khu vực không nhiều, nếu xây dựng cầu cần có nguồn kinh phí rất lớn, trong khi ngân sách địa phương không thể tự cân đối để đảm bảo đầu tư. Vì vậy, trong thời gian tới, UBND huyện Lục Ngạn sẽ quan tâm lập danh mục đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư theo các chương trình, dự án phù hợp từ nguồn ngân sách cấp trên (ví dụ: Dự án LRAMP, chương trình MTQG…) trong giai đoạn tiếp theo.

2. Cử tri xã Kiên Thành, huyện Lục Ngạn: Đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí xây lại Cầu 38 đường ĐH85 ở khu vực cổng Tiểu đoàn 15, Sư đoàn 325 (trước kỳ 9).

Cầu 38 đường ĐH.85 ở khu vực cổng tiểu đoàn 15, sư đoàn 325 có chiều rộng lòng cầu khoảng 3,5m, dài khoảng 25m, hiện trạng đã xuống cấp. Để đáp ứng nhu cầu giao thông thuận tiện cần mở rộng lòng cầu khoảng 9m, cần nguồn kinh phí lớn, trong khi ngân sách địa phương không thể tự cân đối để đảm bảo đầu tư. Vì vậy, thời gian tới, UBND huyện Lục Ngạn sẽ quan tâm lập danh mục đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư theo các chương trình, dự án phù hợp trong giai đoạn tiếp theo.

3. Cử tri các xã: Việt Lập, Liên Sơn, Lam Cốt và thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên phản ánh: Từ năm 2004, thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, các hộ dân đã tiến hành thực hiện. Tuy nhiên, một số xã khi triển khai và lập phương án không đảm bảo theo Hướng dẫn số 175/HD-TNMT ngày 21/01/2014 của Sở Tài nguyên và Môi trường (do diện tích nhỏ hơn 700m2) mặc dù đã được đo đạc xong, đến nay vẫn chưa được cấp giấy CNQSDĐ, gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý và quyền lợi của người dân. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, giải quyết (trước kỳ 9).

Thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa theo Chỉ thị số 04-CT/TU năm 2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về vận động Nhân dân dồn điền, đổi thửa để tạo ô thửa lớn, thuận lợi cho canh tác. Huyện ủy, UBND huyện Tân Yên đã xây dựng Kế hoạch triển khai trên địa bàn, giai đoạn 2004-2008 một số xã đã thực hiện khá tốt việc dồn điền, đổi thửa; sau dồn điền, đổi thửa đa số các hộ đều được lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên tại một số thôn không dồn theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, dẫn tới không được nghiệm thu, do đó chưa được lập hồ sơ để cấp Giấy CNQSD đất sau dồn điền, đổi thửa. Cụ thể: Đối với xã Việt Lập, Lam Cốt, Liên Sơn, thị trấn Cao Thượng tại một số thôn đã thực hiện dồn điền, đổi thửa theo hướng dẫn của tỉnh đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tại một số thôn đã triển khai dồn điền, đổi thửa, tuy nhiên dồn không đảm bảo hướng dẫn, không được nghiệm thu do đó không được lập hồ sơ để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ. Việc các hộ dân phản ánh như trên là đúng. Về nội dung này, giai đoạn 2013 - 2018, huyện Tân Yên tiếp tục chỉ đạo các xã, các thôn tiếp tục triển khai thực hiện dồn điền, đổi thửa để lập hồ sơ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ quản lý theo quy định. Tuy nhiên một số xã đã triển khai nhưng không thực hiện được.

Kế hoạch thời gian tới: Huyện Tân Yên tiếp tục khuyến khích các xã xây dựng kế hoạch dồn điền, đổi thửa theo Chị thị số 12-CT/TU ngày 01/7/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục vận động nông dân thực hiện dồn điền, đổi thửa và theo hướng dẫn số 175/HD-TNMT ngày 21/01/2014 của Sở Tài nguyên và Môi trường để nghiệm thu lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định; mặt khác nếu không thực hiện dồn điền, đổi thửa theo hướng dẫn, quy định thì UBND huyện Tân Yên chỉ đạo UBND các xã hướng dẫn các hộ dân đăng ký kê khai lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận QSD đất theo Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

4. Cử tri các xã An Bá, Dương Hưu, Long Sơn và thị trấn An Châu, huyện Sơn Động phản ánh: Nước sinh hoạt phục vụ nhân dân trên địa bàn huyện thường xuyên không đảm bảo chất lượng, hệ thống cung cấp nước hư hỏng, xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, gây bức xúc trong nhân dân. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo ngành chức năng nhanh chóng khảo sát, đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân (trước kỳ 9).

