Kiến nghị trước, sau kỳ họp thứ 9: Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

1. Cử tri một số xã huyện Lục Nam đề nghị: Nhà nước có chính sách, trợ cấp thêm với đối tượng là cựu chiến binh có thời gian dài tham gia kháng chiến. Đối tượng này hiện nay chỉ được hưởng chế độ BHYT, trong khi đối tượng bảo trợ xã hội được mở rộng và có trợ cấp hàng tháng (trước kỳ 9).

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - TB&XH kiểm tra, xem xét nội dung kiến nghị của cử tri, kết quả cho thấy: Hiện nay, Cựu chiến binh được hưởng 03 chế độ quy định tại Thông tư số 03/2020/TT-BLĐTBXH ngày 25/02/2020 của Bộ Lao động-TB&XH: Chế độ bảo hiểm y tế; Chế độ mai táng phí; Chế độ trợ cấp khi thôi công tác.

Chế độ chính sách ưu đãi đối với Người có công với cách mạng nói chung và Cựu chiến binh nói riêng được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, theo mức độ đóng góp, công lao cống hiến, hy sinh của từng diện đối tượng và cân đối trong mặt bằng chính sách nói chung.

2. Cử tri một số xã huyện Lục Nam: Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn xem xét nâng mức cấp thuốc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các trạm y tế (trước kỳ 9).

UBND tỉnh đã chỉ đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh kiểm tra, xem xét nội dung kiến nghị của cử tri, kết quả cho thấy: Căn cứ Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế quy định; Thông tư số 30/2018/TT-BYT ngày 30/10/2018 của Bộ Y tế, ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế theo quy định; việc cung ứng, sử dụng thuốc tại các Trạm y tế tuyến xã được thực hiện như sau: Theo quy định khoản 1 Điều 19 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, “1. Đối với trạm y tế xã, phường, nhà hộ sinh công lập và phòng khám đa khoa khu vực: Cơ quan bảo hiểm xã hội ký hợp đồng với trung tâm y tế huyện hoặc bệnh viện huyện hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác do Sở Y tế phê duyệt để thực hiện khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường, nhà hộ sinh công lập, phòng khám đa khoa khu vực cho người tham gia bảo hiểm y tế; Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế có trách nhiệm cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế cho trạm y tế xã, phường, nhà hộ sinh công lập, phòng khám đa khoa khu vực và thanh toán chi phí sử dụng giường bệnh (nếu có) và dịch vụ kỹ thuật y tế thực hiện trong phạm vi chuyên môn; đồng thời theo dõi, giám sát và tổng hợp để thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội”. Đồng thời, theo khoản 1 Điều 2, Thông tư số 30/TT-BYT ngày 30/10/2018 quy định: “Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là trạm y tế xã, phường, thị trấn, y tế cơ quan và tương đương sử dụng các thuốc quy định tại cột 7, Phụ lục số 01” (Danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, ban hành kèm theo Thông tư số 30/2018/TT-BYT, ngày 30/10/2018 của Bộ Y tế).

3. Cử tri thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế: Đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng các hạng mục công trình thuộc khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám đảm bảo theo thời gian, lộ trình của dự án đã đề ra để khu di tích sớm xứng tầm là di tích cấp Quốc gia đặc biệt (trước kỳ 9).

Trong những năm qua, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Những địa điểm Khởi nghĩa Yên thế luôn được các cấp, ngành quan tâm. UBND tỉnh đã lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế giai đoạn 1... Thực tế cho thấy, để triển khai tu bổ, tôn tạo cùng lúc các điểm di tích trong Quy hoạch cần huy động nguồn lực rất lớn; trong khi đó, nguồn kinh phí đầu tư cho tu bổ, tôn tạo di tích còn hạn chế, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa bị cắt giảm dẫn đến không đảm bảo nguồn lực để thực hiện. Đến nay, các hạng mục chính từng bước được tu bổ, tôn tạo, như: đình Ba tầng mái (đã hoàn thành bằng nguồn ngân sách Nhà nước); đền thờ Hoàng Hoa Thám (đang triển khai thi công bằng nguồn vốn xã hội hóa và ngân sách nhà nước); đồn Phồn Xương đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đầu tư xây dựng. Như vậy, các hạng mục chính của khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám cơ bản đã được đầu tư xây dựng. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu, đề xuất đầu tư, tu bổ các hạng mục còn lại thuộc dự án. Đề nghị UBND huyện Yên Thế tranh thủ các nguồn lực tại chỗ, huy động nguồn kinh phí xã hội hóa, cùng với ngân sách Nhà nước để tu bổ, tôn tạo khu di tích trên, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

4. Cử tri xã Xuân Lương, huyện Yên Thế: Đề nghị UBND tỉnh xem xét có cơ chế đặc thù hỗ trợ một phần kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số ở các xã miền núi đã về đích nông thôn mới như xã Xuân Lương (trước kỳ 9).

Căn cứ Luật BHYT ngày 14/11/2008; sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật BHYT ngày 13/6/2014; Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ có quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT. Tại điều 3 khoản 9 Nghị định số 146 quy định Nhóm do ngân sách nhà nước đóng: Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo và một số đối tượng khác, cụ thể:

- Hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình nghèo theo tiêu chí về thu nhập, người thuộc hộ nghèo đa chiều có thiếu hụt về BHYT quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của TTg; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Hỗ trợ 70% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo tiêu chí chuẩn cận nghèo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 9 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

- Hỗ trợ 30% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Học sinh, sinh viên. Tại mục 1 Điều 2 Nghị Quyết số 60/2021/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2021 của HĐND tỉnh Bắc Giang quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế 20% mức đóng BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo (ngoài mức hỗ trợ 70% mức đóng BHYT theo quy định của Trung ương); 10% mức đóng BHYT người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm nghiệp có mức sống trung bình (ngoài mức hỗ trợ 30% mức đóng BHYT theo quy định của Trung ương) và hỗ trợ 10% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng theo mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn áp dụng trong từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định từ nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2022-2025.

