Kiến nghị trước, sau kỳ họp thứ 9: Lĩnh vực Pháp chế

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

1. Cử tri huyện Yên Thế phản ánh: Hiện nay huyện Yên Thế và các huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang đã được tỉnh xác định phát triển sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, bố trí mỗi xã 01 chức danh phụ trách lĩnh vực nông nghiệp (trước kỳ 9).

(1) Về số lượng biên chế cấp xã: Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ quy định: xã loại 1 biên chế tối đa: 22 người, xã loại 2 biên chế tối đa: 20 người, xã loại 3 biên chế tối đa: 18 người. Hiện nay, UBND tỉnh Bắc Giang đã giao biên chế cho các xã trên địa bàn tỉnh với số lượng biên chế tối đa theo quy định của Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ. Vì vậy, không có căn cứ để giao thêm biên chế cho các xã.

(2) Về công chức xã phụ trách lĩnh vực nông nghiệp: Tại khoản 4 Điều 2, Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ Nội vụ quy định: “Công chức Địa chính - Nông nghiệp-Xây dựng và Môi trường có nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã trong các lĩnh vực: Đất đai, địa giới hành chính, tài nguyên, môi trường, xây dựng, đô thị, giao thông, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn theo quy định của pháp luật”. Như vậy, nhiệm vụ tham mưu giúp việc cho UBND xã về lĩnh vực nông nghiệp thuộc công chức Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường xã đảm nhiệm đã được quy định cụ thể tại Thông tư số 13/2019/TTBNV ngày 06/11/2019 của Bộ Nội vụ. Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 13/2019/TTBNV của Bộ Nội vụ quy định cụ thể như trên nên kiến nghị của cử tri huyện Yên Thế không có căn cứ để xem xét, giải quyết.

2. Cử tri xã Đức Giang, huyện Yên Dũng: Đề nghị UBND tỉnh xem xét, tăng mức chi thường xuyên cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, vì mức chi như hiện nay thấp (sau kỳ 9).

UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính kiểm tra, xem xét nội dung kiến nghị của cử tri, kết quả cho thấy:

- Định mức phân bổ dự toán chi hoạt động thường xuyên ngân sách cấp xã phân bổ theo định mức biên chế quy định tại Nghị quyết số 46/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh về việc Ban hành quy định định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 của các cấp chính quyền địa phương tỉnh Bắc Giang, theo đó quy định từ 21 đến 30 triệu đồng/biên chế/năm tùy loại hình đơn vị hành chính xã loại 1, loại 2, loại 3, tương đương khoảng từ 399 triệu đồng/năm đến 690 triệu đồng/năm/xã (tăng từ 1,24 đến 1,5 lần so với giai đoạn 2017-2021). Định mức đã bao gồm kinh phí hoạt động thường xuyên bộ máy cơ quan như khen thường, công tác phí, vật tư văn phòng; các khoản chi nghiệp vụ mang tính thường xuyên phát sinh hàng năm như chi tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, chi hoạt động tiếp dân, hòa giải cơ sở; các khoản chi mua sắm tài sản, công cụ, dụng cụ; kinh phí sửa chữa thường xuyên tài sản. Mặt khác, ngân sách tỉnh đã bố trí trong dự toán ngân sách cấp xã, phường, thị trấn mức khoán từ 75 triệu đồng đến 85 triệu đồng/xã/năm (mức khoán này đã tăng từ 1,2 đến 1,3 lần so với giai đoạn 2017-2021) để thực hiện kinh phí hoạt động đối với Mặt trận Tổ quốc; các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức xã hội ở cấp xã (bao gồm cả hỗ trợ hoạt động của Ban Công tác mặt trận; tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức xã hội ở thôn, tổ dân phố).

Ngoài mức khoán kinh phí hoạt động nêu trên, ngân sách tỉnh bố trí:

+ Hỗ trợ kinh phí hoạt động các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn được bổ sung 2 triệu đồng/tổ chức/năm.

+ Hỗ trợ kinh phí hoạt động của Ban thanh tra nhân dân cấp xã loại 1 và xã đặc biệt khó khăn: 7 triệu đồng/ban/năm; xã loại 2: 6 triệu đồng/ban/năm; xã loại 3: 5 triệu đồng/ban/năm (theo Nghị quyết số 30/2017/NQ-HĐND).

+ Hỗ trợ đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh Bắc Giang để thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trong đó: Đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã: các xã thuộc vùng khó khăn và xã đặc biệt khó khăn: 25 triệu đồng/xã/năm; các xã còn lại: 20 triệu đồng/xã/năm. Đối với Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư: Khu dân cư có quy mô dân số dưới 700 hộ dân: 5 triệu đồng/khu dân cư/năm; Khu dân cư có quy mô dân số cứ tăng thêm 200 hộ dân thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/khu dân cư/năm; Khu dân cư của các xã thuộc vùng khó khăn, xã thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn: ngoài mức hỗ trợ theo quy định trên thì được bố trí thêm 1 triệu đồng/năm/khu dân cư (Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND). Trong điều kiện ngân sách tỉnh chưa đảm bảo được chi thường xuyên, với kinh phí hoạt động trên, hàng năm ngân sách tỉnh phải đảm bảo 35.853 triệu đồng (ngân sách trung ương không hỗ trợ).

Do vậy, các Hội, đoàn thể thực hiện tiết kiệm chi, huy động từ các nguồn lực tài chính khác của địa phương để hoạt động có hiệu quả.

3. Cử tri thị trấn Tân An, huyện Yên Dũng phản ánh: Điểm dừng, đỗ xe đưa đón công nhân trên tuyến đường tỉnh 293 (đoạn từ thị trấn Tân An đến xã Lão Hộ) bố trí chưa phù hợp, đúng khúc cua, đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông tại khu vực này. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng xem xét, bố trí điểm dừng, đỗ xe khu vực này phù hợp hơn (sau kỳ 9).

UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông vận tải kiểm tra, xem xét nội dung kiến nghị của cử tri, kết quả cho thấy: Vị trí thi công xây dựng điểm dừng đỗ đón, trả công nhân trên tuyến ĐT.293 tại bên phải tuyến Km8+555 và bên trái tuyến Km8+516 thuộc thị trấn Tân An, huyện Yên Dũng đã được các cơ quan: Sở Giao thông vận tải, UBND huyện Yên Dũng, UBND thị trấn Tân An và các đơn vị có liên quan khảo sát, thống nhất vị trí thi công đảm bảo các tiêu chí về quy hoạch, mặt bằng và đáp ứng nhu cầu đi lại của công nhân địa phương (Có Biên bản làm việc giữa các bên ngày 28/7/2022). Tại vị trí xây dựng điểm dừng đỗ đón, trả công nhân đã bố trí đủ biển báo hiệu, vạch sơn kẻ đường và vạch sơn giảm tốc để đảm bảo ATGT. Tuy nhiên qua kiểm tra thực tế cho thấy đoạn tuyến qua vị trí này có tình trạng người dân tập kết bày bán hàng rong trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ và có một số cây xanh phát triển tự phát ảnh hưởng đến tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông vận tải chỉ đạo đơn vị quản lý bảo trì chặt cây xanh, phát quang tầm nhìn tại vị trí nêu trên, phối hợp với UBND huyện Yên Dũng chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra khắc phục triệt để tình trạng bày bán hàng rong, tuyên truyền nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực trên.

BGP.

Trung bình (0 Bình chọn)