- Trên địa bàn các xã An Bá, Dương Hưu, Long Sơn đều có công trình cấp nước sạch tập trung (xã An Bá có 02 công trình nước sạch: Công trình cấp nước thôn Đồng Dầu, công trình cấp nước thôn Lái và thôn Hai do UBND xã An Bá quản lý, khai thác, trong đó công trình thôn Đồng Dầu đã ngừng hoạt động do không có đủ nước nguồn, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổng hợp đưa vào danh mục công trình đề nghị thanh lý; xã Dương Hưu có công trình cấp nước xã Dương Hưu với quy mô 600m3/ngày đêm do UBND xã Dương Hưu quản lý; xã Long Sơn có 02 công trình cấp nước thôn Tảu, xã Long Sơn quy mô 75m3/ngày đêm và công trình xã Long Sơn với quy mô 990m3/ngày đêm do UBND xã Long Sơn quản lý). Kết quả xét nghiệm nước tại các công trình nước tập trung tháng 12/2022 các chỉ tiêu cơ bản đều đạt Quy chuẩn kỹ thuật địa phương, riêng 02 công trình xã Long Sơn chỉ tiêu vi sinh không đạt. Hiện nay, các công trình do UBND xã quản lý, đề nghị UBND huyện Sơn Động chỉ đạo, hỗ trợ các xã quản lý, khai thác các công trình phát huy hiệu quả.

Để đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, UBND tỉnh đã đưa công trình cấp nước xã Dương Hưu với quy mô 500m3/ngày đêm, công trình cấp nước xã Long Sơn với quy mô 1.500 m3/ngày đêm vào danh mục công trình xây dựng mới trong Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

- Trên địa bàn thị trấn An Châu hiện có công trình cấp nước thị trấn An Châu với quy mô 950m3/ngày đêm, công trình sau khi hoàn thành được giao cho Công ty TNHH MTV Xây dựng và Cấp nước Hà Bắc quản lý, vận hành và khai thác. Ngày 06/12/2021, UBND tỉnh đã thu hồi công trình để giao cho đơn vị khác quản lý tại Quyết định số 1365/QĐ-UBND của UBND tỉnh do Công ty quản lý, khai thác không hiệu quả; trong thời gian chờ bàn giao, Công ty vẫn tiếp tục quản lý công trình và cấp nước cho người dân. Kết quả xét nghiệm nước tháng 01/2023 các chỉ tiêu đều đạt Quy chuẩn kỹ thuật địa phương. Để có cơ sở phê duyệt giá khởi điểm và phương án đấu giá tài sản của 02 công trình Hệ thống cấp nước sạch tập trung thị trấn Thanh Sơn và hệ thống cấp nước sạch tập trung thị trấn An Châu, huyện Sơn Đông, UBND tỉnh đã giao Thanh tra tỉnh thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để tiến hành thanh tra việc quản lý giá nước sạch và trích lập khấu hao tài sản cố định đối với các dự án cấp nước sạch có sử dụng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Sau khi có kết quả thanh tra, UBND tỉnh sẽ xem xét phê duyệt giá khởi điểm và phương án đấu giá tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch của 02 công nước sạch nói trên đáp ứng kịp thời nhu cầu nước sinh hoạt của Nhân dân.

5. Cử tri xã Biển Động, huyện Lục Ngạn: Đề nghị UBND tỉnh đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch phục vụ nhân dân (trước kỳ 9).

Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/2/2022, Phương án cấp nước cho xã Biển động được quy hoạch xây dựng tại xã Biển Động cấp cho liên xã Biển Động, Phú Nhuận, Kim Sơn, Tân Hoa với công xuất 6000m3/ngày đêm, thuộc danh mục ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 bằng nguồn lực xã hội hóa và ngân sách Nhà nước. Cấp nước sạch là loại hình dự án được Chính phủ khuyến khích thu hút đầu tư theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008, Nghị định 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 và được UBND tỉnh cụ thể hóa tại Quyết định số 274/2016/QĐ-UBND ngày 175/2014 và Quyết định số 26/2019/QĐ-UBND ngày 29/11/2019. Do vậy, trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ giao UBND huyện Lục Ngạn lập danh mục thu hút đầu tư để tiến hành lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành.

6. Cử tri xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế phản ánh: Trạm y tế xã đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án xây dựng từ năm 2019 nhưng đến nay dự án vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm sớm đầu tư xây dựng trạm y tế cho xã (trước kỳ 9).

- Trạm y tế xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế thuộc danh mục 22 trạm y tế thuộc Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, trạm y tế xã Đồng Lạc được đầu tư xây mới cơ sở hạ tầng và trang bị một số trang thiết bị thiết yếu.

- Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở vùng khó khăn sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã được Bộ Y tế phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu khả thi, điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi và Quyết định đầu tư từ năm 2019. Tỉnh Bắc Giang đã hoàn tất các thủ tục để tiếp nhận thực hiện dự án từ năm 2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và một số vướng mắc trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư vay vốn nước ngoài từ Trung ương nên các hoạt động của Chương trình đã bị gián đoạn từ năm 2020 đến năm 2022.