Do vậy, kiến nghị nêu trên của cử tri xã Xuân Lương, huyện Yên Thế về đề nghị UBND tỉnh xem xét có cơ chế đặc thù hỗ trợ một phần kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số ở các xã miền núi đã về đích nông thôn mới sẽ được các sở, ban, ngành, các cấp tiếp tục xem xét, đánh giá để tham mưu có giải pháp trong giai đoạn tiếp theo về mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ, thời điểm hỗ trợ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng của ngân sách tỉnh Bắc Giang.

5. Cử tri xã Đồng Phúc, Yên Dũng: Đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ học phí đối với học sinh trên địa bàn tỉnh. Mức thu năm học 2022 - 2023 cao hơn những năm học trước và không phù hợp với mặt bằng thu nhập của người dân (trước kỳ 9).

Hiện nay, UBND tỉnh đang thực hiện việc hỗ trợ học phí đối với học sinh căn cứ theo quy định tại Điều 14, 15, 16, 18 của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Việc nghiên cứu, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ học phí đối với học sinh trên địa bàn tỉnh sẽ được xem xét trên cơ sở điều kiện ngân sách của tỉnh khi có đủ điều kiện hỗ trợ.

Về mức thu học phí theo Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 12/7/2022 của HĐND tỉnh là mức tối thiểu của khung thu học phí tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ. Tuy nhiên, để tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20/12/2022, theo đó mức học phí áp dụng cho năm học 2022-2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022.

6. Cử tri xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn: Đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí bảo tồn làng cổ Bắc Hoa để lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Nùng gắn với phát triển du lịch cộng đồng (sau kỳ 9).

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra, xem xét nội dung kiến nghị của cử tri, kết quả cho thấy: Căn cứ Nghị quyết số 112/NQ-TU ngày 15/6/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, nhiều kế hoạch, văn bản quản lý nhà nước liên quan đến công tác phát triển du lịch đã được xây dựng và triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022- 2030 (hoàn thiện trình HĐND tỉnh vào năm 2023). Ngày 21/6/2022, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch số 379/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; trong đó, có Dự án 6: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025” (sau đây gọi tắt là Dự án 6). Theo Kế hoạch nêu trên, thôn Bắc Hoa, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn sẽ được nhận 03 gói hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, phân kỳ từ năm 2023 đến năm 2025: (1) Nguồn vốn đầu tư phát triển: Hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng, bản truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số đối với thôn Bắc Hoa, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn (số vốn 1.783.000.000đ); Hỗ trợ xây dựng mô hình bảo tàng sinh thái “Không gian bảo tàng sinh thái văn hóa phi vật thể dân tộc thiểu số tại thôn Bắc Hoa, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn” (số vốn 1.783.000.000đ); (2) Nguồn vốn sự nghiệp: Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Nùng thôn Bắc Hoa, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn (số vốn 187.000.000đ). Cùng đó, từ tháng 02/2022, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch Bắc Giang chủ trì thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh: “Bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Nùng, Dao phục vụ xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch ở huyện Lục Ngạn, Sơn Động, góp phần phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang”. Đến nay, đã tổ chức điền thông tin khảo sát vào các phiếu điều tra: Số liệu về thực trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, đánh giá tiềm năng và thực trạng hoạt động du lịch tại các thôn, bản có người dân tộc Nùng, Dao, đặc biệt là người Dao tại Bản Mậu, thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động và người Nùng tại thôn Bắc Hoa, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn; Nghiên cứu đánh giá thực trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Nùng huyện Lục Ngạn gắn với phát triển du lịch … Đề tài trên sẽ được hoàn thành vào tháng 07/2024.

7. Cử tri đường Lê An, phường Trần Phú, thành phố Bắc Giang phản ánh: Việc dùng tên danh nhân Lê An để đặt tên đường là chưa chính xác vì theo tìm hiểu thì trong lịch sử không có nhân vật nào tên Lê An mà chỉ có Lê Văn An là danh tướng thời Lê Lợi gắn với cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn lừng danh trong lịch sử. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền rà soát, xác minh tên đường Lê An cho đúng với tư liệu lịch sử (sau kỳ 9).

UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND thành phố Bắc Giang kiểm tra, xem xét nội dung kiến nghị của cử tri, kết quả cụ thể: Theo Đề án 05/NQ-HĐND ngày 15/7/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang về việc Đặt tên một số tuyến đường, phố và công trình công cộng thành phố Bắc Giang, trong đó có đặt tên đường Lê An tại Khu dân cư số 3 thành phố (có điểm đầu đê Sông Thương, điểm cuối đường Nguyễn Công Hãng). Ngày 21/8/2020, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định số 1669/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung Đề án “Ngân hàng dữ liệu phục vụ việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” theo đó tên danh tướng Lê An đã được điều chỉnh thành Lê Văn An. Do vậy, việc ý kiến cử tri nêu là đúng, UBND thành phố tiếp thu và đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh tên cho phù hợp cùng với việc rà soát tổng thể các tuyến đường cần đặt tên, đổi tên trên địa bàn thành phố.

BGP.

Trung bình (0 Bình chọn)