Phản ánh của ông Nguyễn Văn Ân (Bắc Giang) Có lãng phí khi mua số liệu khí tượng thủy văn?

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Ý kiến cử tri: Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Ân (Bắc Giang), số liệu khí tượng thủy văn được sử dụng trong tính toán, thiết kế công trình. Qua thanh tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các dự án phải có số liệu khí tượng thủy văn mới nhất và quy trách nhiệm đến chủ đầu tư.
Theo đó, các dự án từ nhỏ đến lớn để tính toán thủy lực thủy văn đều phải lập nhiệm vụ khảo sát cho nhà thầu tư vấn mua số liệu thủy văn khoảng 30 triệu đồng/1 công trình. Nếu tính trên toàn quốc, mỗi năm chi phí hàng nghìn tỷ đồng. Các chủ đầu tư vẫn phải sử dụng ngân sách nhà nước để mua.
Do vậy, ông Ân đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm tháo gỡ khó khăn để dữ liệu đó là dữ liệu dùng chung, tránh lãng phí ngân sách.

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:

Luật Khí tượng thủy văn được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều 32 của Luật quy định: Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn sử dụng trong các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội phải có nguồn gốc rõ ràng, do cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 39 của Luật này cung cấp và xác nhận hoặc được cung cấp từ cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia (Khoản 2) và cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn phải trả phí theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều này (Khoản 4).

Để triển khai chi tiết Luật Khí tượng thủy văn nói chung và việc khai thác sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn nói riêng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn và Nghị định số 48/2020/NĐ-CP ngày 15/4/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP.

Tại các Nghị định này đã quy định rõ nguyên tắc khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu và thẩm quyền cung cấp, xác nhận nguồn gốc thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn.

Mục đích của việc sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn phải bảo đảm tính cập nhật là hiện nay do sự phát triển kinh tế - xã hội và tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng cực đoan như mưa lớn, lũ lớn bất thường, hạn hán, suy kiệt dòng chảy xảy ra thường xuyên, không tuân theo quy luật.

Do đó, việc cập nhật số liệu đến năm gần nhất nhằm không bỏ sót những giá trị cực trị, hiếm gặp để bảo đảm việc tính toán, thiết kế các công trình, dự án bảo đảm an toàn, có hiệu quả trong sử dụng, tránh lãng phí.

Việc số liệu phải được cơ quan có thẩm quyền cung cấp, xác nhận bảo đảm số liệu cung cấp là chính xác tránh sử dụng các số liệu thứ cấp, số liệu bị can thiệp để số liệu đầu vào cho việc tính toán có độ chính xác cao.

Các trường hợp khai thác số liệu khí tượng thủy văn không mất phí

Luật Khí tượng thủy văn và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật cũng đã quy định chi tiết các trường hợp khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn không phải trả phí.

Theo đó, việc sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn không phải trả phí bao gồm: Thông báo trên các phương tiện thông tin, đại chúng không vì mục đích lợi nhuận; phục vụ phòng chống thiên tai, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; trao đổi với nước ngoài, tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên; phục vụ hoạt động của cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội cấp trung ương; phục vụ hoạt động điều tra, xử lý tranh chấp theo yêu cầu của cơ quan điều tra và phục vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương theo yêu cầu của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Tại Điều 31 Luật Khí tượng thủy văn đã quy định về cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn. Thực hiện điều này, hằng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dần số hóa để cập nhật, quản lý, khai thác bằng hệ thống công nghệ thông tin, tổ chức xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia.

Tuy nhiên, thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn nhất là số liệu quan trắc khí tượng thủy văn là số liệu lịch sử, được quan trắc tại các trạm theo phương pháp thủ công (số liệu ghi ra giấy), thời gian quan trắc tương đối dài (có trạm tới 100 năm, trung bình khoảng 50 năm) do đó số liệu là rất lớn, chưa thể số hóa được do vấn đề kinh phí và nhân lực.

Dần hoàn thiện chính sách về khí tượng thủy văn tránh lãng phí ngân sách

Thực tế việc sử dụng ngân sách Nhà nước để chi trả cho việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn cơ bản không phát sinh chi phí hay làm tốn kém ngân sách.

Cụ thể, theo Thông tư số 197/2016/TT-BTC ngày 8/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn thì số tiền thu phí được thu vào ngân sách Nhà nước và trang trải chi phí, mua sắm thiết bị phục vụ dịch vụ.

Việc sử dụng số liệu có nguồn gốc rõ ràng để tính toán, thiết kế các công trình, dự án thậm chí còn tiết kiệm ngân sách, bảo đảm an toàn cho công trình, tiết kiệm các chi phí dự phòng và giải quyết những vấn đề phát sinh do tính toán, thiết kế sai (nếu có).

Qua công tác kiểm tra việc khai thác và sử dụng thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội sử dụng ngân sách Nhà nước tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kể từ khi Luật Khí tượng thủy văn và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực tới nay, Tổng cục Khí tượng Thủy văn nhận thấy số lượng có sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trong tính toán, thiết kế không nhiều (trung bình 5 đến 10 dự án/tỉnh/năm). Tuy nhiên, số liệu khí tượng, thủy văn được sử dụng trong các dự án này hầu như không có nguồn gốc và không được các cơ quan có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.

Đến nay, qua kiểm tra việc khai thác và sử dụng thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn tại 16 tỉnh, tổng số dự án có sử dụng thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn là 295 dự án, trong đó số dự án sử dụng thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn không có nguồn gốc, không được cơ quan có thẩm quyền cung cấp, xác nhận là 191 dự án, chiếm 65%.

Sau khi kiểm tra, các địa phương, chủ các dự án đã khắc phục những tồn tại về việc sử dụng thông tin, dữ liệu trong các chương trình, kế hoạch, quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Trong thời gian tới, Tổng cục Khí tượng Thủy văn sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị để hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia, cùng với đó là nghiên cứu trình Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ để dần hoàn thiện các chính sách về khí tượng thủy văn phục vụ nhu cầu của người dân, các tổ chức, doanh nghiệp tốt nhất, tránh lãng phí ngân sách nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả, hiệu lực của pháp luật./.

BGP.

Trung bình (0 Bình chọn)