- Ngày 03/01/2023, Ban quản lý Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn trung ương (CPMU) đã có buổi làm việc với Ban Quản lý “Chương trình Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn” sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại tỉnh Bắc Giang (PPMU) để hỗ trợ chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo tiến độ và đúng quy định.

- Ngày 11/01/2023, Bộ Y tế ban hành Công văn số 05/YTCS-KH về việc hướng dẫn triển khai thực hiện “Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn” - vay vốn ADB kèm theo các tài liệu liên quan đến phân bổ vốn Chương trình của Trung ương. Theo đó: Nguồn vốn của Chương trình đã được phê duyệt và phân bổ theo Nghị quyết số 659/NQ-UBTVQH15 ngày 14/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn nước ngoài cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phân bổ kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 của 03 chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương. Năm 2023 tỉnh Bắc Giang dự kiến được phân bổ 35.466 triệu đồng vốn trung ương để triển khai thực hiện Chương trình. Ngày 16/01/2023, Sở Y tế có Tờ trình số 07/TTr-SYT gửi UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện “Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn” sử dụng vốn vay ADB. Theo đó, đề xuất UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án ĐTXD công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh phối hợp với các sở, ngành có liên quan: Tiến hành rà soát tổng hợp danh mục các trạm y tế được đầu tư cần điều chỉnh, báo cáo UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị điều chỉnh trong Quý I/2023.

Ngày 18/4/2023, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 567/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án: Xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các Trạm y tế xã thuộc Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại tỉnh Bắc Giang. Theo đó, điều chỉnh 05 trạm y tế xây mới gồm: Trạm y tế xã Đồng Lạc, xã Bố Hạ huyện Yên Thế (nay là thị trấn Bố Hạ); Trạm y tế xã Đồng Tân, huyện Hiệp Hòa; Trạm y tế xã Trường Giang, huyện Lục Nam; Trạm y tế xã Tân Liễu huyện Yên Dũng: Điều chỉnh gạch lát nền từ Ceramic thành gạch Granite; bậc tam cấp, cầu thang từ trát granito thành ốp đá Granite; bổ sung thiết kế chống mối.

Đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh đã hoàn tất các thủ tục để triển khai dự án, đợi Trung ương phân bổ vốn để khởi công dự án.

7. Cử tri xã Canh Nậu, huyện Yên Thế phản ánh: Giai đoạn 2021- 2024 tỉnh Bắc Giang đã quan tâm đầu tư tuyến đường mới 294B đi qua địa bàn xã Canh Nậu dài hơn 12 km. Tuyến đường này cách khu đập Chùa Sừng có diện tích mặt nước khoảng trên 35 ha, có nhiều đảo trên hồ xung quanh là đất rừng trồng cây lâm nghiệp, khu giáp ranh với đập có khoảng 500 ha rừng tái sinh. Đây là vị trí có thế mạnh để phát triển khu du lịch sinh thái, kết hợp với nghỉ dưỡng cao cấp, đã được huyện Yên Thế đưa vào quy hoạch phát triển huyện giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm thu hút các doanh nghiệp về khảo sát, đầu tư vào khu vực này để giúp địa phương phát triển (trước kỳ 9).

Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đến năm 2050, UBND tỉnh tỉnh xác định du lịch là một ngành dịch vụ quan trọng, cụ thể: trong Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn huyện Yên Thế hiện có 03 khu vực được quy hoạch khu du lịch sinh thái là Khu du lịch sinh thái hồ Đá Ong, khu du lịch sinh thái xã Xuân Lung - Thác Ngà, Khu du lịch sinh thái Hồ Suối Cấy (xã Hồng Kỳ và Đồng Hưu). Đối với xã Canh Nậu và đập Chùa Sừng được quy hoạch là khu vực vùng đầu nguồn hữu ngạn sông Thương, sông Sỏi và các hồ lớn Tây Bắc tỉnh (khu vực vành đai rừng Tây Bắc tỉnh thuộc huyện Yên Thế) và các khu hồ chứa nước cấp, dự trữ nguồn nước cho sản xuất và cấp nước sạch tập trung (cho các xã Canh Nậu, Đồng Tiến…). Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND huyện Yên Thế và các cơ quan liên quan tập trung ưu tiên thu hút đầu tư phát triển du lịch tại các địa điểm đã được đưa vào Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt. Đồng thời sẽ chỉ đạo UBND huyện Yên Thế, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát hiện trạng, đánh giá tổng thể để đề xuất bổ sung vị trí đập Chùa Sừng (nếu phù hợp) vào Quy hoạch tỉnh trong thời gian tới (khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch tỉnh) để thu hút, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định.

