Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời một số vấn đề cử tri quan tâm

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ý kiến đề nghị: Bố trí ngân sách hợp lý, huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non theo lộ trình đã đề ra, nhất là ở địa bàn quanh các khu công nghiệp. Sớm khắc phục tình trạng quá tải trong trường học, lớp học mầm non tại khu vực này.

Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

Thực hiện Đề án xây dựng cơ sở vật chất mầm non giai đoạn 2015-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo các đơn vị sử dụng, quản lý có hiệu quả các nguồn đầu tư cho các chương trình, kế hoạch, đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt, đặc biệt ưu tiên các nguồn lực phát triển giáo dục mầm non. Trong năm 2015, 2016 đã huy động 132.102,7 triệu đồng để đàu tư xây dựng 295 phòng học, 33 bếp ăn, 9 phòng giáo dục thể chất, 14 văn phòng trường, 12 phòng y tế, 28 công trình vệ sinh cho giáo viên, một số hạng mục khác và hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng 02 dự án xây trường mầm non tư thục. Năm 2017, ngân sách tỉnh bố trí 35.000 triệu đồng, trong đó 9.250 triệu đồng hỗ trợ xây dựng 37 phòng học của trường mầm non tại khu công nghiệp, 25.750 triệu đồng hỗ trợ xây dựng 103 phòng học các trường mầm non khác; bố trí 3.840 triệu đồng hỗ trợ mua sắm đồ dùng, thiết bị dạy học cho nhóm trẻ trong trường tư thục và nhóm trẻ độc lập tư thục. Tổng số phòng học mầm non được hỗ trợ đến nay là 263/813 phòng, đạt 20% kế hoạch giai đoạn 2015-2020. Các xã xung quanh khu công nghiệp được hỗ trợ xây 43 phòng mầm non (Vân Trung, Việt Yên: 9 phòng; Quang Châu: 8 phòng; Hồng Thái: 10 phòng; Hoàng Ninh: 8 phòng). Bố trí ngân sách hỗ trợ kinh phí cho trường mầm non tư thục Âu Cơ 10 phòng học. Hiện tại khu vực quanh khu công nghiệp đã không còn hiện tượng quá tải bậc học mầm non. Hiện tượng quá tải chỉ còn tập trung nhiều ở huyện Lạng Giang (243/439 lớp quá tải, chiếm tỷ lệ 55,3%, trong đó có 90/243 lớp quá tải cao chiếm tỷ lệ 37%). Huyện Hiệp Hòa (162/479 lớp quá tải, chiếm tỷ lệ 33,8%, trong đó có 58/162 lớp quá tải cao chiếm tỷ lệ 35,8%), huyện Lục Nam (133/420 lớp quá tải, chiếm tỷ lệ 31,7%, trong đó có 33/133 lớp quá tải cao chiếm tỷ lệ 24,8 %), thành phố Bắc Giang (68/237 lớp quá tải, chiếm tỷ lệ 28%, trong đó có 21/68 lớp quá tải cao chiếm tỷ lệ 30,8%).

Để tiếp tục khắc phục hiện tượng quá tải ở bậc học mầm non trong toàn tỉnh, trong tháng 4/2017, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các ngành, đặc biệt là Sở Nội vụ, Sở Tài chính tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phương án giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, trường lớp học mầm non theo hướng cho phép các địa phương hợp đồng giáo viên mầm non, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ đóng bảo hiểm, tiền lương của giáo viên sẽ thu từ người học. Trước mắt ngành giáo dục tiếp tục chỉ đạo các nhà trường thực hiện giãn lớp và điều chỉnh học sinh ở các lớp trong trường cho phù hợp; sắp xếp các phòng làm việc, chức năng của nhà trường, bố trí cho trẻ học tại các phòng chức năng hoặc tại khu lẻ hoặc học nhờ tại nhà văn hóa thôn...; kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng trường mầm non tư thục,... Đặc biệt, chỉ đạo các trường trong điều kiện thiếu lớp, thiếu giáo viên, quá tải học sinh vẫn phải động viên các nhà trường, các giáo viên tổ chức tốt việc dạy học và chăm sóc, giáo dục trẻ, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ. Tiếp tục tham mưu thực hiện đúng lộ trình Đề án xây dựng cơ sở vật chất mầm non giai đoạn 2015-2020 và Nghị quyết số 28/2014/HĐND của HĐND tỉnh về hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất các trường mầm non giai đoạn 2015-2020.

Ý kiến đề nghị: Tỉnh tăng cường giám sát chặt chẽ các khoản thu của ngành giáo dục.

Các khoản thu trong cơ sở giáo dục công lập như học phí, lệ phí thi được ngành giáo dục chỉ đạo thực hiện theo các văn bản của Nhà nước. Cụ thể, năm học 2016-2017 các cơ sở giáo dục công lập thực hiện thu học phí năm học theo Nghị quyết số 12/2016/NQ-HĐND ngày 05/7/2016 của HĐND tỉnh Bắc Giang, thu theo tháng và 9 tháng/năm học. Lệ phí tuyển sinh, tiền gửi xe thực hiện theo Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 của HĐND tỉnh quy định mức thu và tỷ lệ điều tiết một số loại phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tiền học thêm các trường THCS, THPT và các trung tâm GDTX-DN triển khai thực hiện theo Quyết định số 455/2012/QĐ-ƯBND ngày 25/12/2012 của UBND tỉnh Ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Trong đó yêu cầu phải thỏa thuận (bằng văn bản) với người học hoặc cha mẹ người học về mức thu tiền học thêm, số buổi học, số môn học; nghiêm cấm việc bắt ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức; thu tiền học thêm theo định kỳ (tháng hoặc quý) trên cơ sở số buổi học sinh thực học; tuyệt đối không thu tiền trước của người học, chỉ được tiến hành thu tiền của người học sau khi kết thúc đợt dạy thêm.

Đối với các khoản thu phục vụ trực tiếp việc học tập, sinh hoạt của học sinh, Sở GD&ĐT đã ban hành Công văn số 846/SGDĐT-KHTC ngày 29/7/2016 về hướng dẫn thu, quản lý và sử dụng các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập, trong đó hướng dẫn chi tiết các khoản thu (gồm thu theo quy định và thu hộ), quy định quản lý và sử dụng đối với các nhà trường; chỉ đạo việc thực hiện giãn thu, không được thu dồn đầu năm gây khó khăn cho phụ huynh; chỉ đạo các Phòng GD&ĐT huyện, thành phố phải thẩm định và duyệt các khoản thu của các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn; chỉ đạo việc thực hiện xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục phải đúng các quy định của nhà nước, không được lợi dụng Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu trái quy định...

Về cơ bản các đơn vị đã thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, của tỉnh, của ngành. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn hiện tượng một số cơ sở giáo dục thực hiện chưa đúng các quy định về thu, quản lý và sử dụng các khoản thu, nhất là các khoản thu thỏa thuận. Sở GD&ĐT đã kiểm tra, xác minh, chấn chỉnh sai phạm. Ngày 03/4/2017, Sở GD&ĐT tiếp tục ban hành Công văn số 255/SGDĐT-TTr gửi Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đề nghị phối hợp chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm; tư vấn, hướng nghiệp học sinh lớp 9 và hoạt động thu, chi năm học 2016-2017 trên địa bàn tỉnh. Nhằm tiếp tục đưa việc thu, quản lý, sử dụng các khoản thu trong các cơ sở giáo dục thành nền nếp, đúng với các quy định hiện hành, ngành Giáo dục đang hoàn thiện Dự thảo Quy định thu, sử dụng các khoản thu thỏa thuận và tự nguyện trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh, xin ý kiến các sở, ban, ngành, các địa phương, các cơ sở giáo dục, dự kiến trình UBND tỉnh xem xét, quyết định thông qua trong tháng 5 năm 2017 để áp dụng từ năm học 2017-2018.

Ý kiến đề nghị: Quan tâm hơn đến giáo dục cho con em đại bộ phận dân nghèo.

Năm học 2016-2017, toàn ngành có trên 400.000 học sinh các cấp học. Mọi đối tượng học sinh đều được hưởng bình đẳng về quyền lợi trong học tập và các chế độ chính sách của Nhà nước. Tuy vậy, những học sinh thuộc diện con em hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn đều được hưởng chế độ ưu tiên của Nhà nước nói chung theo đúng quy định như chính sách miễn, giảm học phí, được hỗ trợ tiền ăn, được trợ cấp gạo hàng tháng. Đối tượng miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập được áp dụng theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021; Thông tư Liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/3/2016 của Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP; Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Mặt khác, các nhà trường đều phối hợp xây dựng “Quỹ vì người nghèo:, “Quỹ hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó học giỏi” để tặng thưởng cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên có thành tích trong học tập; quan tâm đối tượng hộ nghèo, gia đình khó khăn trong dịp tết Nguyên đán hàng năm.

Ý kiến phản ánh: nh trạng dạy thêm, học thêm tràn lan vẫn còn diễn ra phổ biến.

Việc dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh hiện đang thực hiện theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ GD&ĐT và Quyết định số 455/2012/QĐ- UBND ngày 25/12/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Trước phản ánh của cử tri và theo đơn kiến nghị gửi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Công văn số 101/UBND-KGVX ngày 11/01/2017 của UBND tỉnh về việc kiểm tra, chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố kiểm tra, xác minh các thông tin. Qua kiểm tra cho thấy, 100% các trường tiểu học không tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường. Sở GD&ĐT đã cấp phép cho 100% các đơn vị, trường học trực thuộc tổ chức dạy thêm, học thêm ở trong nhà trường, đồng thời cấp phép cho một số cơ sở dạy thêm ở ngoài nhà trường; các Phòng GD&ĐT cũng tổ chức cấp phép cho các trường, giáo viên dạy thêm trong và ngoài nhà trường.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong công tác quản lý, tổ chức dạy thêm học thêm như: một số trường THCS còn tổ chức dạy thêm quá số buổi quy định (từ 05 đến 06 buổi/tuần), dạy 02 ca/buổi, thu tiền trước cả năm học,... đặc biệt là việc tổ chức dạy thêm, học thêm cho học sinh lớp 9 ôn thi vào lớp 10 THPT chưa đúng quy định. Việc cấp phép cho các tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm ở ngoài nhà trường chưa được Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố quan tâm, phối hợp với chính quyền địa phương để kiểm tra, giám sát, do đó còn hiện tượng giáo viên dạy thêm ở ngoài nhà trường chưa đúng quy định.

Nhằm chấn chỉnh những sai phạm và đưa hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh đúng quy định, Sở GD&ĐT tiếp tục ban hành các văn bản yêu cầu cầu thủ trưởng các đơn vị tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát đối với giáo viên và học sinh của đơn vị dạy thêm, học thêm ở ngoài nhà trường. Ngày 03/4/2017, Sở GD&ĐT đã ban hành Công văn số 255/SGDĐT-TTr gửi Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đề nghị phối hợp chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm; tư vấn, hướng nghiệp học sinh lớp 9 và hoạt động thu, chi năm học 2016-2017 trên địa bàn tỉnh, trong đó đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng GD&ĐT phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất hoạt động dạy thêm, học thêm ở trong và ngoài nhà trường để kịp thời chấn chỉnh và xử lý các sai phạm (nếu có)./.

Trung bình (0 Bình chọn)