8. Cử tri xã Đồng Tiến, huyện Yên Thế phản ánh: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã quy hoạch và xây dựng thao trường bắn trên địa bàn xã từ năm 2004, đến khoảng năm 2007 Bộ CHQS tỉnh thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng đối với một số hộ dân có đất trong quy hoạch thao trường. Tuy nhiên, còn một số hộ dân có đất, có nhà trong khu quy hoạch trường bắn nhưng đến nay chưa nhận được tiền đền bù và cũng không được xây dựng mới, nâng cấp công trình nhà ở để ổn định cuộc sống. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo Bộ CHQS tỉnh có kế hoạch, thời gian, lộ trình thực hiện và sớm có giải pháp cụ thể đối với diện tích đất hiện đang trong quy hoạch nhưng chưa được đền bù giải phóng mặt bằng để nhân dân yên tâm sinh sống và phát triển kinh tế (trước kỳ 9).

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xem xét đối với kiến nghị cử tri nêu, kết quả cho thấy: Đối chiếu với Dự thảo Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 tỉnh Bắc Giang (được HĐND tỉnh Bắc Giang thông qua tại Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 04/10/2022) tại Biểu 09, Biểu Danh mục các công trình, dự án số thứ tự 14-BCH Quân sự tỉnh, có tên Dự án “Mở rộng thao trường bắn” diện tích 67,0 ha (trong đó hiện trạng là 37,0 ha; diện tích tăng thêm là 30, 0 ha), địa điểm huyện Yên Thế.

Đối chiếu với Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Yên Thế được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt tại Quyết định số 744/QĐ-UBND ngày 22/7/2021. Tại Biểu số 10CH, mục 1, số thứ tự 1.1 có tên Dự án “Mở rộng thao trường bắn” quy mô 127,0 ha (hiện trạng 37,0 ha), địa điểm tại xã Đồng Tiến.

Do đây là dự án phục vụ mục đích quốc phòng nên trách nhiệm tổ chức thực hiện thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang và thời gian thực hiện phụ thuộc vào tiến độ đầu tư và triển khai Dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

9. Cử tri huyện Yên Thế: Đề nghị UBND tỉnh có giải pháp và hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp vi phạm xây dựng nhà ở trên đất rừng sản xuất trước ngày 01/7/2014 và các trường hợp trồng cây lâm nghiệp trên đất lúa (thực tế đây là các diện tích xen kẹp, nếu không trồng rừng thì không canh tác được các cây trồng khác) (trước kỳ 9).

Theo quy định tại Điều 22 Luật Đất đai năm 2013: “Việc xử lý, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 01 tháng 7 năm 2014

3. Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép theo quy định của pháp luật về đất đai mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì thực hiện xử lý như sau:

a) Trường hợp đang sử dụng đất thuộc quy hoạch sử dụng đất cho các mục đích quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật Đất đai thì Nhà nước thu hồi đất trước khi thực hiện dự án, công trình đó.

Người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất, nhưng phải giữ nguyên hiện trạng đang sử dụng đất và phải kê khai đăng ký đất đai theo quy định;

b) Trường hợp đang sử dụng đất không thuộc trường hợp quy định tại Điểm a Khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; người đang sử dụng đất được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”

Đề nghị UBND huyện Yên Thế hướng dẫn người dân thực hiện theo đúng quy định của pháp luật đất đai.

10. Cử tri xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hoà: Đề nghị UBND tỉnh khi thu hồi đất thực hiện các dự án, quan tâm đến việc thu hồi hết diện tích nằm ngoài chỉ giới dự án đối với một số thửa đất nằm xen kẹp giữa dự án và đường giao thông để tạo sự đồng thuận của nhân dân, bảo đảm tiến độ chi trả tiền hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án (trước kỳ 9).

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xem xét nội dung kiến nghị của cử tri, kết quả cho thấy: Tại một số dự án sau khi thu hồi đất còn một phần diện tích đất nông nghiệp bị xen kẹp giữa dự án và các công trình có hành lang bảo vệ gây khó khăn cho việc tiếp tục canh tác nên các chủ sử dụng đất đề nghị nhà nước thu hồi hết. Để xảy ra tình trạng này là do trong quá trình lập quy hoạch xây dựng, UBND các huyện chưa kiểm tra, rà soát hiện trạng sử dụng đất một cách kỹ lưỡng. Đề nghị UBND các huyện cần khảo sát lại để xây dựng hoàn trả đường giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu để phục vụ việc canh tác của nhân dân. Trong trường hợp không bố trí được các điều kiện canh tác nông nghiệp, cần có kế hoạch thu hồi đất để xây dựng các công trình công cộng như dải cây xanh, đường gom...

 

BGP.

Trung bình (0 Bình chọn)